Chó không thể giao tiếp bằng lời nói, vì vậy chúng dùng ngôn ngữ cơ thể trong đó có vẫy đuôi. Hiểu được ý nghĩa đằng sau hành động sẽ giải mã được cảm xúc của chúng.
Điều phối viên tổ chức tình nguyện chăm sóc động vật Best Friends Animal Society - Amanda Farah cho biết: “Nhìn chung vẫy đuôi có nghĩa chú chó của bạn đang trải qua cảm xúc gì đó. Có thể là vui vẻ hoặc phấn khích, nhưng cũng có thể là sợ hãi, thất vọng hay thấy bất ổn”.
“Vẫy đuôi thể hiện rất rõ cảm xúc. Một cú vẫy quét ngang cùng cơ thể thả lỏng chứng tỏ chúng vui vẻ. Với bất cứ cú vẫy nào khác, chẳng hạn vẫy cao liên tục hoặc vẫy thấp khép kín thì ta phải tìm thêm tín hiệu khác để nắm bắt cảm xúc”, bà Farah nói thêm.
Phán đoán dựa theo hướng vẫy đuôi
Theo chuyên gia huấn luyện Susan Nilson, nhiều nghiên cứu chỉ ra khi vui vẻ và tự tin chó thương vẫy đuôi về bên phải nhiều hơn: “Bạn có thể thấy chúng vẫy đuôi phía phải khi có thứ hoặc tình huống mà chúng cho là tích cực, thu hút chúng tiến đến hoặc muốn tương tác, chẳng hạn lúc chủ về, nhìn thấy đồ chơi hoặc đồ ăn yêu thích. Chó vẫy đuôi phía phải thì bán cầu não trái liên quan đến cảm xúc tích cực và hành vi tiếp cận hoạt động”.
Còn nếu vẫy đuôi về bên trái nhiều hơn, chó đang sợ hãi, thất vọng, thấy bất ổn do có thứ hoặc tình huống mà chúng cho là tiêu cực muốn tránh xa, liên quan đến trải nghiệm trong quá khứ hoặc tiếng ồn như sấm sét hoặc pháo hoa. Bán cầu não phải liên quan cảm xúc tiêu cực và hành vi thu mình, tránh né sẽ hoạt động lúc đuôi được vẫy phía trái.
Tuy nhiên, bà Farah lưu ý rằng ta không thể hoàn toàn chắc chắn về cảm xúc của chó do chúng chẳng thể nói. Ngoài ra còn không ít yếu tố khác ảnh hưởng đến hành động vẫy đuôi, như tư thế hay sức khỏe thể chất.
Hiểu ngôn ngữ cơ thể của chó rất quan trọng
Chó hoàn toàn dựa vào ngôn ngữ cơ thể, do đó ta cần cố gắng quan sát để hiểu rõ hơn về cảm xúc lẫn nhu cầu của người bạn động vật này.
“Nếu bỏ qua hoặc hiểu sai ngôn ngữ cơ thể, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều thông tin tuyệt vời giúp tăng hiểu biết về những gì chó thích lẫn không thích, qua đó biết được làm sao khiến thú cưng sống hạnh phúc hơn”, theo bà Farah.
Ngôn ngữ cơ thể của chó cũng đem lại sự an toàn cho chủ nuôi lẫn gia đình. Không ít trường hợp chó cố truyền đạt cảm xúc sợ hãi nhưng bị bỏ qua, thôi thúc chúng chọn cách chiến đấu hoặc bỏ chạy.
Chuyên gia Nilson cho biết nếu chó bị kích động hoặc sợ hãi, một số biểu hiện tiêu biểu sẽ là đồng tử giãn ra và cơ hơi cứng. Bà nói: “Nếu hiểu ngôn ngữ cơ thể của chó, ta có thể giúp tránh hoặc kiểm soát tình huống khiến chúng sợ hãi, lo lắng hay căng thẳng. Điều này kiềm nén cảm xúc ở dưới ngưỡng báo động nên chó bình tĩnh, ít phát sinh vấn đề về hành vi hơn”.