VĂN HÓA

10 nhà môi trường học là nữ truyền cảm hứng toàn cầu

Quyên Hà • 08-10-2020 • Lượt xem: 3005
10 nhà môi trường học là nữ truyền cảm hứng toàn cầu

Trên khắp thế giới, phụ nữ đang đóng vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng vì môi trường. Cho dù là thám hiểm đại dương hay bảo vệ sông Amazon, những người phụ nữ dũng cảm đang dẫn đầu những lực lượng thay đổi hiện trạng. 

Sau đây là danh sách những người phụ nữ truyền cảm hứng nhất mọi thời đại, tất cả đều đang chiến đấu vì công lý cho môi trường.

1.Jane Goodall

Jane Goodall nổi tiếng với tình yêu to lớn của bà dành cho loài tinh tinh và nhiều năm nghiên cứu thực địa về giống loài này. Vào tháng 7 năm 1960, bà đã chuyển từ Anh tới Tanzania với mục đích khám phá những bí ẩn về tinh tinh.

Cách tiếp cận độc đáo của những nghiên cứu do bà tiến hành đã biến đổi mối quan hệ vốn có giữa con người và động vật.

Vào năm 1977, Jane đã thành lập Học viện Jane Goodall, nơi nối gót những nghiên cứu của bà trên khắp thế giới.

Bà cũng thành lập tổ chức Jane Goodall’s Roots and Shoots nhằm trao quyền cho giới trẻ mọi độ tuổi tìm kiếm sự giúp đỡ của những người bạn đồng trang lứa và theo đuổi đam mê của chính mình.

Những năm gần đây, Jane đi khắp thế giới để thuyết trình về những vấn đề môi trường và khuyến khích giới trẻ hành động vì tương lai của hành tinh.

2.Sylvia Earle

Sylvia Earle là người tiên phong trong cuộc vận động thám hiểm đại dương. Earle đã dành hơn 6000 giờ dưới nước và là một trong những nhà thám hiểm dưới nước đầu tiên dùng dụng cụ lặn.

Sau khi đoạt được giải thưởng TED vào năm 2009, Earle đã sáng lập Mission Blue, một tổ chức với mục đích thành lập những vùng đại dương được bảo vệ mang tên Hope Spots.

Những nghiên cứu không ngừng của Earle tạo ra những hiểu biết sâu sắc hơn về các vùng đại dương trên thế giới và cách chúng nên được bảo vệ.  

“Hãy cầm lên một cái gương và hỏi bản thân xem có điều gì bạn có thể làm được, và điều gì bạn thực sự quan tâm tới. Sau đó hãy đi những bước tiên phong, đừng chờ ai đó yêu cầu bạn hành động” là một câu nói đầy nhiệt huyết của Sylvia Earle.

3.Wangari Maathai

Wangari Maathai đã làm việc không mệt mỏi để bảo tồn đất đai và quyền phụ nữ. Cô là nhà sáng lập của Green Belt Movement, một tổ chức với sứ mệnh bảo vệ môi trường và quyền phụ nữ, tại quê hương của cô là Kenya.

Những nỗ lực của Wangari đã được nhiều lãnh đạo thế giới tôn vinh. Cô được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 2004 vì những đóng góp của mình cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình.

4.Rachel Carson

Rachel Carson là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Silent Spring hay Mùa xuân lặng lẽ, trong đó bà phơi bày những thông tin sai lệch lan do ngành công nghiệp hóa chất phát tán, đặc biệt là về việc sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp và DDT.

Cuốn sách này đã góp phần không nhỏ thúc đẩy cuộc cách mạng vì môi trường. Chủ đề xuyên suốt của cuốn sách những tác động tiêu cực mang tính chỉ huy độc đoán mà con người đã và đang gây ra cho thế giới tự nhiên.

Tác phẩm để đời của Carson đã dẫn tới sự ra đời của Cơ quan bảo vệ môi trường tại Mỹ dưới thời tổng thống Nixon và khơi nguồn cho những cuộc thảo luận xoay quanh tác động của con người tới môi trường.

5.Vandana Shiva

Vandana Shiva là một nhà môi trường học người Ấn Độ, người đã dành phần lớn cuộc đời đấu tranh cho đa dạng sinh học.

Năm 1991, bà đã sáng lập ra Navdanya, một viện nghiên cứu có sứ mệnh bảo vệ sự đa dạng và tính nguyên vẹn của hạt giống bản địa, cũng như thúc đẩy các hoạt động giao thương công bằng.

