ĐỜI SỐNG

Yếu tố gây gia tăng đột quỵ ở người trẻ

Lan Hương • 29-09-2023 • Lượt xem: 860
Yếu tố gây gia tăng đột quỵ ở người trẻ

Thống kê cho thấy trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều trường hợp đột quỵ xảy ra ở người trẻ, con số chiếm từ 15 – 25% trong số các ca đột quỵ và tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Theo Hội nghị đột quỵ quốc tế diễn ra vào 5/11/2022 tại Hà Nội cho biết, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Trong đó ở độ tuổi 15 – 49 tuổi chiếm hơn 16%. Con số tử vong do đột quỵ trên thế giới lên đến 6,5 triệu ca trong đó hơn 6% là người trẻ.

Hằng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, tỷ lệ những người không qua khỏi chiếm khoảng 50% trong số đó. Theo thống kê của Bộ Y tế, tại nước ta, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Trong đó, mức gia tăng đột quỵ ở người trẻ trung bình 2% mỗi năm, đặc biệt số ca bệnh ở nam giới cao gấp 4 lần so với nữ giới.

Đột quỵ có xu hướng ngày càng gia tăng ở người trẻ tuổi

Vậy thế nào là đột quỵ?

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, tức là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cung cấp máu lên não bị gián đoạn hoặc giảm sút, khiến não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để đáp ứng cho các tế bào. Các tế bào não sẽ chết dần nếu không được cung cấp đủ lượng máu trong vòng vài phút.

Chính vì vậy, việc cấp cứu người đột quỵ cần được thực hiện kịp thời. Nếu thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não bị chết càng nhiều thì ảnh hưởng rất lớn đến chức năng nhận thức, vận động của cơ thể. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Đa số các trường hợp sống sót sau cơn đột quỵ, về sức khỏe cũng có nhiều mặt suy yếu, thường gặp các di chứng như yếu hoặc liệt một phần cơ thể, rối loạn cảm xúc, thị lực giảm, mất ngôn ngữ…

Có hai loại đột quỵ thường gặp:

+ Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình vận chuyển máu đến não. Tình trạng này chiếm 85% trong tổng số ca bệnh hiện nay.

+ Đột quỵ do xuất huyết não, là tình trạng mạch máu não bị vỡ, máu chảy ồ ạt gây tình trạng xuất huyết. Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết não có thể do thành mạch xơ cứng, yếu hoặc có những vết nứt hay rò rỉ khiến máu chảy ra bên ngoài. Đột quỵ cho xuất huyết não đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ và do xuất huyết não

Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua do dòng máu cung cấp lên não bị giảm tạm thời. Người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.

Để nhận biết cơn đột quỵ, có thể dựa vào một số dấu hiệu như:

+ Yếu một bên cơ thể, khó cử động tay chân, dấu hiệu chính xác là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng lúc.

+ Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

+ Méo miệng, thay đổi giọng nói, khó nói chuyện.

+ Thị lực giảm, nhìn không rõ…

Thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng để đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời. Vì vậy cần xác định chính xác thời gian khi bệnh nhân có các dấu hiệu đột quỵ để bác sĩ có thể nắm được “giờ vàng” của bệnh nhân và có chiến lược điều trị hiệu quả nhất.

Giờ vàng trong điều trị đột quỵ khoảng từ 3 – 4,5 giờ, có thể mở rộng lên 6 – 24 giờ từ khi khởi phát triệu chứng. Trong cấp cứu đột quỵ cấp còn có tiêu chuẩn kim cương, từ lúc người bệnh nhập viện đến khi được can thiệp bằng thuốc tiêu sợi huyết trong vòng dưới 60 phút.

Đừng bỏ lỡ thời gian vàng trong cấp cứu người bị đột quỵ

Bệnh nhân không nên chủ quan khi gặp các cơn thiếu máu thoáng qua hay thấy các dấu hiệu đột quỵ nhẹ có thể khỏi, bởi thời gian sau đó tỷ lệ tái phát sẽ rất cao. Cần nhập viện sớm để khảo sát các yếu tố nguy cơ, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị, tránh trường hợp tái phát.

Yếu tố nào gây gia tăng đột quỵ ở người trẻ

Có rất nhiều yếu tố gây gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi, bên cạnh những yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác, di truyền, bệnh lý... thì cần nhắc đến các yếu tố có thể thay đổi được như thói quen ăn uống, béo phì, sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, thuốc lá, lười vận động… Các bệnh lý như đái tháo đường, mỡ máu, tăng huyết áp, cholesterol tăng cao là những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ.

Đặc biệt, những người có thói quen hút thuốc lá có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần. Các chất có hại trong khói thuốc sẽ phá huỷ các tế bào trong cơ thể, khiến cho thành mạch máu bị tổn thương, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch. Những người nghiện thuốc lá nặng có nguy cơ đột quỵ cao hơn rất nhiều so với những người không hút.

Hầu hết các biến chứng đột quỵ ở người trẻ nói riêng cũng như ở mọi lứa tuổi nói chung đều vô cùng nguy hiểm. Những hệ quả về lâu dài người bệnh có thể mắc phải như suy giảm trí nhớ, liệt hoặc yếu một bên cơ thể, nói năng khó khăn… Những ảnh hưởng này tùy thuộc vào phần nào của não bị tổn thương và mức độ tổn thương nặng hay nhẹ.

Nặng nề hơn, những người bị đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể chịu đời sống thực vật vĩnh viễn, nhiều trường hợp không thể qua khỏi.

Để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ nói riêng và đột quỵ nói chung, mỗi người trong chúng ta cần thay đổi thói quen sinh hoạt, theo đuổi lối sống lành mạnh chẳng hạn như tăng cường vận động thể chất, hạn chế căng thẳng, kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh, giảm muối và thức ăn dầu mỡ, tránh xa thuốc lá, không sử dụng bia rượu…

Cố gắng kiểm soát các bệnh lý như tim mạch, mỡ máu, đái tháo đường và không nên bỏ qua các yếu tố dấu hiệu của đột quỵ. Khi có các biểu hiện của đột quỵ cần thăm khám, kiểm tra sức khỏe để kịp thời phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.