ĐỜI SỐNG

8 phát minh thay đổi thế giới của người Nga

Dương • 15-08-2018 • Lượt xem: 1220
8 phát minh thay đổi thế giới của người Nga

Các nhà phát minh Nga đã biến đổi thế giới theo nghĩa đen, cho phép chúng ta tận hưởng những ưu việt của nền văn minh như máy bay, xe hơi, máy tính, truyền hình và cả sữa chua... Những phát minh mang tính cách mạng của họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. 

Đầu ghi băng hình

Alexander Poniatoff (hay còn được gọi là Poniatov), một học trò của Nikolay Zhukovsky, người được coi là “cha đẻ” của ngành hàng không Nga, khởi đầu sự nghiệp tại công ty Ampex ở Mỹ và làm việc tại đó vào những năm 1950.

Công ty đã thành công trong việc sản xuất máy ghi tín hiệu video đạt chuẩn đầu tiên. Ampex giữ vị trí dẫn đầu trong thị trường quay phim bằng băng từ chuyên nghiệp trong nửa thế kỷ và các “ông lớn” điện tử toàn cầu đã phải cần đến chiếc bằng sáng chế của Poniatoff để sản xuất thiết bị video gia đình.

Radio

Giáo sư vật lý Alexander Popov trong một giờ giảng tại Đại học St Petersburg, nước Nga vào tháng 4 năm 1885 đã công bố rằng ông đã phát minh ra một hệ thống truyền thông không dây và trình diễn bộ đài phát thanh đầu tiên trên thế giới.

Dù vậy, do lúc đó đang công tác trong ngành quân sự, ông đã không thể xuất bản tác phẩm của mình. Cùng thời điểm đó, kỹ sư điện người Ý Guglielmo Marconi đã tiến hành các thí nghiệm tương tự với một báo cáo được đăng báo vào năm 1897.

Không giống như Popov, sáng chế của Marconi đã được thương mại hóa nhanh chóng, vì vậy tại phương Tây vẫn tồn tại tranh luận về việc ai phát minh ra radio trước. 

Máy bay trực thăng 

Một nhà phát minh người Nga khác là Igor Sikorsky, người mà tiềm năng chỉ được phát hiện một cách đầy đủ ở nước ngoài. Năm 1910, ông đã tạo ra nguyên mẫu của một thiết bị chạy bằng rô-to có thể bốc lên khỏi mặt đất.

Năm 1912, ông tạo ra thủy phi cơ đầu tiên trên thế giới và sau đó là chiếc máy bay nhiều động cơ đầu tiên. Sau cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga, ông đã phải di cư sang Mỹ. Tại đây, với sự đóng góp của nhà soạn nhạc người Nga nổi tiếng Sergei Rachmaninoff, ông thành lập công ty riêng của mình dưới tên gọi Công ty Kỹ thuật Hàng không Sikorsky.

Chiếc máy bay trực thăng thử nghiệm đầu tiên của Sikorsky được thiết kế tại Mỹ cất cánh vào tháng 9 năm 1939. Thiết kế của chiếc máy này, được coi là thiết kế trực thăng cổ điển trong suốt hơn 50 năm qua, được sử dụng cho hầu hết 95% máy bay trực thăng được sản xuất trên khắp thế giới. Năm 1942, Sikorsky tạo ra một chiếc trực thăng hai chỗ ngồi.

Pin mặt trời 

Vào cuối những năm 1880, nhà vật lý người Nga Alexander Stoletov đã đưa ra một lý giải lý thuyết về hiệu ứng quang điện thông qua một loạt các thí nghiệm. Hiệu ứng quang điện tạo thành cơ sở cho việc sản xuất pin mặt trời, được sử dụng rộng rãi trong thực tế hiện nay.

Stoletov đã tạo ra pin mặt trời đầu tiên dựa trên hiệu ứng quang điện bên ngoài và phát hiện ra tỷ lệ giữa cường độ ánh sáng và sự phản xạ tạo ra dòng điện.

Máy biến áp

Chúng ta sẽ không thể có điện lưới mà không có máy biến áp. Máy biến áp được phát minh, chế tạo và đưa vào hoạt động bởi kỹ sư điện người Nga Pavel Yablochkov và nhà vật lý Ivan Usagin.

Các giải pháp của họ đã được lưu vào cuốn sách lịch sử mang tên "Sự cung cấp ánh sáng" do Yablochkov xuất bản vào giữa thập niên 1870. Sáng chế này bao gồm một máy biến áp và tụ điện được trưng bày ở Paris và St Petersburg.

Tới đầu năm 1882, hai nhà phát minh Lucien Gaulard và Josiah Willard Gibbs được cấp bằng sáng chế tại Pháp cho máy biến áp lõi hở.

Sữa chua

Mặc dù các sản phẩm làm từ sữa đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước, nhưng chính nhà khoa học người Nga Mechnikov mới là người đầu tiên phát hiện ra tác động tích cực của sữa đối với tuổi thọ.

Trở lại năm 1910, ông đề xuất rằng, để sống lâu hơn, một người nên tiêu thụ các sản phẩm sữa lên men (sữa chua) vì loại sữa này sẽ làm giảm các quá trình biến chất trong ruột. Mechnikov đã chứng minh rằng Bulgaria là nước có tỷ lệ tuổi thọ cao nhất - và có lẽ vì thế Bulgaria miền đất nằm cạnh vương quốc Thrace cổ đại, nơi đầu tiên trộn sữa với men được cho là cái nôi của sữa chua.

Vô tuyến truyền hình

Vladimir Zworykin là một kỹ sư người Nga có sáng chế ra mắt tại Mỹ. Ông đã đưa ra phát minh chính của thế kỷ 20 – Máy truyền hình điện tử.

Ông đã nộp đơn xin bằng sáng chế vô tuyến truyền hình ở Mỹ vào năm 1923. Sáu năm sau, ông đã phát triển bóng hình, một ống thu truyền hình chân không cao, và hai năm sau, ông đã tạo ra máy phát tín hiệu đầu tiên và gọi nó là đèn đỉnh nghiệm.

Tinh luyện xăng

Bạn có thể hình dung cuộc sống trong thế giới hiện đại sẽ ra sao nếu không có một chiếc xe hơi. Nhưng chẳng có chiếc xe hơi nào chạy được mà thiếu xăng. Tinh luyện là một quá trình sản xuất xăng từ dầu nặng hoặc dầu sôi ở nhiệt độ cao.

Phương pháp này cho phép lấy được một lượng xăng lên đến 70% từ dầu thô, trong khi các phương pháp chưng cất tiêu chuẩn chỉ có thể cung cấp 10% đến 20%. Phương pháp tinh luyện này do kỹ sư người Nga Vladimir Shukhov phát minh, và ông cũng là người đầu tiên tạo ra khu công nghiệp tinh luyện vào năm 1891.