Mục tiêu chính của viện nghiên cứu này là xác định những vấn đề môi trường cũng như những vấn đề công bằng xã hội nổi trội trong thời điểm hiện tại.

6.Isatou Ceesay

Isatou Ceesay còn được biết đến dưới cái tên “Nữ hoàng tái chế”. Bà là nhà hoạt động môi trường người Gambia, là người khởi đầu cuộc vận động tái chế One Plastic Bag (Một chiếc túi nilong) tại Gambia.

Ceesay đã có những nỗ lực giáo dục công dân về tái chế và giảm thiểu lượng rác thải hàng ngày. Bà đã sáng lập một dự án sản xuất sợi nhựa và túi xách từ rác tái sử dụng.

Dự án của bà không chỉ giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra từ ngôi làng mà còn tạo công văn việc làm cho hàng trăm phụ nữ Tây Phi, cho họ môt nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

7.May Boeve

May Boeve là đồng sáng lập của website 350.org, một tổ chức được thành lập với mục đích chống lại thay đổi khí hậu, bằng cách kết nối những nhà lãnh đạo trên khắp thế giới.

Mục tiêu của tổ chức này là giảm thiểu lượng cacbon điôxít trong khí quyển tới mức mà hiện tượng nóng lên toàn cầu không còn nguy hiểm như dự đoán.

Tổ chức của bà nhắm thẳng đến cội nguồn của vấn đề: ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.

Bằng cách hạn chế quyền lực của bản thân ngành công nghiệp này, bà và cộng sự hi vọng có thể đối chất với chính phủ về việc cắt giảm lượng khí thải cacbon điôxít.

8.Marina Silva

Marina Silva là một chiến binh bảo vệ rừng mưa Amazon của Brazil. Silvaa là đồng nghiệp của Chico Mendes, người bị ám sát trong cuộc chiến bảo vệ rừng mưa năm 1988.

Bà và Mendes đã dẫn đầu những cuộc biểu tình năm 1980 nhằm bảo vệ rừng mưa khỏi sự điều khiển của chính phủ.

Sau vụ ám sát Mendes, Silva đã trở thành nhà chính trị chiến đấu cho sứ mệnh bảo vệ thiên nhiên, phát triển bền vững và công bằng xã hội.

Tỷ lệ phá rừng đã giảm 59% từ năm 2004 đến năm 2007, trong thời gian Silvia tham gia sự nghiệp chính trị.

9.Greta Thunberg

Greta Thunberg là nhà hoạt động môi trường học 17 tuổi từ Thụy Điển, người đã trở nên nổi tiếng thế giới một cách bất ngờ sau cuộc vận động Fridays for Future – Những ngày thứ 6 vì tương lai.

Greta nổi tiếng với những hoạt động xã hội xoay quanh khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Cô đã chất vấn lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn kinh tế thế giới, Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc và Ủy ban Hạ Viện Hoa Kỳ về vấn đề Khủng hoảng Khí hậu.

“Hiệu ứng Greta” đã truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động môi trường trẻ trên khắp thế giới và đã thu hút sự chú ý của công chúng tới cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

10.Vanessa Nakate

Vanessa Nakate là nhà hoạt động môi trường 23 tuổi đến từ Uganda. Vanessa được biết đến rộng rãi nhờ những cuộc biểu tình của cô bên ngoài Quốc hội Uganda nhằm thu hút sự chú ý tới hiện tượng nhiệt độ tăng cao tại nước này.

Cô đã tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới 2020 tại Davos cùng các nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi khác.

Sau khi hình ảnh của cô bị cắt khỏi tấm hình chụp chung với các nhà hoạt động khác, Vanessa đã lên tiếng, thu hút sự chú ý tới tầm quan trọng của việc khuếch đại tiếng nói từ phía nam đại cầu và lục địa Châu Phi trong hoạt động khí hậu.

Điểm kết nối của tất cả những người phụ nữ truyền cảm hứng này là họ đều có niềm tin vào những ảnh thưởng họ có thể tạo ra. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của bạn trong vai trò một công dân, vì bạn hoàn toàn có thể tạo ra thay đổi trong cộng đồng của chính mình.

Hãy can đảm, dũng cảm, nhiệt huyết. Mong rằng những người phụ nữ vĩ đại đã đặt những nền móng tiên phong cho cuộc chiến bảo vệ môi trường sẽ là nguồn cảm hứng và động lực cho hành động của bạn.