ĐỜI SỐNG

Yoga an nhiên - giúp người, giúp đời

Thanh Hòa • 12-12-2024 • Lượt xem: 575
Yoga an nhiên - giúp người, giúp đời

Yoga không chỉ là một môn tập luyện gia tăng sự dẻo dai, mà đối với cô Mỹ Hạnh -  một giáo viên Yoga tại huyện Nhà Bè, TP.HCM -  với nhiều năm gắn bó cùng bộ môn này, Yoga còn là sự kết nối giữa Thân - Tâm và lan tỏa sự yêu thương đến cộng đồng.

Duyên khởi từ tình yêu gia đình

Ban đầu chỉ tìm đến Yoga như một phương pháp trị liệu cho mẹ, cô Hạnh (bên phải) không ngờ bản thân sẽ trở thành HLV Yoga trong tương lai 

Vào năm 2014, mẹ của cô bị bệnh nặng. Với mong muốn cải thiện sức khỏe cho mẹ, cô đã mời giáo viên Yoga về nhà. Thế nhưng, khi ấy mẹ cô có thể trạng khá yếu, vận động khó khăn nên không thể tập luyện được. Trước tình huống đó, cô Hạnh quyết định mời hàng xóm cùng tham gia lớp tập Yoga, vì giáo viên đã được mời và cũng muốn mọi người có cơ hội tiếp cận với bộ môn hữu ích này. 

Thời gian đầu, lớp học chỉ mang tính chất tự phát, nhằm duy trì sức khỏe. Nhưng từ một hoạt động nhỏ lẻ, lớp Yoga dần được duy trì và phát triển, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô Hạnh và những người tham gia.

Bước ngoặt lớn: Từ học viên thành Huấn luyện viên chuyên nghiệp

Vốn xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, cô Hạnh đã quen với lao động từ rất sớm, và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cô. Những căn bệnh như đau lưng, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, rối loạn tiền đình,... khiến cô phải sống chung với cơn đau triền miên.

Khi bắt đầu tập Yoga, 4 năm đầu tiên, cô chỉ tập như một thói quen: mỗi ngày cứ mang thảm đến lớp, tập theo bài mà giáo viên hướng dẫn. Nhưng dần dần, cô mới nhận ra tầm quan trọng của việc đặt tâm vào hơi thở, tập trung vào những chỗ đau để chữa lành từ bên trong. Từ đó thì các triệu chứng bệnh trước đó cũng thuyên giảm hẳn và cô cũng ngưng dùng thuốc. 

Vào năm 2018, cô Hạnh chính thức quyết định theo đuổi Yoga một cách chuyên nghiệp. Từ việc tham gia các khóa học trợ giảng, cô dần hoàn thiện bản thân và trở thành một Huấn luyện viên Yoga. Dù phải làm song song hai công việc – Công nhân viên và dạy Yoga – cô Hạnh vẫn kiên trì dành thời gian để giúp người khác phục hồi sức khỏe và tinh thần thông qua Yoga.

Quyết định rẽ hướng

Đến năm 2020, sau 20 năm làm việc công sở, cô Hạnh quyết định từ bỏ công việc ổn định để tập trung hoàn toàn vào Yoga. Đúng lúc đó, đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng thay vì chùn bước, cô đã linh hoạt chuyển sang dạy Yoga Online. Sau dịch, cô tiếp tục phát triển các lớp Yoga cộng đồng và giúp nhiều người phục hồi sức khỏe hậu COVID.

Một số hình ảnh tại lớp học Yoga của cô Hạnh 

Yoga – hành trình chữa lành

“Những năm đầu tập luyện, tôi không hiểu nhiều, chỉ biết trải thảm ra và tập. Nhưng sau này, tôi nhận ra yoga không chỉ là về tư thế, mà là cảm nhận hơi thở, tập trung vào chỗ đau để tự chữa lành,” cô kể.

Với cô, yoga không phải là cuộc đua để đạt thành tích hay phô diễn tư thế khó, mà là hành trình tìm lại sự cân bằng. Cô luôn khuyến khích học viên tập luyện theo sức của mình, đặt tâm vào hơi thở và cảm nhận từng động tác.

 Lớp học cũng dần ổn định với khoảng 50-60 học viên. Nhiều người đã cải thiện được bệnh lý như huyết áp cao, thoái hóa đốt sống, đau lưng, hoặc giấc ngủ không tốt. Một số người tìm đến yoga khi gặp khó khăn về tinh thần như áp lực công việc, gia đình không hạnh phúc, và yoga đã giúp họ phục hồi cả sức khỏe lẫn tinh thần.

