ĐỜI SỐNG

Vấn nạn nhiều du khách chỉ đến Việt Nam một lần duy nhất

Anh Thư • 07-02-2023 • Lượt xem: 751
Vấn nạn nhiều du khách chỉ đến Việt Nam một lần duy nhất

Rất nhiều du khách nước ngoài đã bày tỏ sự thích thú khi đến với Việt Nam, thậm chí nhiều người còn chia sẻ rằng Việt Nam chính là quê hương thứ hai của họ. Tuy nhiên, song song đó vẫn còn không ít du khách nước ngoài chỉ xem Việt Nam là địa điểm “đến cho biết”, nghĩa là đến một lần và không muốn quay trở lại lần hai. Lý do nào đã tạo nên sự tiêu cực này?

Một giáo viên tiếng Anh người Mỹ đang công tác tại Trung Quốc có sở thích đi du lịch các nước vào những kỳ nghỉ của anh ấy. Trong một dịp nghỉ phép gần đây, anh đã dành một tuần để đến Việt Nam và sau đó là Thái Lan. Đây đã là lần thứ hai anh trở lại Thái Lan, nhưng là lần đầu tiên du khách này đến thăm Việt Nam, mặc dù anh biết ở Việt Nam cũng có những địa điểm đẹp chẳng kém cạnh Thái Lan. Khi được hỏi lý do có sự khác biệt này, anh đã thẳng thắn chia sẻ rằng ở Thái Lan, anh được tận hưởng những dịch vụ tuyệt vời, được du lịch một cách đúng nghĩa mà không cần phải lo ngại về trộm cắp, cướp giật hay “chặt chém”. Anh hài hước kể lại khi du lịch ở Thái Lan, anh có thể thoải mái vui chơi thâu đêm suốt sáng với giá cả rất phải chăng.

Trên thực tế, mô hình du lịch phát triển mạnh mẽ và thu hút nhất ở Việt Nam là tham quan, ngắm cảnh. Tất nhiên, sẽ không có ai muốn ngắm đi ngắm lại một quan cảnh quen thuộc. Chưa kể, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Việt Nam đang ngày càng xuống cấp trầm trọng thay vì đẹp hơn.

Việt Nam với nhiều thắng cảnh đẹp thu hút khách du lịch nhiều nước ghé thăm - Hình minh họa: Internet

Vị du khách người Mỹ kể trên chỉ là một trong số rất nhiều người nước ngoài đến thăm Việt Nam và không có ý định quay lại. Theo một khảo sát gần đây cho thấy, trong 3.000 du khách Quốc tế đến Việt Nam, bao gồm các địa điểm nổi bật như thành phố Huế thơ mộng, Hội An, Đà Nẵng và Hạ Long, Sa Pa đã chỉ ra rằng có đến khoảng 90% du khách đến Việt Nam lần đầu, tuy nhiên lượng khách quay trở lại các địa điểm này chỉ khoảng 6%. Thậm chí, số ngày lưu trú lại cũng ở mức rất thấp, chỉ từ 1,5 đêm đến 4,5 đêm.

