Thể thao

Tưởng nhớ sông băng đầu tiên biến mất do biến đổi khí hậu

Ngọc Nga • 20-08-2019 • Lượt xem: 4113
Tưởng nhớ sông băng đầu tiên biến mất do biến đổi khí hậu

Iceland vừa tưởng nhớ sự biến mất của sông băng Okjokull do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cảnh báo khoảng 400 sông băng khác cũng có thể chung số phận nếu phát thải khí nhà kính vẫn không thay đổi. Tháng 7 vừa qua được xem là tháng nóng nhất trong lịch sử và khiến Greenland (Đan Mạch) tan hết 197 tỷ tấn băng.

Tin, bài liên quan:

Băng tan kỷ lục tại đảo lớn nhất thế giới

Chặn ánh sáng Mặt Trời để giảm biến đổi khí hậu

Sự kiện tưởng nhớ sự biến mất của sông băng Okjokull diễn ra trên một sông băng cũ ở phía Tây Iceland với sự tham dự của Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir, Bộ trưởng Môi trường Gudmundur Ingi Gudbrandsson và cựu Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc Mary Robinson.

Một đài tưởng niệm được dựng tại đây, với tấm biển bằng đồng ghi dòng chữ "Một lá thư cho tương lai" nhằm nâng cao nhận thức về sự suy giảm của sông băng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tấm bảng còn có nội dung: "Trong 200 năm tới, tất cả các sông băng của chúng ta dự kiến ​​sẽ có cùng một kết cục. Tượng đài này là để thừa nhận rằng chúng ta biết những gì đang xảy ra và những gì cần phải làm". Nó cũng được dán nhãn "415 ppm CO2", đề cập đến mức độ carbon dioxide kỷ lục từng đo được trong khí quyển vào tháng 5/2018.


Bảng đồng trên đài tưởng niệm sông băng Okjokull

Phó Giáo sư Nhân chủng học tại Đại học Rice Cymene Howe cho biết: "Đây sẽ là tượng đài đầu tiên trên thế giới cho một sông băng tiêu tan do biến đổi khí hậu”. Ông nói thêm: "Bằng cách tưởng niệm một dòng sông băng mất đi, chúng tôi muốn nhấn mạnh những gì đang mất - hoặc sắp chết - trên khắp thế giới và cũng thu hút sự chú ý rằng đây là điều mà con người đã 'gây ra', mặc dù đó không phải là điều đáng tự hào".

"Một phần lớn năng lượng tái tạo của chúng tôi được sản xuất ở các dòng sông băng... Sự biến mất của các con sông băng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống năng lượng quốc gia", Thủ tướng Iceland Jakobsdottir nói.

Sông băng Okjokull chụp từ vệ tinh năm 1986

Năm 2014, các nhà nghiên cứu về sông băng thông báo Okjokull không còn là sông băng nữa. "Chúng tôi đã đưa ra quyết định rằng đây không còn là sông băng sống, nó chỉ là băng chết, nó không di chuyển", ông Oddur Sigurdsson, nhà nghiên cứu về sông băng thuộc Văn phòng Khí tượng Iceland khẳng định. Trước đó, năm 1890, sông băng này bao phủ 16 km2 nhưng đến năm 2012, diện tích chỉ còn 0,7 km2, theo báo cáo từ Đại học Iceland.

Để được công nhận là sông băng, khối lượng băng và tuyết phải đủ dày để di chuyển bằng trọng lượng của chính nó, khoảng 40 đến 50m.

Sông băng Okjokull dần biến mất qua thời gian

Julien Weiss - Giáo sư khí động học tại ĐH Berlin, lưu ý: "Bạn có thể không cảm nhận được biến đổi khí hậu mỗi ngày, bởi nó xảy ra rất chậm trên quy mô của con người, nhưng lại rất nhanh ở quy mô địa chất".

Theo một nghiên cứu được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố vào tháng 4/2019, gần một nửa số sông băng trên thế giới có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2100 nếu phát thải khí nhà kính vẫn duy trì như hiện nay.

Mỗi năm, Iceland mất khoảng 11 tỷ tấn băng và các nhà khoa học lo ngại tất cả 400 sông băng trên đảo sẽ biến mất vào năm 2200. 11% bề mặt của Iceland được bao phủ bởi sông băng.

Ảnh: Hình ảnh vệ tinh của NASA về sông Okjokull năm 1986.