VĂN HÓA

5 sai lầm khiến việc học ngoại ngữ của bạn mãi không tiến bộ

Minh Nhân • 14-11-2022 • Lượt xem: 761
5 sai lầm khiến việc học ngoại ngữ của bạn mãi không tiến bộ

Bắt đầu với một loại ngôn ngữ mới vốn là điều không hề dễ dàng và đòi hỏi người học cần có sự kiên trì không ngừng nghỉ cùng một phương pháp học tập đúng đắn. Nếu việc học ngoại ngữ của bạn đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn dậm chân tại chỗ thì có thể những sai lầm trong phương pháp tiếp cận đã ảnh hưởng đến quá trình học hỏi và tư duy của bạn.

Xem việc học như một quá trình bắt buộc
Nhiều người xem việc học ngoại ngữ như một loại bài tập bắt buộc được giao và cố ép bản thân phải gồng mình theo đuổi. Điều này vốn rất căng thẳng và khó lòng giúp chúng ta tiến bộ, gắn bó lâu dài với "người bạn mới" này được. Thay vào đó, nên xem việc học như một quá trình trau dồi, chiêm nghiệm bền bỉ và nghiêm túc.
Bạn không cần phải luôn luôn cặm cụi với giáo trình hay bài tập mà hoàn toàn có thể làm bất kỳ điều mình thích như xem phim, đọc báo, lướt web, viết blog,... miễn là nó liên quan đến ngoại ngữ bạn đang theo đuổi. Thay đổi cách tiếp cận với loại ngôn ngữ mới đôi khi là cách đơn giản mà hiệu quả nhất để chinh phục chúng.

Tạm quên cách diễn đạt của tiếng mẹ đẻ
Trước khi bắt đầu học một ngôn ngữ nào, bạn nên biết rằng bản chất của từng hệ thống ngôn ngữ là khác nhau và thường có rất ít mối tương quan. Vì vậy, thói quen dịch từng từ một trong một câu sang ngôn ngữ khác chính là sai lầm phổ biến nhất mà bất kỳ người học nào cũng từng mắc phải. Việc dịch nghĩa từng từ sang tiếng mẹ đẻ mà không quan tâm đến từ loại, ngữ pháp, cấu trúc hay ý nghĩa tổng thể của cả câu chắc chắn sẽ khiến bạn đối mặt với những tình huống dở khóc cười khi dịch word-by-word như "No star where = Không sao đâu" hay "No table = Miễn bàn".

Lời khuyên của các chuyên gia dành cho trường hợp này là hãy bắt đầu như một trang giấy trắng khi đến với loại ngôn ngữ mới. Tạm gác hết những thói quen, kiểu mẫu diễn đạt quen thuộc của tiếng mẹ đẻ sẽ giúp bạn dễ dàng làm quen và thích nghi với loại ngoại ngữ khác hơn rất nhiều. Đặc biệt là trong trường hợp loại ngoại ngữ bạn đang chinh phục khác hoàn toàn ngữ hệ với ngôn ngữ mẹ đẻ bạn đang sử dụng.

Quá sa đà vào ngữ pháp
Theo kết quả của nhiều cuộc khảo sát, quá tập trung vào ngữ pháp là một trong những sai lầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp của học viên. Bởi trong giao tiếp thực tế, các cuộc hội thoại thường diễn ra rất nhanh và đòi hỏi sự phản xạ, tương tác liên tục. Việc quá sa đà vào câu cú và hệ thống ngữ pháp, bạn sẽ dễ rơi vào trường hợp nói chuyện ngập ngừng hoặc lúng túng.

Ngoài ra, một số câu nói bạn được học ở trường lại quá trang trọng, phức tạp, vốn không phù hợp với những buổi giao tiếp thông thường. Thay vào đó, hãy tập trung nhiều hơn vào nội dung bạn muốn truyền tải bởi suy cho cùng mục đích của giao tiếp vẫn là sự thấu hiểu lẫn nhau. Riêng về cấu trúc ngữ pháp, dù rất quan trọng nhưng trong quá trình sử dụng ngoại ngữ hằng ngày, kỹ năng này sẽ được liên tục trau dồi thông qua các hoạt động nghe, nói, đọc, viết.

Nói và nói nhiều hơn
Bản chất của việc học ngoại ngữ là bắt chước, nghĩa là hoạt động theo cơ chế lắng nghe người bản xứ phát âm và cố phát âm theo họ. Đừng ngần ngại xây dựng thói quen tập luyện nói nhiều hơn bởi đây là cơ hội hình thành phản xạ, tiếp thu thêm từ vựng mới cũng như rèn luyện những cấu trúc ngữ pháp cần thiết. Từ đó quá trình tư duy và diễn đạt những suy nghĩ của bạn bằng loại ngôn ngữ mới cũng trở nên lưu loát và dễ dàng hơn rất nhièu. 

Thời gian mới bắt đầu chắc chắn không tránh khỏi những lỗi sai, thậm chí là phát âm ngớ ngẫn. Tuy nhiên, đừng nản lòng và ngại mắc lỗi, bởi trong việc tiếp thu loại ngôn ngữ mới đây là điều hoàn toàn vô ích. Điều quan trọng nhất là sau mỗi sai lầm, bạn cần rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu trong những lần giao tiếp sau.