ĐỜI SỐNG

Vì sao tiền tiết kiệm gửi ngân hàng liên tục tăng kỷ lục?

DDVN • 27-10-2023 • Lượt xem: 8187
Vì sao tiền tiết kiệm gửi ngân hàng liên tục tăng kỷ lục?

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng tạo kỷ lục mới.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 8.2023, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tăng 43.723 tỉ đồng, tạo đỉnh mới với tổng lượng tiền gửi ở mức 6,43 triệu tỉ đồng. Mức này tăng khoảng 9,68% so với mức ghi nhận cuối năm 2022.

So với tháng liền trước, mức tăng ghi nhận ở mức 6.700 tỉ đồng. Tháng 5 và tháng 6 vừa qua, lượng tiền gửi của người dân lần lượt tăng ở mức khoảng 35.300 tỉ đồng và 14.700 tỉ đồng.

Dù vậy, thống kê cho thấy mức tăng này có giảm so với các tháng đầu năm, khi mức tăng bình quân hơn 100.000 tỉ đồng.

Lãi suất tiết kiệm tính đến cuối tháng 8 đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm, không nhiều ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất 7%/năm cho khoản tiền gửi 12 tháng. Đà giảm lãi suất kéo dài từ tháng 4 khiến lãi suất hiện đã xuống đáy, thậm chí thấp hơn giai đoạn dịch COVID-19.

Môi trường lãi suất thấp giai đoạn dịch COVID-19 từng khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh sang các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... Gần đây, Vietcombank giảm tiếp lãi suất tất cả kỳ hạn, mức cao nhất chỉ 5,1%/năm. Động thái của đơn vị này vốn thường mang tính định hướng cho thị trường.

Lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng hiện đã giảm mạnh về mức dưới 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Tuy lãi suất thấp, nhưng theo các chuyên gia, trong lúc hầu hết các kênh đầu tư đều có vấn đề thì gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dù lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy nhưng kênh đầu tư vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn, hơn nữa lãi suất dù chỉ 5 - 6%/năm cũng là mức đáng kể để đầu tư.

Ông Hiếu dự báo tiền gửi ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn, nhưng các nhà đầu tư không có sự lựa chọn nào khác ngoài kênh đầu tư tiền gửi ngân hàng.

TS Hiếu nhận định: "Thông thường, lãi suất giảm thì huy động không còn hấp dẫn. Đấy là về mặt nguyên tắc, song thực tế tùy thuộc nhiều yếu tố như: lạm phát hay tính hấp dẫn ổn định so với các kênh đầu tư khác gồm vàng, chứng khoán, bất động sản, hay ngoại tệ tại thời điểm đó. Có thể thấy, tiền gửi vẫn có sự ổn định bởi chứng khoán đang có nhiều biến động, bất động sản chưa thực sự khởi sắc, vàng có sự tăng giá nhưng lại không mang tính ổn định...".

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế tài chính - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh dù lãi suất giảm. Nhưng theo ông, lãi suất vẫn còn ở mức tương đối tốt. Vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần phải đa dạng hóa giỏ hàng, mỗi chỗ đầu tư một phần. Mặc dù vậy, những kênh đầu tư khác hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.

"Như vậy, lượng tiền gửi của dân cư từng tháng liên tục cao hơn so với tháng trước. Diễn biến này được duy trì trong suốt một năm qua, bất chấp mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm", ông Lực cho hay.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức tài chính, kinh tế nhất định, đảm bảo sự cân đối giữa mức sinh lời và nguy cơ rủi ro của từng kênh đầu tư và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược rủi ro.

Có thể thấy, lãi suất đầu vào giảm sâu trong bối cảnh các ngân hàng đang chữa "bệnh" thừa tiền, sau khi đã huy động nhiều hơn cho vay ra. Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 30.9, tổng tiền huy động của các ngân hàng thương mại khoảng 12.900.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, về cho vay, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12.630.000 tỉ đồng, ước tăng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022.

Theo Tuyết Nhung/1thegioi.vn