Đại diện một số công ty phát triển du lịch ở Việt Nam cho biết bất kỳ dịch vụ nào khi mở cửa kinh doanh đều muốn khách quay trở lại lần hai, lần ba, vì thế họ rất trú trọng đến chất lượng dịch vụ, cũng như thái độ phục vụ đối với khách hàng. Các nhà kinh doanh luôn muốn dành cho khách hàng sự phục vụ tốt nhất có thể để mong muốn khách hàng trở lại lần sau. Kinh doanh mảng du lịch cũng không ngoại lệ, nhiều nước phát triển trên thế giới, tỉ lệ du khách quốc tế quay lại nhiều lần là một trong những tiêu chí then chốt quyết định mức độ hấp dẫn của địa điểm đó, bao gồm cảnh quan thiên nhiên, chất lượng phục vụ, môi trường, sản phẩm, giá cả,… Tuy nhiên ở Việt Nam, ngành du lịch nói chung và các công ty dịch vụ du lịch nói riêng chỉ chú trọng thu hút lượng khách mới, nhưng lại quên mất tầm quan trọng của tỉ lệ du khách quay trở lại. Chính vì thế, chỉ vỏn vẹn 6% du khách Quốc tế quay lại Việt Nam là hồi chuông báo động cần được ngành du lịch tập trung nhiều hơn. Nếu so sánh tỉ lệ này với nhiều nước trong khu vực, đây là một con số cực kỳ thấp. Theo tổng cục du lịch nước bạn Thái Lan cho biết, tỉ lệ du khách nước ngoài quay trở lại nước này từ lần hai là khoảng 13% với số ngày lưu trú xấp xỉ 10 ngày.

Có thể nói, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khách du lịch Quốc tế có phần không mặn mà khi có ý định muốn trở lại Việt Nam. Vấn đề an ninh trật tự, nạn cướp giật hoành hành, sự chèo kéo bất chấp của những người bán hàng rong hay ăn xin khắp nơi chính là nổi ám ảnh không chỉ với khách du lịch, mà còn khiến chính quyền địa phương hết sức đau đầu. Đặc biệt, ở các địa điểm tập trung nhiều du khách nước ngoài như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng,… còn phát sinh tình trạng “chặt chém”, đội giá lên tận gấp hai, ba lần. Một du khách e ngại kể lại rằng, có hôm đang vi vu trên thuyền để ngắm cảnh thì có thuyền của những người bán hàng rong áp sát vào và người bán hàng ấy tự tiện bước lên thuyền để chèo kéo. Trong khi đó, chủ thuyền cũng cho biết họ không thể ngăn cản người bán hàng rong tiếp cận với du khách vì rất sợ bị trả thù. Những người bán hàng rong này sẽ dùng đủ mọi chiêu trò, thậm chí đặt rổ hàng lên đùi khách du lịch đến khi nào bán được hàng mới thôi.

Đối với một thành phố phát triển như TP.HCM cũng chưa thể khắc phục hoàn toàn những mặt xấu kể trên. Do khu vực trung tâm thành phố thường không có chỗ đỗ xe, nên khách du lịch sau khi tham quan và vui chơi xong phải chờ khá lâu để tài xế đến đón. Đây chính là cơ hội cho kẻ xấu thực hiện hành vi trộm cướp, móc túi hay bán quà lưu niệm. Hơn nữa, du lịch Việt Nam vào ban đêm thường không có nhiều sự lựa chọn để vui chơi. Ngay như ở các thành phố chủ chốt như TP.HCM, các dịch vụ tham quan hay các chương trình về đêm vẫn chưa được chú trọng, bao năm qua cũng chỉ có vậy. Bên cạnh đó, khâu quản lý tại các khu du lịch còn quá lỏng lẻo. Chẳng hạn chỉ với một món hàng hay một dịch vụ, nhưng đi vài bước chân lại có giá cả quá khác nhau.

Bên trên là những nguyên nhân tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng đã góp phần tạo ấn tượng không tốt về một Việt Nam trong mắt bạn bè Quốc tế. Bên cạnh tập trung vào các chiến dịch quảng bá và tiếp thị về vẻ đẹp của đất nước, ngành du lịch Việt Nam cũng cần quan tâm hơn đến câu hỏi “làm cách nào để giữ chân khách ở lại và quay lại”. Nhiều chuyên gia du lịch cũng đồng tình rằng Việt Nam không phải một địa điểm du lịch càng ở lâu càng thấy thú vị, chính vì lẽ đó, càng cần phải chú trọng vào bảo vệ môi trường, đa dạng hóa các dịch vụ vui chơi, thuận lợi cho hàng không, đồng bộ giá cả và an ninh trật tự.