VĂN HÓA

54 dân tộc anh em tỏa sáng ở tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam

Thúy Vy • 19-11-2022 • Lượt xem: 852
54 dân tộc anh em tỏa sáng ở tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam

Tối ngày 18/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”. Các nụ cười rạng rỡ, những bộ trang phục truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Mông,... được những chàng trai, cô gái mang về thủ đô núi rừng phía Bắc để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước.

Tuần lễ  “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” là sự kiện thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, nhằm chào mừng Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). Đây là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc anh em, biểu dương những thành tựu của các dân tộc, gương sáng của cộng đồng các dân tộc cả nước, tôn vinh các hoạt động giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Trong buổi khai mạc, hình ảnh các cô gái Hà Nhì đen Lào Cai mặc trang phục truyền thống bằng sợi bông và nhuộm chàm đen tại buổi lễ đã gây nên sự ấn tượng khó phai trong lòng du khách đến tham gia. Nếu như chiếc khăn đội đầu nổi bật bởi bộ tóc giả đồ sộ thì chiếc áo của phụ nữ Hà Nhì đen được thêu hoa văn xanh trắng nổi bật. Cổ áo là phần dễ thấy nhất nên thường được may bằng một dải khác màu. Ngoài ra, phụ nữ Hà Nhì đen còn mặc yếm. Yếm càng đẹp càng thể hiện sự tinh tế và khéo léo của người tạo ra nó, tạo nên sự duyên dáng cho người mặc

Đó là một trong những trải nghiệm thú vị đối với du khách khi đến với Tuần lễ  “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm nay. Sự góp mặt của những trai xinh gái đẹp đến từ núi rừng đã làm cho không khí của ngày hội đại đoàn kết thêm vui tươi, sôi động qua phần trình diễn trang phục dân tộc thiểu số. Đây là những bông hoa xinh đẹp "trẩy hội" với mong muốn quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc mình đến với công chúng.

Đến với lễ hội năm nay, Lù Thị Mai (người dân tộc Thái) giới thiệu đến khán giả bộ trang phục truyền thống của bà Then ở Lai Châu. Trang phục của bà Then khác với trang phục của người Thái thông thường, bao gồm áo dài đen, mũ làm bằng sợi bông màu, ngoài ra còn có một chiếc quạt dùng khi làm lễ.

Tuần lễ năm nay có sự tham gia của 600 nghệ nhân, nhân dân đến từ 17 tỉnh, thành phía Bắc nhằm góp phần tôn vinh những giá trị, di sản văn hóa quý báu của 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam. 

Sự kiện năm nay kéo dài từ ngày 18 đến 23/11 với nhiều hoạt động hấp dẫn như tái hiện lại phiên chợ vùng cao, giải đấu vật, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc, mặc thử trang phục truyền thống hoặc tái hiện lễ hội cầu ngư của người dân Phú Yên…

Ngoài việc quảng bá văn hóa của mình, các cô gái Tuyên Quang còn tận dụng cơ hội để thử trang phục Khmer. Thêm vào đó, các nam nữ thanh niên dân tộc H'mông xanh ở Lào Cai trong trang phục truyền thống sặc sỡ khoe sắc trời. cũng khiến người xem phải mê mệt. Những gia đình có điều kiện kinh tế sẽ đeo vào cổ 2-3 sợi dây chuyền bạc để khẳng định sự giàu có của mình. Trang phục của người Mông xanh được làm từ vải lanh. Phụ nữ Mông trồng lanh, dệt vải, nhuộm chàm rồi thêu thùa, may vá bằng tay. Đặc biệt, phụ nữ Hmông Xanh còn có những chiếc xà cạp quấn quanh chân để giữ ấm, tránh cỏ nhọn khi đi làm nương, tránh muỗi rừng và vắt rừng.