ĐỜI SỐNG

'Vitamin ánh nắng' có nhận được qua cửa sổ?

Minh Tuệ • 25-07-2022 • Lượt xem: 1195
'Vitamin ánh nắng' có nhận được qua cửa sổ?

Chúng ta thường nghĩ rằng mình sẽ nhận được tất cả lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể từ ánh nắng mặt trời qua việc da tiếp xúc trực tiếp với một loại tia UVB của mặt trời. Nhưng việc nhận được nhiều chất dinh dưỡng từ ánh sáng vàng đó không đơn giản như những gì chúng ta tưởng. 

Nguồn vitamin D chính trong cơ thể của mỗi người chúng ta là do tổng hợp ở da dưới tác động của bức xạ tia cực tím từ mặt trời (UVB) chiếm 80-90%, còn việc ăn uống chỉ chiếm 10-20%. Vào những ngày xám xịt, hầu như không có sự xuất hiện của ánh nắng mặt trời, thì việc tiếp xúc sẽ bị hạn chế, còn khi mùa xuân và hè đến, ánh nắng đầy đủ sẽ giúp cho việc tiếp xúc được tốt nhất.

Mùa và địa điểm có thể làm hạn chế sản xuất vitamin D. Những người sống gần đường xích đạo, có làn da sáng hơn. Cũng như những ai thường ở ngoài trời thời điểm ban ngày vào mùa xuân và mùa hè sẽ nhận được lượng vitamin D đáng kể cho cơ thể. Đối với những người có tông màu da sẫm hơn, do có khả năng chống nắng tự nhiên, sẽ nhận được lượng vitamin D từ nguồn ánh sáng mặt trời thấp hơn từ 3-5 lần so với những người có tông màu da trắng. Nguyên nhân là do sự hiện diện của melanin làm giảm sản xuất vitamin D trên da một cách tự nhiên.

Mặc dù sự thật là cơ thể có thể tự sản xuất vitamin D, tuy nhiên việc tiếp xúc thường xuyên và đầy đủ với tia cực tím sẽ không hề đơn giản (như tia cực tím có trong các bước sóng UVB (290-320 nm). Với vai trò quan trọng và thiết yếu đối với sức khoẻ của xương, tuyến giáp và hệ miễn dịch… nếu muốn có được đầy đủ vitamin D, chúng ta cần phải dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn. Còn đối với những người không thể ra ngoài thường xuyên như mong muốn, thì việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thông qua những khe cửa sổ hay đặt bàn làm việc ngay cửa sổ thì có nhận được đầy đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể không? 

Khi ánh nắng chiếu rọi xuống mặt đất, lượng tia UV (tia cực tím) tiếp xúc với da được chia thành các loại dựa trên bước sóng được đo bằng nanomet (nm), bức xạ UVC (100-290nm), UVB (290-320nm), UVA(320-400nm). Vì khí quyển cản một số bức xạ nên chỉ có tia UVA và UVB là xuống được bề mặt trái đất. Các tia nắng được lọc bởi kính, những đám mây, khói và bụi. Càng gần đường xích đạo, nhất là vào mùa hè thì ánh sáng mặt trời đi qua bầu khí quyển theo một góc thẳng. Chính vì vậy nếu ngồi gần cửa sổ đầy nắng hay ánh nắng trực tiếp xuyên qua cửa sổ thì cơ thể chúng ta sẽ không thể tạo ra vitamin D được. Mặc dù có thể chúng ta cảm thấy như đang ở ngoài trời nhưng nó lại không thể thay thế cho việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Lượng ánh nắng khi xuyên qua cửa sổ sẽ bị giảm đáng kể do nhiều yếu tố khách quan như kính của cửa sổ sẽ hấp thụ tất cả các bức xạ UVB. Ngay cả khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời cũng không phải là cách dễ dàng để sản xuất vitamin D do vị trí, độ cao, mùa, màu da, tuổi tác... 

Tiến sĩ Victoria J. Drake (viện Linus Pauling, Đại học bang Oregon) cho biết: “Đối với nhiều người, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ không đủ để cung cấp vitamin D mà cơ thể chúng ta cần. Chỉ số SPF15 (theo FDA là chỉ số đo lường khả năng chống lại tia UVB) có thể làm giảm sản xuất vitamin D hơn 90%”.

Do vậy, ngồi trong phòng, có cửa kính và ánh sáng, đừng vội lầm tưởng là mình đã hấp thụ đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời.