“Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình tới phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi” - Quỳnh Dao
Nhà văn Quỳnh Dao
Nhà văn Quỳnh Dao khi còn trẻ
Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết. Nữ nhà văn sinh năm 1938 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, nhưng lớn lên ở Đài Loan (Trung Quốc). Gia đình bà có 3 anh chị em và bà là chị lớn trong nhà.
Bà tốt nghiệp trường nữ trung học số 2 Bắc Đài Bắc (nay là Trung Sơn nữ trung). Cha bà là giáo sư khoa Văn tại Đại học Sư phạm Đài Loan, mẹ bà là giáo viên Văn học tại trường Kiến Quốc, nên bà thừa hưởng tài năng văn chương từ cha mẹ.
Quỳnh Dao sinh ra trong cảnh chiến tranh, và những hình ảnh khói lửa đó đã lưu lại trong tâm hồn bà nhiều ấn tượng sâu đậm.
Sự nghiệp của nhà văn Quỳnh Dao
Quỳnh Dao là nhà văn nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong dòng văn học nghệ thuật từ những năm 1990 và được mệnh danh là "bà hoàng ngôn tình". Bà còn là nhà biên kịch nổi tiếng Trung Quốc. Ngoài bút danh Quỳnh Dao, bà từng sử dụng tên Phượng Hoàng, Tâm Như. Bà còn tạo nên những thuật ngữ phổ biến như “phim Quỳnh Dao” và “nữ chính Quỳnh Dao,” gắn liền với sự nổi tiếng của bà.
Bộ phim Hoàn Châu Cách Cách
Bắt đầu sáng tác từ năm 9 tuổi, Quỳnh Dao đã để lại gia tài văn học đồ sộ với 65 tác phẩm đình đám một thời trong Tuyển tập kinh điển Quỳnh Dao như Hoàn Châu Cách Cách, Tân dòng sông ly biệt, Bên ngoài cửa sổ, Một thoáng mộng mơ, Hãy ngủ yên tình yêu... Tiểu thuyết của Quỳnh Dao lấy đi nước mắt của không biết bao nhiều người về chuyện tình đau thương, số phận truân chuyên của nhân vật trong câu truyện.
Quỳnh Dao là tác giả của vô số các tiểu thuyết ngôn tình ăn khách, trong đó có đến hơn 25 tác phẩm được dựng thành phim, tạo dựng tên tuổi, làm bệ phóng thành công cho hàng loạt các ngôi sao lớn như Lưu Tuyết Hoa, Lâm Thanh Hà, Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng…
Bà cũng là người viết lời nhiều ca khúc được yêu thích như Trong mơ, Bến xe ly biệt, Chàng là gió thiếp là cát.
Những mối tình đầy sóng gió của nữ sĩ Quỳnh Dao
Trái ngược hẳn với sự nghiệp lẫy lừng, cuộc sống tình cảm của Quỳnh Dao lại là nỗi bất hạnh lớn. Xinh đẹp và tài hoa, nhưng cuộc đời Quỳnh Dao lại sóng gió như chính các tác phẩm của bà. Bà trải qua ba mối tình lớn và hai cuộc hôn nhân nhưng đến cuối đời lại sống cô độc một mình
Mối tình đầu tiên, bà nảy sinh tình cảm với thầy giáo góa vợ hơn bà 25 tuổi. Hai người bất chấp tuổi tác và những định kiến xã hội để đến với nhau vì trong thân tâm bà, tình cảm là cảm tính, có thể vượt qua mọi giới hạn, mọi ràng buộc. Một phần nguyên nhân cũng đến từ tuổi thơ, bà luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm từ gia đình. Vì mải mê yêu đương nên bà thi trượt đại học, chuyện hẹn hò bị bại lộ và người thầy phải chuyển công tác. Mối tình này khép lại và sau này được bà đưa vào cuốn tiểu thuyết “Song Ngoại” (Bên ngoài cửa sổ) của mình.
Bà Quỳnh Dao và chồng, ông Bình Hâm Đào (Ảnh: Ettoday)
Vào năm 20 tuổi bà gặp người đàn ông thứ hai của cuộc đời là ông Mã Sâm Khánh, một sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học và xuất thân từ một gia đình nghèo. Nhưng cả hai đều có đam mê là văn chương nên tìm được sự đồng điệu và đến với nhau dù gia đình phản đối. Hai người kết hôn và có một đứa con chung. Tuy nhiên khi bà cho ra đời tác phẩm mang tên “Song Ngoại”, tạo được tiếng vang và thành công rực rỡ thì hai người nảy sinh mâu thuẫn, chồng bà lại cảm thấy xấu hổ vì câu chuyện tình của vợ và thầy giáo công khai. Ông đã trỉ trích bạn đời trên báo và đặt dấu chấm kết thúc cho cuộc tình 5 năm của hai người.
Cuộc đời càng trở nên gian truân, trắc trở khi bà đến với người bạn đời thứ ba là ông Bình Hâm Đào (ông là tổng biên tập giúp bà xuất bản cuốn "Song Ngoại"). Mối tình ngang trái khiến bà nhận nhiều điều tiếng vì ông đã có gia đình và ba đứa con. Năm 1979, sau hơn 10 năm giữ quan hệ trong bóng tối, hai người đã chính thức kết hôn. Năm ông Bình Hâm Đào 90 tuổi, ông bị đãng trí nhớ và quên hẳn đi bà. Mâu thuẫn với con riêng, bà bị con riêng cấm gặp gỡ, chăm sóc và buộc phải quay về cuộc sống của mình. Năm 2019 ông Bình Hâm Đào qua đời vì tai biến mạch máu não, hưởng thọ 92 tuổi. Thế nhưng cái danh của bà cũng không được gột rửa, luôn là nỗi đau của những người trong cuộc.
Cuối cuộc đời bà Quỳnh Dao hướng tới cuộc sống an yên
Những năm tháng cuối đời của mình, bà Quỳnh Dao mong muốn một cuộc sống giản dị, an yên và dành mọi tâm huyết cho sáng tác.
Bà ra đi vào ngày 4.12.2024. Trước khi mất bà để lại một bức thư tuyệt mệnh nhắn gửi đến gia đình và những độc giả của mình. Bà cũng mong muốn thực hiện “quyền được chết”, muốn tang lễ của mình diễn ra một cách đơn giản, không tổ chức theo nghi thức, không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không đốt vàng mã, không cúng bái vào ngày giỗ hay tiết Thanh Minh. Đối với bà, bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn, không có gì để nuối tiếc. Bà ra đi trong nhẹ nhàng, thanh thản, để lại niềm thương tiếc cho nhiều người hâm mộ về một người nghệ sĩ tài hoa, sống hết mình với nghệ thuật.