Lớp Yoga của cô cũng thu hút rất nhiều học viên nhí

Lan tỏa An Nhiên từ Yoga đến đời sống

Nhóm Thiện nguyện An Nhiên được thành lập từ năm 2022. Ý tưởng này được cô ấp ủ từ lâu nhưng chưa thực hiện được vì một mình không đủ sức. Một lần đi chùa cùng một học viên, cô có chia sẻ nguyện vọng là muốn thành lập một nhóm thiện nguyện để những người sinh hoạt ở các lớp Yoga có thể tham gia và chia sẻ đến những người có hoàn cảnh khó khăn ở xung quanh, và bạn đó đã động viên cô nên bắt đầu, các bạn luôn ủng hộ và đồng hành.

Ban đầu, gần như toàn bộ học viên của lớp Yoga đều tham gia. Mọi người đóng góp tùy tâm, có người 50 nghìn, 100 nghìn, có người đóng góp hiện vật như gạo, nước suối, hay trứng. Trong gần 2 năm qua, nhóm hoạt động rất đều đặn, nhất là vào các dịp Tết. Nhóm đã hỗ trợ nhiều trường hợp khó khăn, từ việc cấp thuốc, khám bệnh, đến hỗ trợ khẩn cấp. Với những trường hợp cần hỗ trợ đặc biệt, nhóm sẽ vận động thêm từ cộng đồng để đảm bảo giúp đỡ kịp thời.

Dẫu bận rộn với gia đình, công việc, và đôi khi kiệt sức, cô và mọi người vẫn không bỏ cuộc. 

Những món quà "của nhà trồng được" do học viên mang đến để đóng góp cho hoạt động của nhóm thiện nguyện 

Mỗi tháng nhóm sẽ phát cố định 10 phần quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn, sẽ tùy vào tình hình và khả năng đóng góp của nhóm mà các phần quà sẽ được cân đối cho phù hợp

Hàng tháng, nhóm chuẩn bị các phần quà để trao tặng cho lao động nghèo, người bán vé số, hoặc những người khuyết tật, người đi lấy ve chai... Cô và các học viên thường đích thân mang quà đến từng nơi, tận tay trao cho những người cần giúp đỡ. Dù là món quà nhỏ, nhưng cũng có nhiều người bật khóc vì đôi lúc 1 vỉ trứng, vài ký gạo được tính bằng nhiều buổi tối đi lấy ve chai, bán vé số hoặc đi làm thuê của mình thì đó là một phần quà vô cùng giá trị. "Có nhiều người ban ngày phải chăm con, chăm sóc người nhà bị bệnh, tối là thời gian nghỉ ngơi của nhiều người, thì lúc đó mới là thời điểm để họ ra đường mưu sinh". - Cô Hạnh hồi tưởng về những mảnh đời mà mình từng gặp trong quá trình làm thiện nguyện.

Lắm lúc cũng có những trường hợp bất ngờ như có người cần hỗ trợ gấp, ma chay, cấp cứu, trong những trường hợp đó nếu đã xác minh được thông tin, cô sẽ giúp đỡ trong khả năng hoặc vận động mọi người chung tay giúp đỡ. 

Cô nói: "Thiện nguyện không nhất thiết phải là tiền bạc hay vật chất. Đôi khi, chỉ cần ngồi lắng nghe câu chuyện của ai đó, nghe họ trải lòng và cho họ một lời khuyên cũng đã là một cách giúp đời, trao cho họ ánh mắt, nụ cười để họ tự tin hơn trong cuộc sống với đầy những khó khăn phía trước. Miễn là còn sức, còn thở, tôi sẽ còn làm". Những câu chuyện này, những nụ cười và sự xúc động của những người nhận được sự giúp đỡ, đó là điều khiến cô hạnh phúc nhất.

Người nhận quà thường là những cô bác lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhưng vẫn phải vất vả mưu sinh

Dẫu vậy, hành trình thiện nguyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. "Có người thực sự cần, nhưng cũng có người chỉ muốn lợi dụng sự giúp đỡ. Chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ, ưu tiên những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn," cô chia sẻ.

Đối với cô Hạnh, Yoga không chỉ giúp mình khỏe mạnh, mà còn là cách để giúp đời. Mỗi buổi tập, mỗi phần quà trao đi đều mang trong đó thông điệp yêu thương, rằng cuộc sống này sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi ta biết chia sẻ và đồng hành cùng nhau.

Yoga An Nhiên – không chỉ giúp mình, mà còn giúp đời thêm an vui.


Tag: