Bộ văn hóa, thể thao và du lịch công bố 5 di tích vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 1649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá
Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá nằm trên địa bàn thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai gồm 12 di tích Gò Đá ở phường An Bình và 12 di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Các di tích Rộc Tưng phân bố trên nhiều địa hình khách nhau ven bờ sông Ba. Trong khu vực này đã phát hiện được 14 địa điểm có di tồn văn hóa của người nguyên thủy được đặt tên theo thứ tự phát hiện là Rộc Tưng 1 đến Rộc Tưng 14. Bốn địa điểm đã được khai quật là Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 các điểm địa còn lại mới đào thám sát.
Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá
Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 13 này là tin vui của nhân dân tỉnh Gia Lai, giới khoa học khảo cổ, mở ra một triển vọng mới trong qui hoạch phát triển văn hóa du lịch bền vững ở An Khê trong con đường hội nhập và phát triển.
Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh
Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh nằm trên địa bàn thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Văn hóa Sa Huỳnh là 1 trong 3 di sản văn hóa nổi tiếng thế giới của Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và Óc Eo
Nền văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909 được lấy tên địa danh Sa Huỳnh để đặt tên cho nền văn hóa này.
Khu di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh
Năm 1997, khu di tích khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh được Bộ văn hóa, thể thao và du lịch xếp hạng di tích quốc gia với hai khu vực được bảo vệ là Phú Khương và Gò Ma Vương ở xã Phổ Thạnh và Phổ Khánh.
Ngày 30/12/2022 được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt gồm có 6 điểm ở thị xã Đức Phổ là: di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), Thạnh Đức, Phú Khương, quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê và lạch An Khê - sông Cửa Lỗ.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh
Đình Hương Canh thuộc thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, cách trung tâm tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 5km, nằm trong lõi trung tâm của huyện lỵ huyện Bình Xuyên, cách Hà Nội chừng 40km về phía tây bắc. Cụm di tích đình Hương Canh gồm đình Hương Canh, đình Tiên Canh và đình Ngọc Canh được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII có kiến trúc hình chữ Vương, đình gồm ba toà Tiền Tế, Trung Tế (Đại Đình) và Hậu Cung. Nghệ thuật kiến trúc của cụm di tích đình Hương Canh đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian với kỹ thuật chạm trổ tinh vi, điêu luyện, phác họa bức tranh đời sống sinh hoạt của người dân trong xã hội phong kiến xưa.
Cụm di tích Đình Hương Canh
Cả 3 ngôi đình thuộc cụm di tích đình Hương Canh đều thờ 6 vị Thành Hoàng làng là vua Ngô Xương Ngập, vua Ngô Xương Văn, tướng Đỗ Cảnh Thạc cùng 3 vị thánh mẫu là Linh Quang Thái hậu, Khả A Lã Nương Nương và Thị Tùng Phu Nhân.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự, tự hào từ đó tạo động lực để địa phương tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo của dân tộc.
Di tích lịch sử đền thờ vua Mai Hắc Đế
Di tích lịch sử Đền thờ vua Mai Hắc Đế nằm ở ven sông Lam, thuộc địa phận thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, thành Phố Vinh, Nghệ An. Khu di tích gồm có 3 di tích là đền Vua Mai Hắc Đế, mộ vua Mai Hắc Đế và mộ mẹ vua, ngoài ra còn có mộ vua Mai Thiếu Đế (con út của vua Mai Hắc Đế)
Đền thờ vua Mai Hắc Đế
Vua Mai Hắc Đế có tên húy là Mai Thúc Loan, quê tại Đông Liệt, nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là người có tài năng, chí lớn. Năm 713, Mai Thúc Loan đã vận động nhân dân, anh hùng hào kiệt nổi dậy chống lại ách đô hộ của nhà Đường, lập nên nhà nước Vạn An.
Mộ vua Mai Hắc Đế
Vua Mai Hắc Đế qua đời năm 723, khu lăng mộ của ông ở trong thung lũng núi Đụn rộng vài chục mẫu, ba mặt có núi bao quanh, ngoảnh mặt về hướng Đông, nhìn thẳng ra dòng sông Lam, ngôi mộ được xây theo kiểu "thượng miếu hạ mộ" (miếu ở trên, mộ ở dưới).
Khu lăng mộ vua Mai Hắc Đế
Di tích lịch sử đền thờ Vua Mai Hắc Đế đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và được tu sửa lại nhiều lần hiện nay đền có tổng diện tích xây dựng gần 7.000 m2 với nhiều hạng mục, trong đó, công trình tượng đài và quảng trường Vua Mai Hắc Đế tại khu du lịch biển Cửa Sót, được xây dựng trên diện tích 4,58ha.
Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Ấp Bắc
Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Ấp Bắc tọa lạc tại xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 21km về hướng tây. Đây là nơi diễn ra trận đánh ác liệt lớn nhất Miền Nam kể từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 2-1-1963, với 200 tay súng, quân và dân Ấp Bắc đã đánh bại hơn 2.000 quân địch có máy bay, xe tăng tàu chiến yểm trợ và cố vấn Mỹ chỉ huy. Chiến thắng Ấp Bắc đã đã bẻ gãy 2 chiến thuật tân kỳ mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh đặc biệt là "trực thăng vận" và "thiết xa vận" báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” mà đế quốc Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Khu di tích Ấp Bắc gồm 2 phân khu chức năng rộng lớn, khu vực 1 gồm có tượng đài, nhà mộ 3 chiến sĩ gang thép, 3 hồ sen lớn, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên với nhiều loại cây kiểng. Khu vực 2 gồm có nhà trưng bày hiện vật, hồ sen, quảng trường và công viên được trồng cây cảnh, những mô hình tái hiện cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật, biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy ở ngoài cánh đồng.
Ngày 7/1/1993 di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Ấp Bắc đã được Bộ văn hóa thông tin (nay là Bộ văn hóa thể thao và du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Ngày 30/12/2022 di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Ấp Bắc được xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia theo quyết định số 1649/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Đây là niềm tự hào lớn cho nhân dân xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang gìn giữ phát huy tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau.