VĂN HÓA

4 cách dễ dàng hình thành thói quen đọc sách cho người bận rộn

Cẩm Chi • 11-12-2022 • Lượt xem: 817
4 cách dễ dàng hình thành thói quen đọc sách cho người bận rộn

Đọc sách chính là một trong những loại hình đầu tư có hiệu suất sinh lời tốt nhất từ xưa đến nay. Hầu như tất cả tỷ phú trên thế giới đều ca ngợi việc đọc sách. Hơn thế nữa, chi phí để đầu tư cho việc này cực thấp (chỉ tốn thời gian, tài chính không đáng kể). Và ai cũng có thể hình thành được thói quen “siêu ích lợi” này với 4 cách đơn giản sau.

Chọn quyển sách yêu thích 

Khi muốn tìm hiểu một lãnh vực mới, hãy chọn phần yêu thích để bắt đầu. Và đọc sách cũng vậy. Đầu tiên hãy chọn lãnh vực bạn muốn đọc và xác định lý do vì sao cần phải làm điều này. Ví dụ bạn đang muốn đầu tư cổ phiếu thì cần phải tìm loại sách về chủ đề này. Lý do càng thuyết phục thì bạn càng có động lực để bắt đầu.

Một khi xác định được lãnh vực sách cần đọc rồi thì việc tiếp theo chính là mua quyển sách đầu tiên. Cách tốt nhất là hãy đến nhà sách (hay thư viện), nơi mà có nhiều tác phẩm cùng thể loại. Bạn có thể đọc thử lần lượt để tìm ra quyển sách phù hợp với bản thân. Nó không nhất thiết phải là “best seller”, không nhất thiết phải quá nổi tiếng. Điều quan trọng là bạn đọc thử một vài chương đầu và hiểu được nội dung sách truyền tải là gì. Hãy chọn nó để bắt đầu.

Hãy chọn một quyển sách duy nhất. Mua quá nhiều sách cùng lúc chỉ khiến bạn tốn tiền và xao nhãng, không thể tập trung hoàn thành một quyển sách được.

Lưu ý có một thể loại sách không nên chọn để bắt đầu. Đó chính là truyện: tiểu thuyết, ngôn tình, truyện tranh... Vì tuy nó có nội dung cuốn hút, thế nhưng lợi ích về mặt kiến thức của “truyện” mang lại thực sự rất khiêm tốn. Đọc để giải trí thì được, thế nhưng không thể nâng tầm bản thân.

Kiến tha lâu đầy tổ

Cách tốt nhất để thực hiện một công việc đó chính là chia thành nhiều bước nhỏ và xử lý lần lượt. Đọc sách cũng vậy. Một quyển sách viết tốt là sách có mục lục, phân chia thành các chương, trong từng chương lại được chia thành nhiều đầu mục nhỏ. Và thông thường, một đầu mục nhỏ như vậy chỉ khoảng vài trang.

Hãy cố gắng mỗi ngày đọc hết một đề mục nhỏ này.

Thậm chí một đề mục nhỏ cũng hoàn toàn có thể chia ra để hoàn thành chứ không nhất thiết phải đọc hết một lượt. Sáng đọc một vài trang trước khi vào làm, trưa đọc tiếp vài trang sau khi ăn xong, chiều tan tầm nán lại văn phòng 5-10 phút để hoàn tất nốt vài trang cuối.

Như vậy, một quyển sách có khoảng 300 trang thì chỉ mất hai, ba tháng là đọc xong. Đây là một tốc độ rất nhanh cho người mới bắt đầu. Trước đây một năm bạn không đọc được trọn vẹn quyển sách nào. Giờ đây nếu kiên trì làm theo kế hoạch này thì một năm bạn có thể đọc được ít nhất 5 quyển sách cùng một chủ đề. Đó là lượng kiến thức khổng lồ mà trước đây bạn nằm mơ mới có được.

Hình thành thói quen đọc sách gắn liền với không gian và thời gian

Thời gian và không gian là hai yếu tố phụ trợ quan trọng để hình thành một thói quen. Nhiều người sẽ có thói quen ăn trưa ở một quán quen thuộc, hay đi du lịch đến một nơi nhất định mỗi năm, hoặc tối trước khi đi ngủ phải uống một ly sữa... Hầu hết những thói quen của con người đều gắn liền với (một trong hai, hoặc cả hai) yếu tố thời gian và không gian.

Không gian yên tĩnh là hoàn cảnh thuận lợi cho việc đọc sách.

Vì vậy, để hình thành thói quen đọc sách hãy gắn hai yếu tố trên cho nó: đặt đồng hồ nhắc nhở đến giờ đọc sách, chọn một không gian thoải mái để đọc sách (công viên, sân thượng, hay phòng ngủ... miễn bạn thích). Dĩ nhiên có người có thể đọc sách bất cứ khi nào có thời gian rảnh ở bất kỳ địa điểm nào cũng được. Thế nhưng trong giai đoạn mới bắt đầu thì điều này là không thể. Hãy tạo ra những điều kiện thoải mái để bạn có thể bắt đầu đọc quyển sách đầu tiên.

Viết ghi chú

Nhiều người đã cố gắng đọc sách thế nhưng dần dần từ bỏ vì cảm thấy không hiệu quả. Họ không nhớ được nội dung những quyển sách đã đọc, từ đó cảm thấy việc này không giúp ích gì được cho bản thân. Thực ra, đây là một việc hoàn toàn có thể lý giải được. Khi đi học, nghe thầy cô giảng bài thì bạn phải ghi chép và ôn tập thì mới có thể ghi nhớ kiến thức.

Đọc sách cũng vậy. Nếu không “ôn tập” lại thì trí não sẽ dễ dàng quên sạch những gì nó đọc được trong ngày (dĩ nhiên trừ những thiên tài về trí nhớ thì không đề cập đến ở đây).

Vì vậy hãy ghi chú lại những điều quan trọng sau khi đọc sách.

Sau mỗi đề mục nhỏ, hay tốt nhất vào cuối ngày, hãy ghi chú lại những nội dung đã đọc được. Nó không nhất thiết phải là một “bài văn” hoàn chỉnh mà chỉ cần là những “keywords” hay các gạch đầu dòng thôi là đủ. Không quan trọng hình thức là gì, bạn có thể ghi trên giấy, trên máy tính, trên lề trang sách, hay thậm chí làm podcast đăng lên mạng xã hội... Việc này giúp não bộ ghi nhớ phần cốt lõi trong các trang sách đã đọc được. Đồng thời nó cũng giúp bạn thấy được hiệu quả của việc đọc sách để kiên trì tập luyện thói quen này.

4 cách thức trên sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trong việc đọc sách, một thói quen giúp ích cho sự phát triển bản thân. Hãy kiên trì thực hiện một thời gian và bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.