ĐỜI SỐNG

Vì sao nhóm người sau cần phải tầm soát ung thư phổi định kỳ?

Khanh Khanh • 29-03-2023 • Lượt xem: 784
Vì sao nhóm người sau cần phải tầm soát ung thư phổi định kỳ?

Ung thư phổi là căn bệnh ác tính thường gặp trên thế giới. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan. Hơn 70% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam không thể qua khỏi do phát hiện muộn. Do đó tầm soát ung thư phổi định kỳ đóng vai trò rất cần thiết trong tiến trình theo dõi bệnh lý và điều trị.

Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính bắt nguồn từ một khối u ác tính, được tích tụ và tăng sinh tế bào một cách không kiểm soát. Thời gian dài, sự tăng trưởng khối u có thể lan khắp các mô hay các bộ phận cơ thể, quá trình này được gọi là di căn. Hầu hết các loại ung thư bắt nguồn từ trong phổi (ung thư phổi nguyên phát) là ung thư biểu mô. Ung thư phổi được chia làm hai loại thường gặp là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 10 – 15%) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (chiếm khoảng 85%).

Nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi

Nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi chắc chắn không thể bỏ qua các tác nhân gây hại có trong thuốc lá. Theo nhiều nghiên cứu, có ít nhất 73 chất gây hại cho phổi có thể tìm thấy trong khói thuốc lá là benzo-pyren, NNK, Buta-1,3-dien... Ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới, có đến 90% số ca tử vong là nam giới, trong khi đó phụ nữ chiếm 70%. Ngoài ra, những người hút thuốc lá thụ động (sống cùng với những người hút thuốc) cũng có nguy cơ mắc bệnh lên đến 20 – 30% dù họ chỉ tiếp xúc với khói thuốc bên ngoài. 

Bên cạnh tác nhân hóa học có trong thuốc lá, bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với amiant, khí radon (trong đất, hầm mỏ), các hạt vật chất nhỏ (như bụi PM2.5) hay các sol khí sunfat (có trong khí thải xe cộ) bởi sự ô nhiễm không khí từ môi trường tự nhiên.

Những người đã có bệnh lý mãn tính ở phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), các sẹo cũ, tổn thương lao, viêm phế quản mạn có dị sản dạng biểu bì,… cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi.

Các triệu chứng ung thư phổi

Dưới đây là những triệu chứng lâm sàng nghi ngờ bệnh ung thư phổi. Thông thường, các triệu chứng bệnh mới thể hiện rõ ràng ở giai đoạn muộn:

Đường hô hấp bị tổn thương: ho khan, ho kéo dài, ho ra máu, thở khò khè hay khó thở,…

Triệu chứng toàn thân: sốt nhẹ, sụt cân nhanh, mệt mỏi, chán ăn,…

Ung thư chèn ép nhiều sang các bộ phận kề bên: đau tức vùng ngực, đau nhức xương khớp, tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên, khó nuốt,… 

Nếu phát hiện đa số những dấu hiệu gợi ý trên, bệnh nhân đừng ngần ngại đến bệnh viên hay các cơ sở y tế lân cận để thực hiện các biện pháp tầm soát ung thư phổi theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình hình sức khỏe một cách khả quan nhất.

Những đối tượng cần thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ

Theo PGS.TS Phan Thu Phương, Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đối tượng được sàng lọc ung thư phổi được cập nhật và thay đổi qua các năm theo các hiệp hội quốc tế.

Cụ thể, ACS - Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ đã có báo cáo về đối tượng cần thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ lần đầu vào năm 2013 và chỉnh sửa cập nhật lại sau 5 năm. Những người nằm trong 3 nhóm: “Tuổi 50 – 80”, “Đang hút thuốc hoặc bỏ thuốc dưới 15 năm” và “Hút thuốc trên 20 bao/năm” cần thực hiện các biện pháp sàng lọc phổi định kỳ.

ACCP - Hiệp hội lồng ngực Hoa Kỳ chia các đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi thành các nhóm nguy cơ:

Nguy cơ cao: đối tượng trong phạm vi tuổi từ 55 – 77, hút thuốc 30 bao/năm, đang hút hoặc bỏ thuốc dưới 15 năm khuyến cáo chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm.

Có nguy cơ: đối tượng trong phạm vi tuổi từ 50 - 80, hút thuốc lá 20 bao/năm, đang hút hoặc bỏ thuốc dưới 15 năm gợi ý chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm.

Nguy cơ thấp: không thuộc hai trường hợp trên, tùy từng trường hợp cụ thể.

Năm 2018, NCCN - Mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ, chia các nhóm đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi gần tương tự với ACCP. Đến tháng 7/2022, NCCN đã công khai khuyến cáo mới nhất dựa vào các nghiên cứu RCT:

Nguy cơ cao: Đối tượng tuổi từ 50 và hút thuốc lá trên 20 bao/năm, khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi.

Nguy cơ thấp: tuổi dưới 50 và/hoặc hút thuốc dưới 20 bao/năm, không khuyến cáo sàng lọc.