ĐỜI SỐNG

Vào năm học mới, làm gì để trẻ giảm bớt thói quen lướt internet?

Lan Hương • 07-09-2022 • Lượt xem: 340
Vào năm học mới, làm gì để trẻ giảm bớt thói quen lướt internet?

Nghiện điện thoại, internet ở trẻ đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt sau những tháng hè dài. Cùng với khoảng thời gian học online vì Covid-19 trước đó, trẻ có nhiều thời gian hơn để tiếp xúc với các thiết bị công nghệ và sử dụng internet hàng ngày.

Theo kết quả từ một khảo sát mới đây của Cục trẻ em cho thấy, trong 3 tháng có 89% trẻ em truy cập internet và trong số đó, 87% trẻ em sử dụng internet liên tục hằng ngày. Ngoài học tập, trung bình trẻ tiêu tốn khoảng 7 - 8 giờ cho việc sử dụng internet và mạng xã hội.

Có thể thấy rằng trẻ em hiện nay được tiếp xúc với internet từ rất sớm. Thậm chí từ vài tháng tuổi, các bé đã được tiếp cận internet để nghe nhạc, xem phim hoạt hình…

Thông qua internet, trẻ có thể học tập được nhiều điều hay, tiếp thu những kiến thức mới cũng như lãnh hội được những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Thế nhưng bất cứ điều gì cũng có hai mặt của nó, internet cũng không ngoại lệ. Và nếu có thể giúp trẻ cân bằng được vui chơi, học tập cũng như sử dụng internet hiệu quả thì con trẻ sẽ phát triển theo chiều hướng toàn diện nhất.

Internet tác động tới trẻ như thế nào?

Chúng ta phải công nhận rằng internet là một phát minh vĩ đại trong việc cung cấp thông tin và xóa mờ khoảng cách. Internet có thể kết nối mọi người ở khắp nơi trên toàn thế giới, là kho tàng kiến thức cũng như cũng như nguồn giải trí bất tận.

Để phục vụ cho việc học tập, trẻ có thể nhanh chóng tìm kiếm thông tin nào đó chỉ với một vài từ khóa đơn giản hay những hình ảnh cụ thể. Google sẽ lập tức giải quyết được các thắc mắc hay đưa ra đáp án cho những câu hỏi mà trẻ quan tâm. Ngoài ra còn có rất nhiều hình ảnh trực quan, các video sinh động giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.

Hay trong 2 năm Covid hoành hành, trẻ em không thể đến trường thì internet chính là công cụ tuyệt vời để các bạn có thể tiếp tục hành trình học tập, và không bị gián đoạn trong thời kỳ giãn cách.

Internet tiện ích là vậy, thế nhưng bên cạnh những ưu điểm không thể chối cãi thì phương tiện này lại kèm theo những khía cạnh tiêu cực, mang lại hệ quả hết sức nặng nề cho trẻ nếu như phụ thuộc và lạm dụng internet quá đà.

Chỉ với vài từ khóa, trẻ có thể tìm kiếm mọi thông tin, không ngoại trừ các thông tin xấu. Và nhiều phụ huynh do tính chất công việc bận rộn mà khó có thể kiểm soát được mọi thông tin trên internet con trẻ tiếp xúc hàng ngày, từ đó trẻ dễ dàng chìm đắm trong biển thông tin đầy độc hại.

Ngoài những tác hại rõ ràng có thể nhìn thấy như khi tìm kiếm thông tin quá đơn giản, trẻ trở nên ỷ lại và lười vận động suy nghĩ. Khi dành quá nhiều thời gian trên mạng internet, trẻ lại ít đi thời gian tham gia các hoạt động bên ngoài. Trẻ có thể lơ là học tập, lười giao tiếp và chẳng thích tham gia các trò chơi thể thao hay rèn luyện thể chất, chỉ vì không dứt ra nổi ván game hay niềm đam mê với các trang mạng xã hội.

Có rất nhiều tác động tiêu cực từ internet mà nếu không được cập nhật kiến thức an toàn mạng, trẻ sẽ rất dễ dàng gặp phải:

Nhiều đối tượng xấu lợi dụng mạng internet để tiếp cận và lừa đảo trẻ em, qua các chiêu trò như tặng quà, dụ dỗ bằng lời ngon ngọt, khiến các bé cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc cài đặt link độc hại trên máy tính. Từ đó chúng có thể khai thác dữ liệu, thực hiện hành vi phá hoại hoặc dùng những hình ảnh cá nhân của trẻ để hù dọa, ép buộc trẻ làm theo các yêu cầu vi phạm đạo đức hay pháp luật.

Hiện nay đa số các trẻ đều thích thú với các trào lưu rầm rộ trên mạng xã hội, hưởng ứng các xu hướng câu like, câu view và chia sẻ hình ảnh, thông tin của mình lên mạng xã hội mà chưa nắm rõ tác hại khi hình ảnh, video hay thông tin cá nhân bị rò rỉ. Các hình ảnh này có thể bị lạm dụng dẫn đến việc trẻ bị xâm phạm đời tư, tung tin sai sự thật, bị bêu rếu hay tống tiền. Kẻ xấu còn lợi dụng mạng xã hội để làm quen, gạ gẫm, gửi các tin nhắn đồi trụy hay buộc trẻ phải chia sẻ các đoạn video nhạy cảm cho chúng.

Khi sử dụng internet không kiểm soát, trẻ có thể tiếp xúc với các thông tin bạo lực, kích động, ảnh hưởng không nhỏ sự phát triển tâm lý và hành vi của mình.

Theo thống kê từ tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 về các cuộc gọi cần tư vấn, hỗ trợ liên quan đến mạng internet trong thời gian gần đây cho biết, cụ thể trong năm 2021 có 422 cuộc gọi và chỉ riêng tháng 7/2022 có 268 cuộc gọi. Các cuộc gọi về tổng đài chủ yếu gồm 3 nhóm vấn đề chính, liên quan đến tư vấn xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng (31%), tư vấn về cách sử dụng internet sao cho an toàn với trẻ em (31,3%) và làm thế nào khi trẻ bị gạ gẫm, dụ dỗ trên mạng xã hội (7%).

Làm thế nào để trẻ thay đổi thói quen lướt net?

Trước tình hình trẻ em sử dụng internet ngày càng cao, bà Nguyễn Thị Nga (Phó Cục trưởng cục trẻ em) cho biết: “Việc cấm đoán trẻ em hiện nay không còn phù hợp, công tác bảo vệ trẻ trước không gian mạng cần có sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng. Trong đó, trang bị và nâng cao kỹ năng dùng internet là biện pháp được ví như “vacxin số” để bảo vệ trẻ khi tham gia môi trường internet”.

Trẻ cần được hướng dẫn sử dụng mạng internet một cách an toàn, biết cách nhận biết các thông tin độc hại, cách kiểm soát thông tin cá nhân, tránh lạm dụng hàng giờ trên mạng xã hội và tiêu tốn thời gian không hợp lý.

Trao đổi chính là cách để giúp trẻ cởi mở, gia tăng tình cảm và để bố mẹ và con trẻ hiểu nhau hơn. Trẻ em thường nhạy cảm và dễ dàng phản ứng khi bị ép buộc hay cấm đoán, thế nên sự mềm mỏng và khéo léo là điều cần thiết khi bố mẹ đưa ra bàn bạc và thống nhất về những nguyên tắc khi sử dụng internet với trẻ.

Hãy cho trẻ biết cách phân bổ thời gian hợp lý khi về thời gian học, thời gian chơi để vừa đảm bảo cho sức khỏe vừa tránh con trẻ sa đà vào internet. Hướng trẻ đến các hoạt động thể chất, làm việc nhà, chơi thể thao, các lớp học ngoại khóa hay đi du lịch, để trẻ được rèn luyện toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Đây cũng là cách để trẻ tập trung vào những điều thú vị bên ngoài mà bớt suy nghĩ đến thế giới mạng ảo.

Đặc biệt vào năm học mới, trẻ cần nhiều thời gian hơn cho trường lớp, bạn bè, các hoạt đông kỹ năng, rèn luyện thể chất. Hãy thay đổi thói quen sử dụng internet cho trẻ trước khi quá muộn để trẻ có được sự phát triển tốt nhất về mọi mặt.