ĐỜI SỐNG

Về thăm xứ Huế mộng mơ

Bài và ảnh: Hà Thành • 08-05-2023 • Lượt xem: 2456
Về thăm xứ Huế mộng mơ

Huế được coi là một trong những nơi đẹp nhất trên bản đồ nước Việt. Ở đó hội tụ nhiều giá trị với những bản sắc rất riêng không nơi nào có được. Ghé thăm xứ Huế là điều không thể bỏ qua đối với bất kỳ ai trên hành trình khám phá những miền đất Việt Nam.

Huế, miền đất cố đô nằm ở miền Trung Việt Nam, vẫn được biết đến như một thành phố thơ mộng và lãng mạn. Là thủ phủ của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, rồi là kinh đô của nhà Tây Sơn và cuối cùng là triều đại nhà Nguyễn, Huế còn lưu giữ được rất nhiều những giá trị văn hóa lịch sử, những dấu tích của vương triều phong kiến xa xưa. Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Huế nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhưng Huế thật sự tỏa sáng cùng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể do con người tạo nên. Nơi đây là xứ hội tụ tinh hoa văn hóa, làm nên một tinh thần, một sắc thái rất riêng của Huế.

Trải qua những thăng trầm dâu bể, những biến động của lịch sử, Huế vẫn là miền đất quyến rũ với vẻ hiền hòa, thanh bình đầy mộng mơ, lãng mạn. Những giá trị mà Huế lưu giữ đã được ghi nhận xứng đáng với với việc UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 1993. Và hiện nay, Huế là một trong những điểm dừng chân nhiều nhất của du khách trên bản đồ du lịch Việt Nam cùng với một danh hiệu mới: Thành phố Festival.

 Thông tin thêm:

Thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm trên trục quốc lộ bắc - nam; cách Hà Nội 654km, cách thành phố Hồ Chí Minh 1065km.

Giao thông tới Huế rất thuận tiện với đường sắt, đường bộ và đường không. Các chuyến xe khách và tàu hỏa Bắc – Nam đều dừng lại ở Huế. Các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo đều có các chuyến bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tới Huế (và ngược lại). Bến xe và ga Huế ở ngay thành phố, cảng hàng không Phú Bài cách trung tâm thành phố Huế hơn 10km.

Huế có rất nhiều điểm tham quan: Đại Nội (Hoàng thành) và các di tích khu vực Kinh thành, các điểm khác có thể kể như phố cổ Bạch Đằng, Chi Lăng, các công trình kiến trúc Phật giáo, các nhà vườn, làng nghề…, đi chơi và mua sắm ở chợ Đông Ba. Đi xa hơn ra ngoại ô có thể tới các di tích lăng tẩm như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức… hoặc du ngoạn ngắm cảnh sông Hương, tới các làng mạc, đầm phá - cũng rất thú vị.

Bạn có thể thưởng thức ca Huế trên sông Hương (cùng các tour du ngoạn ngắm cảnh), nghe nhã nhạc cung đình ở nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội.

Huế đẹp nhất trong khoảng thời gian hè – thu. Thời tiết của Huế không thuận lợi vào mùa đông, do dãy núi Hải Vân giữa Huế và Đà Nẵng chặn các đợt gió mùa đông bắc từ phía bắc, gây ra lạnh và mưa nhiều. Huế cũng ảnh hưởng của khí hậu biển, dễ có bão vào mùa hè.

Huế cũng là miền đất của ẩm thực, bạn có thể khám phá các món ăn nơi đây từ bình dân tới cao cấp ở khắp mọi nơi, từ trong Thành nội phía bắc cho tới khu phố Tây ở phía nam sông Hương. Các món ăn bình dân có thể kể tới là: Bún bò, cơm hến, bánh bèo (và rất nhiều loại bánh khác), bánh canh cá lóc…; cơm vua và món ăn cung đình có nhiều ở các khách sạn hạng sang. Chè Huế cũng là một món ẩm thực thú vị. Các quán café cũng có khắp mọi nơi với nhiều phong cách.

Các món đặc sản làm quà cũng rất nhiều, phổ biến nhất là kẹo mè xửng. Ngoài ra còn có các món đặc sắc và tiêu biểu khác như trà cung đình, rượu Minh Mạng, cà dầm, tôm chua…

Khách sạn ở Huế rất nhiều, tập trung ở khu vực đường Lê Lợi và khu vực lân cận ở khu phố Tây (bờ nam sông Hương).

 

Dòng sông Hương hiền hòa chảy qua, và tạo nên hình hài, vóc dáng thành phố Huế.

Cầu Trường Tiền, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, được xây dựng từ năm 1897, một nét duyên dáng của xứ Huế.

Nghênh Lương Đình phía trước Kinh thành, sát bờ sông Hương. Xưa kia đây là bến thuyền cho vua ngự dạo sông Hương.

