ĐỜI SỐNG

Việt Nam chuẩn bị ứng phó với đậu mùa khỉ như thế nào trước nguy cơ xâm nhập tăng cao

Nguyễn Hậu • 03-08-2022 • Lượt xem: 229
Việt Nam chuẩn bị ứng phó với đậu mùa khỉ như thế nào trước nguy cơ xâm nhập tăng cao

Tính đến nay đã ghi nhận 23.620 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và con số này vẫn đang ngày càng tăng lên. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai. Vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết nhất hiện nay.

Chiều ngày 1/8, bộ y tế tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc hướng dẫn các cơ sở y tế về chuẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Chuẩn bị tâm thế ứng phó dịch trước nguy cơ xâm nhập tăng cao

Buổi tập huấn diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đang tăng lên nhanh chóng trên thế giới. Và tại Đông Nam Á đã có 3 nước ghi nhận ca mắc đó là Thái Lan, Campuchia, Philippines. Hiện nay Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào xâm nhập. Tuy nhiên nguy cơ bệnh xâm nhập vào chỉ là ngày một ngày hai.

Vì vậy, tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ y tế  đã yêu cầu các cơ sở y tế chủ động các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch bệnh bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chuẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh. Cục quản lý dược tiếp tục tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị đậu mùa khỉ theo khuyến cáo và đảm bảo các nguồn cung ứng các thuốc điều trị nói chung và thuốc điều trị biến chứng.

Tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế cấp xã phường để sớm phát hiện ca bệnh, cách ly và điều trị kịp thời không để lây lan ra cộng đồng.

Đồng thời cần truyền thông đến tất cả người dân các dấu hiệu mắc bệnh đậu mùa khỉ để người dân nếu nghi ngờ mắc thì kịp thời đến cơ sở khám, chữa bệnh để thăm khám, cách ly và điều trị. Các đơn vị chuyên môn tổ chức phân tuyến điều trị phù hợp để thu dung, điều trị người bệnh và đảm bảo công tác cách ly, điều trị hiệu quả, phòng tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Đề nghị thực hiện khai báo y tế

Phó cục trưởng cục y tế dự phòng bộ y tế Nguyễn Lương Tâm cho biết hiện Bộ y tế đang xây dựng hệ thống hướng dẫn giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam. Đồng thời kích hoạt lại hệ thống kiểm dịch tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không. Theo đó các hành khách đi từ các quốc gia có dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam sẽ phải đo thân nhiệt giúp phát hiện sớm các ca nghi nhiễm để cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm chuẩn đoán.

Vừa rồi TP. HCM có văn bản xin phép Bộ Y tế thực hiện khai báo y tế đối với tất cả hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu trên địa bàn TP. HCM. Tuy nhiên theo các chuyên gia việc áp dụng khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh là chưa thực sự cần thiết. Nếu thực hiện không tốt sẽ gây ách tắc ở cửa khẩu, ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở y tế TP.HCM cho rằng cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Việc nhận biết người mắc bệnh đậu mùa khỉ khá khó khăn đối với người nổi mụn nước, mủ kín trong người, ở bộ phận sinh dục... do đó việc giám sát phát hiện sớm các ca nghi mắc bệnh bằng khai báo y tế ở cửa khẩu rất quan trọng và cần thiết. Ông Tăng Chí Thượng cho rằng nội dung khai báo y tế chỉ có 3 dòng nên rất ngắn gọn. Đây mới chỉ là kiến nghị của TP.HCM, còn phải chờ ý kiến từ Bộ Y tế. Nhưng nếu được chấp thuận TP.HCM sẽ triển khai trên tinh thần hết sức nhanh gọn, không để xảy ra tình trạng ùn ứ và không gây phiền hà cho du khách. Phó cục trưởng cục y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm cũng cho biết đã hội ý, xin ý kiến hội đồng khoa học để xem xét việc triển khai khai báo y tế.

Sẵn sàng các phương án chống dịch

Bộ Y tế đã lên kế hoạch ứng phó cho 3 tình huống sau đây:

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh viện kiện toàn ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch. Đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, khu cách ly, máy móc, thuốc men, nhân lực, phương tiên để phòng chống dịch.

Các bệnh viện xây dựng quy trình đón tiếp, cách ly và điều trị bệnh nhân. Thành lập đội chống dịch cơ động tổ chức diễn tập phòng chống dịch và hỗ trợ cho tuyến dưới.

Tình huống 2: Khi có ca mắc đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam. Các cơ sở y tế tổ chức khu điều trị, cách ly riêng cho bệnh nhân. Tổ chức tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế chống lây nhiễm, cập nhật phác đồ điều trị. Chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi dịch lan rộng.

Tình huống 3: Khi dịch lây lan ra cộng đồng, mở rộng khu cách ly điều trị, bệnh viện dã chiến. Tính toán lên phương án điều trị, cách ly tại nhà. Sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động khi có bệnh nhân nặng.

Tình hình vắc xin và ca mắc trên thế giới

Đại diện tổ chức y tế thế giới ( WHO) nhận định số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới đang có xu hướng gia tăng. Who cảnh báo số ca tử vong vì đậu mùa khỉ sẽ gia tăng trong những ngày tới. Tại Mỹ theo số liệu của trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh CDC của Mỹ tính đến nay nước Mỹ ghi nhận gần 6000 ca mắc đậu mùa khỉ. Một số bang như Newyork, California, Illinois đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Các điểm tiêm chủng tại nhiều thành phố của Mỹ thường xuyên trong cảnh quá tải. Châu Âu cũng là điểm nóng dịch bệnh Tây Ban Nha, Đức, Anh và Pháp là những nước có nhiều ca mắc nhất. WHO cho biết hiện không có thuốc kháng virus nào có hiệu quả, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi và điều trị tổn thương. Tình hình vắc xin phòng bệnh đậu mùa cũng đang khan hiếm. Có một loại vắc xin được phát triển để phòng bệnh đậu mùa là  MVA-BN - còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos được WHO phê duyệt 2019 đang được một số nước sử dụng để tiêm phòng. Việt Nam hiện chưa có vắc xin tiêm phòng đậu mùa khỉ.