ĐỜI SỐNG

Vụ xuân mới trên cao nguyên đá

Bài và ảnh: Hà Thành • 20-02-2023 • Lượt xem: 914
Vụ xuân mới trên cao nguyên đá

Sau Tết Nguyên đán, mùa xuân là mùa gieo cấy vụ mới. Những người nông dân ra đồng, lên nương để bắt đầu công việc nhà nông trong năm mới. Công việc nhà nông là công việc nặng nhọc, vất vả, ngay cả ở vùng đồng bằng có nhiều điều kiện thuận lợi. Còn ở miền cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) thì rất khác, công việc khó khăn vất vả, gấp trăm nghìn lần.

Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài trên 4 huyện biên giới là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Ở miền Cao nguyên đá này, 70% diện tích là đá, 30% diện tích còn lại là đất lẫn đá; rất khó khăn cho nông nghiệp trồng trọt. Không những thế, địa hình ở đây còn có độ dốc lớn, rất hiểm trở, khí hậu lạnh và ít mưa, thiếu nguồn nước. Chính vì vậy, người dân chủ yếu trồng ngô (với ruộng khô) làm lương thực chủ đạo (có nơi trồng 1 vụ, có nơi trồng 2 vụ) và một số loại hoa màu khác. Ở đây, mùa xuân cũng là mùa gieo cấy của vụ chính.

Những nơi có diện tích canh tác rộng rãi, bằng phẳng và có đất là rất hiếm; còn đa phần người dân nơi đây phải canh tác ở những mảnh ruộng nhỏ hẹp; hoặc ở trên núi, đất xen lẫn với đá. Những mầm cây xanh mọc lên cùng đá…

Ở miền cao nguyên đá, gieo trồng vụ xuân mới, cũng là bắt đầu sự nhọc nhằn cùng với đá!

Một đôi vợ chồng người H’Mông đang làm ruộng và gieo hạt trên mảnh ruộng nhỏ sát bên nhà tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc. Tuy nhiên, ở miền cao nguyên đá, những nơi có ruộng bằng phẳng - dù nhỏ - như thế này là không nhiều…

Như ở đây, hai người phụ nữ đang gieo hạt trên một triền núi rất dốc ở huyện Quản Bạ.

Xếp đá thành kè chắn đất để chuẩn bị làm nương. Đất ít, địa hình đồi núi dốc và hẹp là những khó khăn rất lớn cho việc trồng trọt.

Người đàn ông dân tộc H’Mông này đang phát nương trên một triền núi đá dốc ở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn.

Dù rất nhiều khó khăn nhưng vẫn tươi nụ cười.

Ở miền cao nguyên đá, nơi mà những mảnh đất trồng trọt vô cùng hiếm hoi, thì trâu, bò cũng phải cày với đá. Ảnh: Ở xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn.

Bà Lù Thị Máy (dân tộc Nùng) ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ đang giặm lại ruộng ngô đã lên mầm. Bà cho biết: Ngoài việc có nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng…; thì chuột là một những tác nhân phá hoại mùa màng rất nhiều. Chuột phá từ khi gieo hạt cho tới khi thu hoạch; chúng trốn trong các hốc đá nên rất khó diệt.

Dẫu vậy thì những mầm xanh vẫn nảy lên chen cùng với đá.