ĐỜI SỐNG

Xu hướng 'bed rotting' ở Gen Z: Thúc đẩy chữa lành hay tạo không gian lười biếng?

Diễm Chi • 12-07-2023 • Lượt xem: 1000
Xu hướng 'bed rotting' ở Gen Z: Thúc đẩy chữa lành hay tạo không gian lười biếng?

Theo CNN, “bed rotting” là trào lưu xuất hiện và lưu truyền một cách nhanh chóng thông qua TikTok. Mặc dù trào lưu này dần trở thành xu hướng đối với các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z, tuy nhiên, ẩn sâu bên trong đó có thể là những hệ quả không ngờ đến.

Xem thêm:

Bùng nổ xu hướng gấu bông 'chữa lành' ở người trưởng thành

Xu hướng “bed rotting” - Trào lưu mới xuất hiện của Gen Z

“Bed rotting” là thuật ngữ dùng để chỉ hành động nằm ì trên giường trong một khoảng thời gian dài từ ngày này sang ngày khác mà không quan tâm đến những chuyện xảy ra bên ngoài. 

Trào lưu “triệu view” lan truyền trên nền tảng mạng xã hội TikTok với 250K lượt thích, 1,5 triệu lượt xem và rất nhiều bình luận.

Đối với Gen Z, họ có thể dành nhiều thời gian để thư giãn, xem phim, chơi game, lướt mạng xã hội trong không gian trên giường của mình. Đối với một số người, họ còn rất chịu khó đầu tư cho không gian giường ngủ của mình bằng việc sắm một bộ nệm, gối thật êm ái và một bộ ga phù hợp với sở thích để tạo cảm giác thoải mái nhất.

Bên cạnh một chiếc giường êm ái, không gian phòng ngủ cũng được trang trí tỉ mỉ để tạo cảm giác thoải mái.

Khi phần lớn mọi người đều thống nhất với nhau rằng hành động nằm ì trên giường là một hành động của sự lười biếng thì đối với Gen Z, họ lại lập luận rằng đây là một hành động chữa lành khi họ có thể dành nhiều thời gian nằm trên giường để “lắng nghe cơ thể” của mình.

Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, khi phải đối mặt mới quá nhiều vấn đề trong một ngày, giới trẻ thường cảm thấy quá tải về mặt cảm xúc, dẫn đến rối loạn lo âu hay thường xuyên căng thẳng về một vấn đề nào đó, chính những lúc này, việc nằm ì trên giường có thể giúp họ tạm thời “bơ” đi thế giới bên ngoài, cho bản thân thời gian bình tỉnh và lấy lại năng lượng.

Theo giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại trường Đại học Y khoa Albert Einstein, Simon A. Rego, “bed rotting” có thể cung cấp một số lợi ích, tuy nhiên, việc dành quá nhiều thời gian trên giường sẽ gây ra nhiều xáo trộn về mặt cảm xúc, gây ra những rối loạn và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. 

Tiến sĩ Jessica Gold cũng cho biết rằng việc dành thời gian quá nhiều trên giường không phải đơn giản vì lý do nhắm mắt nghỉ ngơi hay ngủ, nếu xảy ra với tần suất dày đặc có thể là vì người ta muốn tìm một nơi ẩn nấp, chạy trốn khỏi những cảm giác căng thẳng sau khi thức dậy.

“Nói về giấc ngủ theo khía cạnh khoa học, việc nằm ì trên giường đi ngược với mọi lý thuyết về việc một người nên làm”. Phó giáo sư về gia đình và y tế dự phòng tại tại Đại học Utah, Kelly Glazer Baron cho biết. Quả thật, thực tế chính là như vậy, nếu xét về mặt giấc ngủ, hành động này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như rối loạn giấc ngủ.

Đối với người trưởng thành, họ chỉ cần ngủ từ 7 - 9 tiếng mỗi ngày là đủ cung cấp năng lượng cho một ngày hoạt động năng xuất và giường chỉ nên là nơi để chúng ta ngủ, không nên dùng nó cho các hoạt động như làm việc, ăn uống hay xem phim. 

Có thể nói, đối với Gen Z, “bed rotting” là một trong những trào lưu giúp họ “sạc năng lượng” và lắng nghe cơ thể mình, tuy nhiên, kết quả lại trái ngược với những lập luận đó. Thay vì lắng nghe thì họ cho phép bản thân mình cô lập, phớt lờ suy nghĩ, cảm xúc, Jessica Gold cho biết.

Thay vì trốn chạy bằng việc nằm ì trên giường, theo Rego, việc chúng ta nên làm là đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, cảm giác căng thẳng và rối loạn lo âu, bởi lẽ, vấn đề sẽ mãi mãi tồn tại ở đó khi ta cố gắng phớt lờ và bỏ qua nó. Hãy học cách chấp nhận và xem nó là một phần của cuộc sống.

Những hệ quả đằng sau trào lưu “triệu view”

Trở thành trào lưu sau một đoạn video clip “triệu view” trên TikTok và được hưởng ứng một cách mạnh mẽ trong cộng đồng giới trẻ, tuy nhiên, ít ai biết rằng những hệ quả ẩn sau trào lưu này.

Có thể dễ dàng nhìn thấy “bed rotting” có thể góp phần làm giảm cường độ và thời gian hoạt động, góp phần vào một lối sống ít tích cực với nguy cơ tăng cân cao. Hơn thế, việc thiếu vận động cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, sự phát triển cơ bắp và các vấn đề sức khỏe liên quan khác như tiểu đường hay đột quỵ. 

Tuy nhiên, bên cạnh các vấn đề về sức khoẻ thì đời sống tinh thần của những người theo đuổi trào lưu này là yếu tố bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, nặng nhất là nguy cơ trầm cảm gián tiếp.

Việc dành quá nhiều thời gian nằm trên giường, không hoạt động và tiêu thụ nội dung trực tuyến có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, cô lập và thiếu sự kết nối với xã hội. Thiếu giao tiếp trực tiếp và hoạt động xã hội có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và trạng thái tinh thần. Hơn nữa, "bed rotting" có thể gây ra rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Có thể nói, rối loạn giấc ngủ và thiếu ngủ có liên quan mật thiết đến trầm cảm và tình trạng tâm lý không ổn định.

Chính vì vậy, có thể thấy, cảm thấy mệt mỏi sau một ngày dài làm việc là đều có thể dễ hiểu, tuy nhiên, nếu nó gây cản trở và tạo rào cản với công việc, đời sống xã hội hoặc thế giới xung quanh thì bạn cần phải thảo luận các vấn đề mình đang mắc phải một cách nghiêm túc với các bác sĩ tâm lý, giáo sư Kelly Glazer Baron cho biết.

Nếu không muốn ra khỏi nhà, mọi người có thể thực hiện một số hoạt động để thư giãn như đọc sách, viết nhật ký, chăm sóc cây xanh hay chăm chút cho bữa ăn của mình.