Phu Văn Lâu trước Kinh thành, phía sau là Kỳ đài. Phu Văn lâu được xây dựng vào năm thi 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.

Kỳ đài Kinh thành Huế. Kỳ đài là một bộ phận quan trọng của kiến trúc Kinh thành, được xây dựng năm 1807; nằm chính giữa, phía trước Kinh thành, gắn liền với tường thành. Kỳ đài có phần đài 3 cấp cao 17,5m; phần cột cờ phía trên cao 37m. Thời Nguyễn xưa nơi đây treo cờ triều đình, nay treo cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam thống nhất. Kỳ đài là một trong những công trình biểu tượng của thành phố Huế.

Cổng thành của Kinh thành Huế. Kinh thành Huế được vua Gia Long xây dựng từ năm 1805, và  cơ bản hoàn thành năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Kinh thành có 10 cổng chính, được xây cuốn vòm, bên trên có vọng lâu.

Ngọ Môn, cổng chính vào Hoàng Thành (còn gọi là Đại Nội). Ngọ Môn được xây dựng năm 1833 dưới triều vua Minh Mạng. Đây được coi là gương mặt của Hoàng Thành và là biểu tượng của kiến trúc cung đình Huế.

Từ Ngọ Môn nhìn vào Hoàng Thành; phía xa là điện Thái Hòa.

Điện Thái Hòa, điện thiết triều, nơi đặt ngai vàng của vua. Điện Thái Hòa được xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long. Đây là ngôi điện có vị trí, chức năng và ý nghĩa quan trọng nhất trong những ngôi điện của triều Nguyễn. Điện Thái Hòa là nơi đăng quang lên ngôi của tất cả 13 vua nhà Nguyễn.

Cửu đỉnh (9 chiếc đỉnh đồng) được đúc từ thời vua Minh Mạng (hoàn thành năm 1837), đặt tại sân Thế Miếu trong Đại Nội, được coi là một bộ bách khoa thư bằng hình ảnh của Việt Nam.

Hoa ngô đồng nở trong Tử Cấm thành. Ngô đồng được coi là một loài cây sang trọng, quý phái, biểu tượng của vua chúa, hoàng cung. Hình ảnh của cây ngô đồng được khắc trên Nhân đỉnh trong bộ Cửu đỉnh.

Chùa Thiên Mụ nằm ở phía Tây Kinh thành. Đây là ngôi chùa được coi là đệ nhất danh lam xứ Huế. Chùa được khởi dựng bởi tiên chúa Nguyễn Hoàng vào đầu thế kỷ 17, là ngôi chùa cổ nhất xứ Huế.

Phủ thờ Ngọc Sơn Công chúa, hay vẫn được gọi là Nhà vườn Công chúa Ngọc Sơn - nằm ở phía Đông Kinh thành. Đây là một trong những ngôi nhà vườn tiêu biểu của xứ Huế.

Một góc lăng vua Minh Mạng - vị vua thứ hai triều Nguyễn. Lăng Minh Mạng thuộc xã Hương Thọ, thành phố Huế. Đây là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của nhà Nguyễn.

Quang cảnh trong lăng vua Tự Đức - vị vua thứ tư của nhà Nguyễn. Lăng Tự Đức nằm ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế, được coi là lăng có không gian lãng mạn nhất trong các lăng tẩm nhà Nguyễn.

Cầu ngói Thanh Toàn (ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, cách TP Huế 8km về phía Đông Nam). Đây là một kiến trúc đặc sắc đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Phố cổ Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP Huế) nhìn từ phía sông. Đây là khu phố cổ còn lưu giữ những dấu ấn xưa về một cảng thị sầm uất một thời trong quá khứ, từ giữa thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19


Chiều buông trên phá Tam Giang. Đầm phá là một "đặc sản" của xứ Huế mà không nơi nào có được. Đó là cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên xen lẫn với đời sống con người. Hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ở Huế là hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á.

Những ngư dân vùng đầm Quảng Lợi (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền)

Quăng chài trên sông Như Ý

Đi chợ trên sông - một hình ảnh quen thuộc ở xứ Huế.

Dịu dàng nữ sinh Huế trong những tà áo dài

Huế là thành phố Festival. Festival Huế tổ chức lần đầu vào năm 1992, và sau đó được tổ chức 2 năm một lần (vào năm chẵn). Đây là sự kiện văn hóa lớn, quan trọng và ý nghĩa, có tính quốc tế; có mục đích tưởng nhớ và tôn vinh về những giá trị truyền thống của cố đô Huế. Tham gia lễ hội này, du khách sẽ được thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật đường phố, triển lãm nghệ thuật, xem các bộ phim lịch sử...; tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đất cố đô.