VĂN HÓA

3 cuốn sách hay về 'Giấc mơ Mỹ'

Anh Tuấn • 15-05-2023 • Lượt xem: 2783
3 cuốn sách hay về 'Giấc mơ Mỹ'

Những ngày gần đây, khi các chính sách về việc nhập cư vào Mỹ có sự thay đổi, thì hàng nghìn người đã đến biên giới nước này để tìm cho mình một tia hy vọng, bởi vì sợ rằng sau này sẽ khó khăn hơn, từ đó ta có thể thấy “giấc mơ Mỹ” chưa khi nào là dễ. Nhiều tiểu thuyết cũng đã khắc họa về đề tài này trong các tác phẩm.

Bình yên nước Mỹ - Philip Roth

Đoạt giải Pulitzer 1998, “Bình yên nước Mỹ” là một trong những tác phẩm quan trọng và sâu sắc nhất của Philip Roth – bậc thầy tiểu thuyết nước Mỹ. Lấy trọng tâm phong trào phản chiến những năm 1970 với chiến tranh Việt Nam, tác phẩm này đã khám phá lại những mâu thuẫn gia đình, các bất ổn xã hội cũng như đi sâu vào lớp bề mặt của các “giá trị Mỹ” vốn luôn hào nhoáng. Từ đó cho thấy những sự mong manh của kỳ vọng, và chủng tộc người luôn luôn bất an dẫu qua bao năm tháng dài của dòng lịch sử.

Tác phẩm xoay quanh nhân vật Seymour "Swede" Levov, một doanh nhân thành đạt, một người cha nghiêm túc, và cũng là người tưởng như đã có tất cả. Lớn lên với gốc gác Do Thái, anh đã thừa kế bài học phải luôn xuất sắc cũng như tỏa sáng. Tuy vậy khi cô con gái Merry đánh bom một tiệm tạp hóa, khiến nhiều người chết cũng như bị thương trong phong trào phản chiến, thì chiếc mặt nạ từng lớp từng lớp… đã được gỡ xuống.

 

Trong quá trình vỡ mộng ấy, anh đã khám phá ra sự tuyệt vọng dưới lớp bề mặt, về ý nghĩa thực của cuộc sống này, cũng như cốt lõi của sự trốn chạy… Từ đó anh nhận ra rằng hào quang, danh tiếng… đã kéo đời mình sang một hướng đi hoàn toàn khác biệt. Sinh ra đã ngậm thìa vàng, thế nhưng cho đến cuối cùng Seymour bỗng nhận ra mình không có gì cả trong cõi đời này, và những đau đớn ngày càng dày hơn.

Là một nhà văn gốc gác Do Thái, Philip Roth cũng đã tiến hành một cuộc tiểu phẫu mà đối tượng chính là cộng đồng của mình, để thấy đằng sâu tiềm thức bị ám ảnh, diệt chủng, làm hại… luôn là đời sống bấp bênh và đầy biến động xuôi theo thời cuộc. Bằng giọng văn chiêm nghiệm và những nghiên cứu cực kỳ chi tiết, "Bình yên nước Mỹ" là một tác phẩm lớn, tinh vi và đầy lên xuống theo dòng chìm nổi.

Những cuộc đào tẩu ngoạn mục của Kavalier và Clay – Michael Chabon

Được đánh giá là “nhà tạo mẫu văn xuôi kỳ diệu” với “phong cách sống động, hoài niệm về những phương thức kể chuyện xưa cũ và sự đồng cảm sâu sắc đối với hoàn cảnh khó khăn của con người”, Michael Chabon qua cuốn tiểu thuyết "Những cuộc đào tẩu ngoạn mục của Kavalier và Clay" đã cung cấp cho độc giả một chuyến phiêu lưu của những lần “vượt rào”, từ đó đi tìm tự do, ý nghĩa cuộc sống… cũng như khao khát vốn dĩ giản đơn nhưng khó đoạt được, khi con người ta muốn được là mình.

