Hiếm có vị đạo diễn Việt Nam nào có thể xây dựng một đế chế điện ảnh đầy sắc màu đa dạng như Victor Vũ. Nhắc đến anh, khán giả nghĩ ngay đến dòng phim kinh dị kỳ bí rất hiện đại và cực kỳ thuần Việt. Song song đó, Victor Vũ cũng rất thành công cùng những tác phẩm hài và hành động.
Victor Vũ - cái tên khơi màn cho dòng phim hài với nét chấm phá về giới tính
Victor Vũ bắt đầu sự nghiệp “cầm trịch” từ năm 1997 với phim ngắn Firecracker. Sau đó, anh tiếp tục thực hiện các tác phẩm “Buổi sáng đầu năm”, “Oan hồn”, “Chuyện tình xa xứ”, “Giao lộ định mệnh”… Tuy nhiên, cái tên Victor Vũ được biết đến rộng rãi hơn là nhờ thành công của “Cô dâu đại chiến”, một dự án hài chiếu vào Tết Nguyên đán 2011.
Victor Vũ luôn muốn thử thách chính mình qua nhiều bộ phim có thể loại khác nhau
Victor Vũ nổi tiếng cùng các phim từ hài, hành động đến kinh dị
Lúc bấy giờ, “Cô dâu đại chiến” gây bất ngờ lớn bởi kịch bản đơn giản nhưng lại ít sạn và mảng miếng hài nhẹ nhàng nhưng đầy thâm sâu. Là một nhà làm phim từ nước ngoài trở về, Victor Vũ mang theo sự hướng ngoại của mình vào “Cô dâu đại chiến”. Tác phẩm theo “phong cách Mỹ”, có những cảnh tung hứng “người lớn” lạ lẫm và hấp dẫn. Thoại phim thì rất “Tây” và mang tính cạnh khóe, truyền tải bài học ý nghĩa về lối sống hiện đại.
“Cô dâu đại chiến” giúp Victor Vũ gây chú ý
“Cô dâu đại chiến” là bước đệm lớn của Vicotr Vũ, để anh tỏa sáng và mặc sức vung vẫy trên màn ảnh rộng. 3 năm sau, Victor Vũ làm thêm “Cô dâu đại chiến” phần 2 vẫn mô-tuýp tương tự: những phân đoạn nhạy cảm tiếp tục được khai thác để đem đến tiếng cười và hướng người xem đến mục đích mà phim muốn nhắn nhủ. “Cô dâu đại chiến 2”cũng đạt thành công không kém phần 1 dù được gắn mác 16+ (hạn chế khán giả dưới 16 tuổi).
“Scandal” và bước ngoặt lớn của Victor Vũ
Được biết đến nhiều hơn nhờ một bộ phim hài, nhưng Victor Vũ thật sự nổi danh với các tác phẩm tâm lý kinh dị mà đầu tiên chính là “Scandal: Bí mật thảm đỏ”, ra rạp cuối năm 2012. Thời điểm mới xuất hiện, Scandal: Bí mật thảm đỏ trở thành một “đại tiệc” hào nhoáng, sặc sỡ và đầy u tối. Bộ phim miêu tả chân thật các âm mưu, sự đấu đá, ganh ghét… của những ngôi sao trên nền bức tranh xô bồ của thế giới showbiz Việt.
Yếu tố tâm linh huyền bí cũng được Vicor Vũ cài cắm vào từng phân đoạn “Scandal: Bí mật thảm đỏ” một cách vừa phải, đủ để khán giả rùng mình vì vừa được chứng kiến những chiêu trò bùa ngải vừa phải ngỡ ngàng xem cách giới nghệ sĩ đối phó khi vướng loạt lùm xùm clip sex, bán dâm, chơi xấu lẫn nhau… Cái hay của Victor Vũ chính là biết “luồn lách” khéo léo để “Scandal: Bí mật thảm đỏ” ở ngay giữa ranh giới có hay không có chuyện chơi bùa ngải, không nghiêng về bên đúng – sai nào, chỉ bỏ ngỏ để tự người xem lựa chọn.
Nói không ngoa khi khẳng định “Scandal: Bí mật thảm đỏ” là bộ phim hay nhất trong gia tài sự nghiệp của Victor Vũ. Để rồi 2 năm sau, anh tiếp tục phát huy thế mạnh ở dòng phim kinh dị tâm lý cùng “Quả tim máu” và “Scandal 2” (hay còn gọi “Scandal: Hào quang trở lại”). Nếu như “Quả tim máu” gây ấn tượng bằng khung cảnh âm u của thiên nhiên, thì “Scandal: Hào quang trở lại” nhấn mạnh nỗi sợ hãi bằng sự âm u của giới giải trí đất chật người đông.
