ĐỜI SỐNG

Xóa nỗi ám ảnh kiểm tra miệng đối với học sinh

Bá Phúc • 19-09-2023 • Lượt xem: 2021
Xóa nỗi ám ảnh kiểm tra miệng đối với học sinh

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023 – 2024 tại quận 3 (TP.HCM), Giám đốc Sở GD – ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu đã ra quyết định đề nghị giáo viên ngừng gọi, hỏi bất chợt kiểm tra miệng đầu giờ đối với học sinh, vì điều đó sẽ gây áp lực, căng thẳng đến các em. 

Lời đề nghị của ông Nguyễn Văn Hiếu đã nhận được nhiều lời ủng hộ, đồng tình của phụ huynh học sinh lẫn giáo viên vì cho rằng phương thức giáo dục trên không hiệu quả và đánh giá được năng lực của học sinh.

Chị Nguyễn Thị Thu, ngụ tại Quận Gò Vấp, TP.HCM kể lại chuyện bản thân đã ám ảnh như thế nào với việc kiểm tra miệng đầu giờ. Chị cho biết, vào năm học lớp 10, có nhiều kiến thức phải học thuộc lòng và nhiều giáo viên bộ môn khó tính thường hay hỏi bất thình lình một câu không có trong sách giáo khoa, đặc biệt là môn lịch sử. Vậy nên, những ngày có tiết học, ai cũng ôm cuốn sách và dè chừng vì cô giáo nổi tiếng là luôn đặt câu hỏi khó cho học sinh trong đầu buổi học. 

Nếu như gõ từ khóa “kiểm tra miệng” trên các trang công cụ tìm kiếm, người dùng ngay lập tức nhận được hàng loạt kết quả bài viết về đề tài này. Mặc định kiểm tra miệng là nỗi ám ảnh, một vài học sinh chia sẻ, việc kiểm tra đầu giờ luôn là cơn ác mộng, bởi hôm thuộc bài thì thầy cô không gọi, hôm không thuộc thì lại bị kêu tên. 

Cụ thể, em Trần Minh Quân, học sinh lớp 12 tại quận 3 (TP.HCM) cho biết, tuy đã chuẩn bị bài ở nhà từ trước nhưng những lúc thầy cô cầm danh sách là thời khắc bản thân sợ hãi nhất. Bạn Quân chia sẻ, các bạn trong lớp còn truyền tai nhau bí kíp giúp thoát khỏi nỗi ám ảnh kiểm tra miệng đầu giờ là không được run, bối rối, luôn ngẩng cao đầu và đặc biệt không nói chuyện hay làm việc riêng. 

Kiểm tra miệng đầu giờ khiến nhiều học sinh ám ảnh. 

Giáo viên trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP. HCM), thầy Đặng Hữu Trí nêu quan điểm, nhiều giáo viên cho rằng việc kiểm tra miệng đầu giờ đã là truyền thống, giúp nâng cao tinh thần xung phong, tự giác của học sinh. Nhưng thầy Trí cho rằng cách kiểm tra này hiện nay không mang lại hiệu quả cao vì tốn nhiều thời gian, gây căng thẳng về mặt tâm lý của học sinh và nhất là không thể kiểm tra được toàn bộ các em cùng một lúc. 

Thầy Trí nói thêm, theo quy định, trong học bạ mỗi môn học sẽ có các cột điểm đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể sử dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra và không nhất thiết phải kiểm tra miệng đầu giờ. Mặc khác, hình thức này sẽ khiến nhiều em mang tâm lý không tốt, lo lắng, mất đi tâm trạng phấn khởi cho tiết học sau.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, theo Thông tư 22 của Bộ và theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các tổ bộ môn cần xây dựng kế hoạch kiểm tra ngay từ đầu năm học, đánh giá theo thời gian, hình thức, nội dung, các yêu cầu cần đạt cụ thể. Bên cạnh đó, GV cần có nhiều hình thức đa dạng trong kiểm tra, phổ biến đến HS và đánh giá kết quả học tập của các em thông qua các mô hình học tập như bài thuyết trình, dự án khoa học, hỏi – đáp, thực hành, thí nghiệm,...

Giáo viên cần kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của học sinh qua nhiều hình thức khác nhau. 

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học của Bộ GD-ĐT, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết, đối với cấp bậc THPT cần đánh giá, định hướng học sinh thông qua phát triển năng lực, phẩm chất. Song song đó, Bộ đòi hỏi phải tập trung đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt của từng môn học. Ông Thành cho rằng, cách đánh giá trên chính là sự coi trọng giữa tính tương tác thầy trò và nhằm để các em tự ý thức việc học, để tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, giáo viên cần phải dựa trên tiêu chí định hướng cũng như tính tự học của học sinh để bảo đảm việc đánh giá kết quả học tập chính xác nhất.

Hình ảnh: Internet