GIẢI TRÍ

Ứng xử với lời chê

DDVN • 28-08-2020 • Lượt xem: 1514
Ứng xử với lời chê

Ở đời, ai mà không thích được người khác khen ngợi. Thế nhưng, đôi khi chúng ta bị góp ý về khuyết điểm hay thậm chí là bị chê, cần ứng xử sao cho phù hợp.

Mấy hôm trước tôi có đi du lịch ở Châu Đốc (An Giang). Khi đến khu vực chùa Hang nằm bên sườn núi Sam, tôi gặp trước cổng chùa có khắc 2 cái tên khác nhau. Một tên được khắc trên cổng là 福田寺 (có ghi kèm dòng tiếng Việt là chùa Phước Điền). Tuy nhiên, trên tảng đá to đặt ngay bên phải, sát với cổng chùa lại ghi 3 chữ 福 林寺 (không ghi kèm tiếng Việt). Tôi thấy sự khác biệt của 2 tên gọi này, vì trên cổng ghi Phúc Điền tự còn trên tảng đá thì ghi Phúc Lâm tự. Do vậy, tôi chụp cả hai tên chùa đăng lên mạng xã hội nêu thắc mắc để mong được giảng giải cho tường minh. Dù tôi cũng là người An Giang nhưng chưa từng biết trong khuôn viên đó có tới hai ngôi chùa và dùng chung một cổng. Chùa Phước Điền thì có tên được ghi trên cổng cả bằng chữ Hán lẫn chữ Việt. Chùa Phước Lâm thì chỉ ghi tên bằng chữ Hán trên tảng đá, không có ghi bằng chữ Việt.

Chuyện một du khách đến tham quan ngắm cảnh mà gặp thắc mắc cũng là chuyện thường. Thế nhưng, thay vì giảng giải cho tôi hiểu, nhiều bạn đã chia sẻ lại trạng thái của tôi kèm theo những lời lẽ không được lịch sự cho lắm. Một số bạn còn chủ động nhắn tin cho tôi nói nặng nhẹ đủ điều, tôi không trả lời tin nhắn thì các bạn càng làm dữ hơn. Tôi phải đăng công khai lên trang cá nhân là tôi chưa biết thông tin về hai ngôi chùa trong cùng một khuôn viên nên thắc mắc vậy, các bạn nói tôi đã hiểu nên tôi xin gỡ bỏ bài viết, bài viết có làm phiền lòng các bạn thì tôi xin lỗi. Vậy mà các bạn ấy vẫn không buông tha, nhiều bạn vẫn nhắn tin cho tôi với giọng điệu hằn học. Có bạn còn cảnh cáo là đã chụp lại bài tôi đăng và sẽ không bao giờ để yên cho tôi, bảo tôi dám làm thì dám chịu, đừng xóa bài để trốn tránh trách nhiệm. Các bạn còn hăm dọa tôi đủ điều, cứ như là tôi đã làm gì xúc phạm ghê gớm lắm đến địa phương của các bạn vậy.

Thử hỏi, làm sao để một du khách biết tường tận được tất cả những gì có tại các danh lam thắng cảnh du lịch. Nếu biết hết thì du khách còn đi đến đó làm gì nữa. Du khách tìm hiểu khám phá mà có chút thắc mắc nhỏ như vậy đã bị lôi kéo “đánh hội đồng” thì làm sao du khách dám quay trở lại. Thậm chí, những du khách chưa từng đến đây họ cũng sẽ cân nhắc vì sợ đến đó du lịch nhiều khi vui vẻ chưa thấy đã chuốc lấy phiền hà.

Có một điều cũng lạ, là bản thân tôi từng viết nhiều bài để giới thiệu, quảng bá về vẻ đẹp của vùng đất, con người vùng Châu Đốc. Các bài viết đó đã được đăng công khai trên báo chí chính thống. Có bài đã được in sách. Những bài báo đó khi tôi đăng tải xong rất ít người Châu Đốc chia sẻ, không một ai nhắn tin cảm ơn tác giả lấy một lời vì đã viết bài góp phần tôn vinh giá trị của quê hương Châu Đốc. Vậy mà chỉ một dòng trạng thái nói lên thắc mắc về tên gọi hai ngôi chùa, các bạn đã chia sẻ bài rầm rộ, nhắn tin mắng nhiếc tôi không tiếc lời. Thật đáng buồn thay!

