Mỗi người thường mắc cảm hoặc cúm 2 - 3 lần mỗi năm, thậm chí mắc nhiều lần hơn nếu ta chủ quan. Nhưng may mắn là tất cả đều có thể phòng ngừa, và cách phòng ngừa lại vô cùng đơn giản. Sau đây hãy cùng điểm qua 13 thói quen giúp các bác sĩ - những người làm việc trong môi trường dễ mắc bệnh - giữ cho hệ miễn dịch của họ khỏe mạnh.
Tập thể dục
Bác sĩ Prianka Chawla (trung tâm y tế Tufts) chia sẻ: “Với tôi, tập thể dục thường xuyên là liều thuốc tốt nhất. Tôi thích tập thể dục theo nhóm để tăng kết nối cộng đồng cũng như loại hình thể dục tập được bất cứ lúc nào. Đi bộ là tốt nhất”.
Theo bác sĩ Shane Davis – đồng nghiệp của bà Chawla: “Người tập thể dục từ nhẹ đến vừa phải thường xuyên có nguy cơ mắc cảm và nhiễm trùng thấp hơn”.
Bác sĩ Cory Fisher (phòng khám Cleveland) cũng ưu tiên tập thể dục. Ông cố gắng tập thể dục 45 - 60 phút mỗi ngày, kết hợp rèn luyện tim mạch lẫn sức bền.
Đeo khẩu trang khi dùng phương tiện công cộng
Do thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh đặc biệt là vi rút gây bệnh đường hô hấp, bác sĩ gần như luôn đeo khẩu trang khi làm việc. Thậm chí bác sĩ Jeremy Blanchard (Trung tâm y tế Irving) còn tập thành thói quen đeo khẩu trang khi dùng phương tiện công cộng.
Ông chia sẻ: “Bệnh do vi rút có xu hướng lưu hành quanh năm mặc dù ở mức độ thấp. Để giảm nguy cơ mắc bệnh tôi đeo khẩu trang lúc đi xe buýt, tàu hỏa hoặc tàu điện ngầm, đặc biệt lúc đông đúc”.
Bác sĩ Chawla cũng đeo khẩu trang lúc đi máy bay bất kể mùa nào, qua đó giảm nguy cơ bị người lạ lây bệnh.
Theo dõi mức độ lây nhiễm trong cộng đồng
Bác sĩ Fisher theo dõi mức độ lây nhiễm cúm và cảm trong cộng đồng. Nếu số ca mắc tăng cao ông sẽ đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Thông tin cùng cảnh bảo về tình hình bệnh thường được giới chức y tế địa phương cập nhật định kỳ.
Ngủ đủ
Theo bác sĩ Fisher: “Ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Nếu không ngủ đủ và bị suy nhược, bạn không chỉ khó chống chọi bệnh tật mà còn khó thức dậy để tập thể dục”.
Bác sĩ Chawla khuyến nghị nên thiết lập thời gian đi ngủ và thức dậy cố định, đồng thời tăng cường chất lượng giấc ngủ bằng cách vận động thường xuyên, thưởng thức cà phê vào buổi sáng, hạn chế đồ uống có cồn, tách thời gian sử dụng màn hình khỏi thời gian đi ngủ.
Kiểm soát căng thẳng
Bác sĩ Chawla cho biết: “Căng thẳng là một phần của cuộc sống hàng ngày, mức độ thích hợp giúp chúng ta hoàn thành mọi việc. Nhưng căng thẳng dai dẳng hay không rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, khiến ta dễ bị cảm hơn”.
Giữa sức khỏe thể chất với cảm xúc có mối liên hệ chặt chẽ. Ăn uống đúng cách, tập thể dục, ngủ có giờ giấc sẽ góp phần kiểm soát căng thẳng.
Ưu tiên dinh dưỡng và nước
Dinh dưỡng là “công cụ” quan trọng nếu muốn tránh mắc bệnh. Bác sĩ Chawla thường ưu tiên rau (đặc biệt rau màu xanh đậm) cùng trái cây chứa nhiều vitamin và chất xơ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, protein. Tất nhiên không thể thiếu uống nhiều nước.
Bổ sung kẽm
Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn chỉ ra loại vitamin hay khoáng chất cụ thể nào có thể ngăn ngừa bệnh tật, nhưng kẽm quả thực giúp làm dịu cơn cảm lạnh. Bác sĩ Clement S.Rose (bệnh viện Weiss Memorial) luôn uống một viên kẽm ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Một số nghiên cứu xác định chất này rút ngắn thời gian cảm.
Rửa tay
Rửa tay là một trong số biện pháp quan trọng nhất để ngăn dịch bệnh lây lan. Một biện pháp dễ thực hiện nhưng vô cùng hiệu quả.
Bác sĩ Chawla khuyến nghị nên rửa tay sau khi chạm vào bề mặt nhiều người đụng đến như tay nắm cửa, bắt tay người khác, hắt hơi vào ho dùng tay che lại, trước lúc chế biến thực phẩm, sau khi chạm vào mặt.
Rửa bằng xà phòng cùng nước hay bằng chất khử khuẩn đều được. Xà phòng cùng nước loại bỏ mầm bệnh hiệu quả hơn cũng như làm sạch được phần dưới móng tay. Chất khử khuẩn có khả năng làm khô da.
Tránh chạm vào mặt
Rất nhiều vi khuẩn lây lan qua tiếp xúc bằng tay. Mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào hệ hô hấp nếu bám lên mặt.
Không ăn trên bàn làm việc
Ăn trên bàn làm việc tạo điều kiện cho vi khuẩn bám trên bàn phím, điện thoại hay bất cứ vật dụng nào khác thâm nhập cơ thể. Vì vậy hãy tránh xa bàn làm việc lúc ăn và nhớ rửa tay trước khi dùng bữa.
Đóng cửa
Người làm việc văn phòng không thể tránh tiếp xúc với người khác, nhưng đóng cửa phòng nếu có thể góp phần hạn chế lây lan mầm bệnh.
Ở nhà nghỉ ngơi lúc bệnh
Ở nhà giúp rút ngắn thời gian cảm hoặc cúm. Cơ thể cần nghỉ ngơi để chống lại mầm bệnh và khỏe mạnh trở lại. Trong thời gian nghỉ ngơi, ưu tiên dinh dưỡng, uống nước, ngủ đủ giấc dễ thực hiện hơn nhiều.
Ngoài ra, ở nhà cũng giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho người khác lẫn rủi ro mắc thêm bệnh khác.