“Scandal: Hào quang trở lại” một lần nữa cho thấy cơ duyên của Victor Vũ với những phim tâm lý kinh dị liên quan đến showbiz. Vẫn trên bối cảnh làng giải trí và có chút yếu tố ma quái, nhưng vị đạo diễn tài ba lại “phơi bày” những câu chuyện về nỗi ám ảnh về nhan sắc, tiền tài, danh vọng và cả quan niệm về giới tính. Vẫn cái tên Scandal, vẫn là showbiz Việt, song Victor Vũ rất biết cập nhật cái mới để “refresh” lại thương hiệu đình đám của mình.
Hai phần phim “Scandal” giúp Victor Vũ có chỗ đứng vững chắc trong làng điện ảnh
“Thiên thần hộ mệnh” và Victor Vũ kém may mắn khi đụng dịch Covid-19
Hơn 5 năm sau, đến năm 2021, Victor Vũ mới bất ngờ tái xuất dòng phim tâm lý kinh dị về showbiz cùng “Thiên thần hộ mệnh”. Đương nhiên, anh vẫn áp dụng “công thức” quen thuộc: tình, tiền, hào quang đi kèm với sự khắc nghiệt giữa chốn lắm mưu mô và quỷ kế. Đáng tiếc, thay vì cập nhật những gì xấu xí đang xảy ra đằng sau ánh đèn sân khấu, Vicotr Vũ lần này lại dường như khá sa đà vào vấn đề Kumanthong, khiến tác phẩm giống như một bộ phim tài liệu có tính răn đe những ai chơi Kumanthong ở showbiz.
Nhà làm phim sinh năm 1975 trên phim trường “Thiên thần hộ mệnh”
“Thiên thần hộ mệnh” là một bước thụt lùi nhỏ của Victor Vũ. Tuy chưa hoàn hảo và đào sâu như các “anh chị” đi trước, nhưng “Thiên thần hộ mệnh” vẫn là một bộ phim hiếm hoi có thể đem đến cái nhìn bao quát về thế giới showbiz thị phi hiện nay. Tình tiết của “Thiên thần hộ mệnh” đủ để gây chú ý, song vẫn chưa đủ để tạo điểm nhấn.
Trong quãng thời gian giữa “Scandal: Hào quang trở lại” và “Thiên thần hộ mệnh”, Victor Vũ từng có bước “chuyển mình” với “Người bất tử” vào năm 2018. Đáng tiếc, tác phẩm tâm lý kinh dị về luật nhân quả này không quá được hoan nghênh dù chất lượng phim được đánh giá rất cao. “Người bất tử” là một trường hợp không may khi thất bại trong việc chinh phục được khán giả mặc cho có khung hình đẹp, kịch bản lắt léo, diễn viên đỉnh và tình tiết khó đoán.
Victor Vũ và bà xã Ngọc Diệp
Nhà làm phim có duyên với tác phẩm chuyển thể
Còn nhớ, năm 2012, ngoài “Scandal: Bí mật thảm đỏ”, Victor Vũ từng được săn đón với “Thiên mệnh anh hùng” - một trong những phim lịch sử hay nhất màn ảnh rộng Việt Nam. “Thiên mệnh anh hùng” trên tác phẩm Nguyễn Trãi phần 2 - Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn, đã gom đến 5 giải Cánh diều vàng 2012, trong đó có Phim điện ảnh xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất thể loại phim điện ảnh, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim điện ảnh (Huỳnh Đông)…
“Thiên mệnh anh hùng” cũng đánh dấu sự “kết nối” giữa Victor Vũ với thể loại phim chuyển thể từ tác phẩm văn học/truyện. Năm 2015 và 2018, Victor Vũ bắt tay đem Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Mắc biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh rộng. Ít ai ngờ được một đạo diễn chuyên làm phim hài hay kinh dị như Victor Vũ lại có thể truyền tải trọn vẹn được những chất thơ mộng lẫn nỗi buồn da diết của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Mắc biếc.
Trong ''Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh'' và ''Mắc biếc'', Victor Vũ không chỉ tôn lên hiệu ứng hình ảnh mà còn tận dụng tới hiệu ứng âm thanh nhờ các bản nhạc phim chạm đến tận cùng cảm xúc người xem. Kết quả, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Mắc biếc đều đạt doanh thu khủng (lần lượt là 77,7 tỉ đồng và 180 tỉ đồng). Cả hai phim còn chiến thắng các giải thưởng phim ảnh trong và ngoài nước. Riêng Mắc biếc được chọn đại diện Việt Nam đến giải Oscar, song không được vào top phim đề cử cuối cùng.
Đạo diễn 46 tuổi tìm bối cảnh phù hợp chop him “Mắt biếc”
Qua hơn 15 phim làm đạo diễn, Victor Vũ đều đạt được thành tích nhất định, thậm chí là còn tạo nên một dấu ấn riêng biệt của mình, không hề lẫn với bất kỳ đồng nghiệp nào. Giờ đây, Victor Vũ đã chứng minh được anh là một nhà làm phim có tâm và có tầm cùng các dự án mang tính thúc đẩy làng điện ảnh Việt Nam.
Victor Vũ luôn trong trạng thái tất bật trên phim trường