Cách đây không lâu, có du khách khi đi chơi ở một tỉnh miền Tây về, sau đó viết mấy dòng nhận xét. Nội dung chủ yếu là nói lên cảm nhận của du khách đó về cái tỉnh mà anh ta vừa trải nghiệm, có khen có chê. Những nhận định anh ta đưa ra có cái chưa đúng nhưng cũng có những cái hợp lý. Thế nhưng, khi anh ta đăng bài viết lên trang cá nhân không lâu, lập tức nhận được cả đống “gạch đá” từ cộng đồng mạng, đa số là người dân ở cái tỉnh mà anh ta nhận xét. Chắc chắn là anh ta sẽ tởn tới già, từ nay không còn dám bén mảng đến tỉnh đó nữa. Và cũng có thể anh ta sẽ cảnh báo người thân, bạn bè đừng đi du lịch đến cái tỉnh mà khi đi về nếu dám nói lên những cảm nhận thật của mình thì sẽ bị người dân xứ đó “ném đá” không thương tiếc.

Theo dõi các bài mà cộng đồng mạng “ném đá” anh du khách, tôi bất ngờ vô cùng bởi ngôn ngữ dành cho anh rất nặng nề. Lẽ ra mọi người cần có bài viết hay những phát ngôn nghiêm túc, thẳng thắn tranh luận lại với anh ta. Tranh luận sòng phẳng, nếu anh ta sai thì anh ta phải công khai nhận lỗi, nếu anh ta đúng thì mình tiếp thu những nhận xét của anh ta. Đằng này, hầu như mọi người không tranh luận, chỉ muốn chửi và kéo theo nhiều người khác cùng chửi. Tôi nhớ là người dân miền Tây nói chung hồi nào tới giờ thân thiện mến khách lắm, tính khí lại hào hiệp trượng nghĩa nữa, chớ đâu có phải đụng chuyện gì cũng không cần nói thiệt nói hơn mà đã xông vào “chửi hội đồng” như thế. Không hiểu sao gần đây có một số hiện tượng khiến tôi thật sự băn khoăn về cách hành xử của không ít người miệt sông nước miền Tây.


Vì chê công trình thay thế Đèn bốn ngọn ở TP.Long Xuyên giống cái cào rác, một người cũng bị "ném đá" dữ dội - Ảnh: Tô Văn

Một triết gia phương Đông từng dạy rằng “người chê ta mà chê phải thì là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh ta đích thị là kẻ thù của ta vậy”. Thế đấy, nhưng hiện nay có vẻ muốn chê một ai đó, một điều gì đó, dù chê đúng hay sai, cũng thật khó lắm thay. Khó hơn nữa là nhiều người khi nghe góp ý rồi thì không cần suy xét lời góp ý ấy đúng hay sai, không thèm tranh luận mà lập tức công kích lại. Nếu lời góp ý hay chê bai mà đụng đến một địa phương nào đó thì nhiều khả năng sẽ bị “ném đá tập thể”. Hãy nhớ rằng, những lời ngợi khen là đề cập đến cái chúng ta đã thành công rồi, còn những thứ bị chê hay bị góp ý mới chính là cái chúng ta cần khắc phục, hoàn thiện. Nếu biết lắng nghe, biết cầu thị thì chắc chắn mỗi địa phương, mỗi cá nhân sẽ tiến bộ. Còn nếu chỉ bảo thủ, cục bộ địa phương thì rất khó phát triển được chứ đừng nói chi đến chuyện hội nhập với bạn bè năm châu bốn biển.

Chuyện xưa kể rằng, có anh học trò nọ đi ngang qua một ngôi làng. Anh ta đưa ra nhận xét là người dân làng đó rất hung dữ, xấu tính. Thế là, cả làng kéo ra chửi bới anh thậm tệ, có người còn đánh anh học trò. Nhiều chị gái trong làng hồi trước tới giờ nổi tiếng ngoan hiền nết na thùy mị mà cũng không nhịn được, phải chạy ra chửi góp vài câu. Khi mọi người đánh chửi hả hê, anh học trò mới nói là cái nhận xét của anh về dân làng này đúng quá rồi, có sai chút nào đâu. Đấy, mọi người thấy đấy, ai cũng chửi cũng mắng anh xối xả như vậy thì không phải hung dữ, không phải xấu tính chớ còn là gì nữa. Thế là dân làng thấy hổ thẹn, lặng lẽ ai về nhà nấy. Từ đó về sau họ luôn thận trọng với những lời góp ý của khách bộ hành. Góp ý nào đúng thì họ tiếp thu. Góp ý nào sai thì họ sẽ chứng minh để lưu khách thấy cái sai mà điều chỉnh. Nhờ vậy mà chẳng bao lâu làng ấy trở nên phồn thịnh, tiếng thơm lan truyền khắp bốn phương. Thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại và phát triển này, cung cách xử sự của cái làng nọ cũng đáng cho ta suy ngẫm lắm thay!

Theo Ngọc Chí/Motthegioi.vn