ĐỜI SỐNG

Vì đâu nền văn minh Maya vĩ đại bị 'xóa xổ'?

Linh • 06-08-2018 • Lượt xem: 1673
Vì đâu nền văn minh Maya vĩ đại bị 'xóa xổ'?

Một nghiên cứu mới vừa được công bố cho thấy lý do mà nền văn minh Maya sụp đổ cách đây hơn 1.000 năm, ngay ở thời kỳ đỉnh cao nhất của nó.

Nguyên nhân sụp đổ của nền văn minh Maya đến nay vẫn còn là một câu hỏi khó đối với các nhà khoa học, khi nền văn minh này đột nhiên lụi tàn ngay thời điểm nó cực thịnh nhất.

Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, thì một đợt hạn hán lớn, kéo dài khoảng 1.000 năm trước tại Mexico đã xóa sổ một trong những nền văn minh vĩ đại nhất thời cổ đại này. Theo nghiên cứu mới, cho thấy lượng mưa tại thời điểm nền văn minh này bị xóa sổ đột nhiên giảm tới 70%.

Giả thuyết về việc hạn hán làm sụp đổ nền văn minh Maya đã được đưa ra nhiều năm, nhưng không có dẫn chứng để chứng minh và nguyên nhân nền văn minh này bất ngờ tuyệt diệt vẫn đang là nguồn gốc của nhiều cuộc tranh luận.

Nhưng bây giờ, với kết quả nghiên cứu mới về về lượng mưa trên bán đảo Yacatan, Mexico vào thời điểm người Maya đột nhiên bị tuyệt diệt cho thấy nguyên nhân xóa sổ nền văn minh này. Các nhà khoa học đo lượng mưa bằng cách phân tích mẫu trầm tích trong các hồ tại khu vực đây.

"Chuyện biến đổi khí hậu khiến nền văn minh Maya sụp đổ là điều gây tranh cãi, một phần vì các nghiên cứu trước đây không đủ tin cậy, như chuyện thực sự là khí hậu khô hơn hay ẩm ướt hơn. Nghiên cứu của chúng tôi là một sự tiến bộ đáng kể vì nó cung cấp những ước tính thống kê tốt về lượng mưa và độ ẩm trong thời gian nền văn minh Maya bị xóa sổ", Nick Evans, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Cambridge nói.

Nhóm nghiên cứu phân tích số lượng nước bị kẹt trong các tinh thể thạch cao, được tìm thấy ở hồ Chichancanab, nhằm xác định những sự thay đổi về lượng mưa và độ ẩm hàng trăm năm trước.

Lúc hạn hán, nước trong hồ sẽ bị bốc hơi nhiều hơn. Vì các đồng vị nước nhẹ sẽ bốc hơi trước, nên tỉ lệ đồng vị nước nặng tăng trong mẫu trầm tích cho thấy một đợt hạn hán, mức độ hạn hán cũng như thời gian hạn hán diễn ra.

"Phương pháp đo này rất chính xác và kết quả gần như là do trực tiếp", ông Evans giải thích.

Nền văn minh Maya cổ đại là một nền văn minh rực rỡ tại Mexico, tồn tại từ năm 250 đến năm 800 sau công nguyên. Nền văn minh này để lại hàng loạt thành phố, công trình bằng đá khổng lồ.

Tuy nhiên, ngay trong thời kỳ đỉnh cao của mình, Maya đột nhiên lụi tàn và những thành phố cổ bị bỏ hoang. Người Maya vẫn tiếp tục sống trong khu vực này, nhưng khi người châu Âu đến thì họ đã quá yếu.

Có nhiều giả thuyết liên quan đến sự sụp đổ bất ngờ, là nội chiến, bị xâm lược cho tới mất các tuyến thương mại.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Science, ông Evans và nhóm cộng sự cho biết đã thực hiện nghiên cứu này từ những năm 1990 với giả thuyết rằng hạn hán khắc nghiệt có liên quan trực tiếp tới những thay đổi kinh tế, chính trị trong nền văn minh Maya.