Tiểu thuyết xoay quanh hai thanh niên trẻ Josef Kavalier và Samuel Clay trên hành trình trưởng thành của họ. Trong khi Sammy bị tật một chân và bố bỏ đi từ ngày thơ ấu, thì Joe đến Mỹ trong chuyến hành trình của sự trốn tránh từ nơi Praha, khi Đệ tam đế chế đang dần bao phủ hết mọi vùng đất. Họ đã gặp nhau và cùng hợp tác để bổ sung, điền khuyết… cũng như tương trợ để tìm đến được hạnh phúc, khi họ dần được yêu thương và cứu gia đình khỏi nạn diệt chủng.

Nhưng họ phải làm sao đây, khi chỉ chưa đầy 20 và phải đối đầu với một thế lực còn lớn hơn thế? Bằng một loại hình đã làm khuynh đảo giới trẻ nhiều thập kỷ trước, Michael Chabon đã tái hiện lại giai đoạn đỉnh điểm của truyện tranh, với các Siêu Anh Hùng, Người Thoát Thân, Kẻ Hủy Diệt… để từ nơi đó những chàng thanh niên được bày tỏ mình, qua những trận đánh giành lại chính nghĩa phía trên mặt báo. Có thể là họ không có đủ sức, thế nhưng chính những suy tư cũng như nét vẽ đã thay họ làm điều đó, một cách tuyệt vời và trân trọng hơn.

Bằng một giọng văn đa thanh, khi hài hước, khi lãng mạn nhưng cũng có lúc vô cùng đau đớn, Michael Chabon đã vẽ nên cuộc hành trình của hai chàng trai, nhưng cũng là của hai người hoàn toàn bên lề, là những nạn nhân của định kiến, chiến tranh và ngục tù. Chiến thắng giải Pulitzer năm 2000, đây là tác phẩm sống động cũng như đậm tính phiêu lưu của một trong những nhà văn ấn tượng nhất nước Mỹ.

Bụi đường di dân – Jeannie Cummins

Từng gây được tiếng vang lớn khi xuất bản ở Mỹ vào năm 2017, "Bụi đường di dân" là một tác phẩm dành cho mọi người: những di dân trốn chạy, những con người tìm vùng đất mới, cũng như là những cá thể rơi vào đường cụt – nơi họ không thể tiến lên và cũng không thể dừng lại cho dù là theo phương cách nào. Giấc mơ Mỹ của họ giờ đây là sự ao ước một chốn an toàn, một nơi để tất cả mọi người được sống thoải mái mà không sợ hãi, lo lắng hay bất an.

Tiểu thuyết xoay quanh Lidya và con trai cô Luca, khi hai người họ đã may mắn thoát chết thần kì trong một ngày lễ ở gia đình mình, khi 16 người trong đại gia đình của cô đã bị sát hại một cách dã man. Đó là hệ lụy của những băng đảng ma túy và bạo lực ở Mexico, với việc trả thù cho một bài báo mà chồng của Lidya đã dũng cảm đứng lên vạch trần.

Trải qua suốt gần 2 tháng và hơn 4.200 trăm dặm đường trên những tàu hỏa, xe van, đi bộ cũng như băng qua sa mạc... Họ đã thành công đến với nước Mỹ bằng sự dang tay cũng như che chở của tính nhân đạo. Tuy vậy đằng sau của họ vẫn là hàng ngàn hàng vạn nạn nhân vẫn đang trong cơn bức tử, của bạo lực, nghèo đói, bất công, tệ nạn cũng như những sự xuống cấp về mặt nhân tính.

Cuốn tiểu thuyết này không chỉ là một bức tranh toàn cảnh về Mexico của ngày hiện tại, mà còn cho thấy giá trị nhân văn dẫu ở thời nào thì vẫn hiển hiện. Để thông qua đó, sức mạnh ý chí, tình mẫu tử cũng được ca ngợi, làm nên ánh sáng trong những đường hầm không có lối ra.