An ninh sẽ được siết chặt tối đa để đảm bảo an toàn tuyệt đối trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31 giữa U.23 Việt Nam và U.23 Thái Lan tại sân Mỹ Đình, dưới sự cổ vũ của 40.000 khán giả vào 19 giờ ngày 22.5.
Huy động tối đa lực lượng
Kể từ cuối tháng 11.2019 đến nay, sân Mỹ Đình mới được phép đón lượng khán giả đúng bằng công suất của sân. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khi bóng đá hết giai đoạn đóng băng, những trận đấu trên sân nhà của tuyển VN tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 từ chỗ không có khán giả đến được phép đón khán giả nhưng với số lượng hạn chế (chỉ 10.000 người hoặc cao nhất 20.000 người). Còn đến trận chung kết môn bóng đá nam, ban tổ chức SEA Games 31 được phép bán hơn 19.000 vé (có 2 mệnh giá 300.000 đồng, 500.000 đồng) và phát hành 20.000 vé mời.
Khán giả sẽ lấp kín sân Mỹ Đình vào tối 22.5
Việc kiểm soát gần 40.000 khán giả, để không xảy ra tình trạng hỗn loạn, chen lấn xô đẩy ngay từ lúc xếp hàng vào sân Mỹ Đình là bài toán khá phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp rất chặt chẽ giữa Bộ Công an, các đơn vị an ninh - dân phòng trên địa bàn, lực lượng vệ sĩ, cảnh sát cơ động, ban tổ chức đại hội và Liên đoàn Bóng đá VN (VFF). Liên tiếp trong 3 ngày vừa qua, các cơ quan nói trên đã có 3 cuộc họp khẩn để bàn phương án đảm bảo an ninh. Được biết, số lượng an ninh và cảnh sát sẽ được huy động tối đa, nhiều nhất từ trước đến nay ở các sự kiện liên quan đến bóng đá tại sân Mỹ Đình.
Một quan chức VFF cho biết: “Cơ quan công an đã khảo sát kỹ địa bàn, đặt ra các tình huống có thể xảy ra và các phương án xử lý kịp thời, nhằm giảm thiểu nguy cơ dù là nhỏ nhất”. Tình trạng vỡ sân có thể xảy ra nếu như công tác kiểm soát khán giả bị buông lỏng hoặc có tư tưởng chủ quan từ những đơn vị phối hợp. Ban tổ chức và các đơn vị đã có kế hoạch rất chi tiết để tránh nạn đưa người vào sân trái phép (vé lậu, vé giả). Sẽ có camera được đặt ở các tầng của sân Mỹ Đình để phát hiện người của ban tổ chức đưa người nhà, người thân, bạn bè vào sân. Cán bộ của Khu liên hợp nếu cố tình làm trái quy định sẽ bị kỷ luật nặng, thậm chí có thể bị đuổi việc.
Bố trí 4 vòng kiểm soát vé
Cơ quan công an và ban tổ chức, VFF đã thống nhất bố trí 4 vòng kiểm soát khán giả. Ban tổ chức một lần nữa yêu cầu khán giả, cổ động viên tới sân trước 90 phút so với giờ bóng lăn của trận chung kết. Vé trận chung kết (loại không phải vé mời) có mã QR tương ứng với 1 vị trí chỗ ngồi định danh trên sân Mỹ Đình và trên vé cũng đã quy định mỗi vé chỉ được quẹt hợp lệ 1 lần duy nhất tại cổng kiểm soát để có thể vào sân.
Khách hàng mang theo vé điện tử có QR Code tới sân sẽ bắt buộc phải có các vòng kiểm soát chặt chẽ như sau: Vòng ngoài (đường Lê Đức Thọ) có 5 cổng kiểm soát. Mỗi cổng kiểm soát có 3 người của ban tổ chức mang theo các thiết bị, công nghệ làm nhiệm vụ soát vé. Nhân viên soát vé hướng dẫn khán giả cầm sẵn trên tay vé điện tử (chụp ảnh mặt vé điện tử hoặc mở sẵn email chứa vé điện tử) để công tác kiểm tra soát vé diễn ra nhanh chóng nhất. Sau khi kiểm tra vé thành công, nhân viên kiểm soát xác nhận trên hệ thống và cho khán giả đi vào trong, đóng dấu kiểm soát lên tay khán giả để xác nhận vé hợp lệ. Vòng thứ 2 (cửa trong khán đài), mỗi cửa sẽ có 2 nhân sự kiểm soát. Sau đó thêm 2 vòng nữa. Tất cả các khâu phải được kết hợp nhịp nhàng vì chỉ cần trục trặc ở một vòng soát vé, dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, chen lấn xô đẩy. Khán giả cũng sẽ được kiểm soát qua cổng từ, để phát hiện pháo nổ, pháo sáng, pháo thăng thiên hay các vật dụng gây nguy hiểm khác.
Theo Nhật Duy/Thanhnien.vn