Mùa lạnh, những người mắc bệnh viêm xoang khô thường hay bị viêm họng, đau đầu, đau vùng mũi xoang, chảy máu cam, khô mũi, miệng… ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống.
Xoang khô là bệnh lý phổ biến và có xu hướng gia tăng trong mùa đông do thời tiết khô lạnh. Bệnh xảy ra khi màng nhầy trong xoang bị thiếu độ ẩm thích hợp dẫn đến khô mũi, khó chịu, chảy máu cam và các triệu chứng khó chịu tương tự. Mặc dù đây là một bệnh phổ biến thường dễ điều trị, nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, không được điều trị kịp thời có thể bị nhiễm trùng và cần dùng kháng sinh.
Nguyên nhân của viêm xoang khô đến nay vẫn chưa được biết rõ nhưng tình trạng dị ứng theo mùa như viêm mũi dị ứng có thể khiến các xoang bị kích thích, dẫn đến các mô bị khô và viêm. Viêm mũi dị ứng có thể được kích hoạt từ các tác nhân dị ứng như phấn hoa, lông động vật, hóa chất bụi mịn hoặc tác dụng phụ của thuốc.
Hình minh họa - Internet
Bên cạnh đó, sử dụng thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi cũng có xu hướng làm khô đường mũi và các mô xoang.
Độ ẩm thấp là nguyên nhân phổ biến khác có thể khiến đường mũi và xoang bị khô và kích ứng. Sử dụng máy sưởi trong nhà cũng có thể khiến tình trạng khô xoang gia tăng.
Ngoài ra, hít phải khói thuốc lá hoặc mắc hội chứng Sjögren cũng là một yếu tố nguy cơ đáng kể của bệnh xoang khô. Sjögren là một chứng rối loạn tự miễn dịch khiến cơ thể không tạo đủ độ ẩm. Những người mắc hội chứng này có xu hướng bị khô mắt và khô miệng thường xuyên nhất. Nhưng vì rối loạn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể nên nó cũng có thể khiến màng nhầy trở nên quá khô. Ở một số người, điều này có thể dẫn đến khô xoang.
Để cải thiện chứng viêm xoang khô, người bệnh có thể đặt máy tạo độ ẩm trong nhà, ngưng dùng thuốc làm khô mũi, xoang chẳng hạn như thuốc kháng histamin. Uống nhiều nước, loại bỏ càng nhiều chất gây dị ứng và chất kích thích khỏi môi trường sống càng tốt.
Rửa xoang bằng nước muối vô trùng, nước muối sinh lý, sử dụng thuốc xịt mũi để làm ẩm và bôi trơn đường mũi xoang. Tắm nước nóng và hít hơi nước khuếch tán các loại tinh dầu như hoa oải hương, bạc hà hoặc chanh khi bị dị ứng… có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh.
Nếu đã áp dụng các biện pháp tại nhà nhưng chứng khô xoang không cải thiện, người bệnh nên tới bệnh viện để được bác sĩ Tai Mũi Họng thăm khám và điều trị.
Những người mắc chứng rối loạn tự miễn dịch như hội chứng Sjögren, người đang dùng thuốc theo toa gây khô xoang, người có khả năng bị nhiễm trùng xoang cũng nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Xoang khô không được điều trị có thể gây khó chịu kéo dài cũng như viêm xoang cấp tính hoặc mạn tính. Khi các màng trong xoang bị kích thích sẽ tạo tiền đề cho nhiễm trùng. Vì vậy, điều quan trọng là phải điều trị các triệu chứng càng nhanh càng tốt.