Duy trì những thói quen lành mạnh và giữ gìn sức khoẻ là điều rất quan trọng đối với người cao tuổi. Và ngoài việc gìn giữ cho cơ thể khỏe mạnh, thì duy trì một tinh thần;thoải mái, minh mẫn cũng quan trọng không kém.
Những điểm chính:
1. Ăn uống lành mạnh là điều kiện cần thiết để sống khỏe mạnh, có những chế độ ăn kiêng thậm chí có thể giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
2. Khám sức khỏe định kỳ có thể giúp người cao tuổi phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, và đảm bảo việc cập nhật về các vấn đề tiêm phòng và sử dùng thuốc.
3. Giao lưu thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng và giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch và đãng trí.
4. Duy trì hoạt động thể chất để tăng cường năng lượng, cải thiện giấc ngủ và giảm cảm giác chán nản.
1. Ăn uống lành mạnh
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh khi bạn đã có tuổi là vô cùng cần thiết để sống khỏe. Hệ tiêu hóa của chúng ta sẽ mỗi ngày mỗi yếu đi, vì vậy việc bổ sung các loại vitamin thiết yếu và các thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, vào chế độ ăn uống là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ giúp người cao tuổi duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, mà còn có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.
Ảnh: internet
Một bí quyết giữ gìn sức khỏe nữa chính là uống đủ nước. Người cao tuổi thường ít cảm thấy khát, nên sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất nước. Hãy đảm bảo người thân của bạn uống nhiều nước để duy trì năng lượng, phòng tránh táo bón và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Chán ăn là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người cao tuổi. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia, điều quan trọng là phải tìm hiểu và giải quyết nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn ở người cao tuổi trước. Mặc dù có nhiều nguyên nhân, nhưng các nhà nghiên cứu kết luận rằng chỉ cần cải thiện được "không khí bữa ăn" và "tăng hương vị thức ăn", thì sẽ cải thiện được sự thèm ăn của người cao tuổi.
Những mẹo sau đây có thể hỗ trợ cho thói quen ăn uống lành mạnh:
- Dành thời gian ăn uống cùng với bạn bè và gia đình.
- Trình bày các món ăn đẹp hơn để hấp dẫn thị giác.
- Tăng sự đa dạng chọ các bữa ăn, tráng miệng, và đồ uống.
2. Lên lịch khám bác sĩ phòng ngừa
Khám sức khoẻ đều đặn, bao gồm việc kiểm tra mức cholesterol, ung thư ruột kết, các vấn đề về tim, và nhiều bệnh khác… có thể giúp người cao tuổi phòng tránh việc bỏ sót những chẩn đoán quan trọng. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, phụ nữ trên 45 tuổi nên lên lịch chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú hàng năm, và nam giới trên 50 tuổi nên cân nhắc xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt thường xuyên. Người cao tuổi cũng có thể tiêm vắc-xin thường xuyên để giúp ngăn ngừa cúm và viêm phổi.
Ảnh: internet
3. Kiểm tra thuốc thường xuyên
Nếu người thân của bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, nên kiểm tra lại từng đơn thuốc với bác sĩ thường xuyên. Xem xét các tương tác thuốc có thể xảy ra và ghi chú lại bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ mới nào sau khi thay đổi thuốc hoặc bắt đầu dùng thuốc, chẳng hạn như dị ứng, buồn ngủ hoặc chán ăn.
4. Xây dựng thói quen ngủ lành mạnh
Người cao tuổi rất dễ bị thức giấc giữa đêm và mất ngủ, cho nên, việc duy trì đi ngủ đúng giờ và đều đặn để đảm bảo sức khỏe là vô cùng quan trọng. “Vệ sinh giấc ngủ” (sleep hygiene) là một tập hợp các thói quen ngủ lành mạnh có thể cải thiện khả năng chìm vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ, theo Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ.
Chỉ cần thức dậy và đi ngủ đúng giờ mỗi ngày sẽ giúp đồng hồ sinh học của người cao tuổi đồng bộ với lịch trình hàng ngày của họ. Tránh ngủ trưa vào ban ngày và tránh xa rượu hoặc caffeine vào buổi tối. Tắt đèn vào buổi tối cũng có thể giúp thúc đẩy tình trạng buồn ngủ. Và hãy luôn đảm bảo phòng ngủ được thoải mái, mát mẻ và yên tĩnh.
5. Rèn luyện trí não
Theo Viện Lão khoa Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia, việc duy trì hoạt động trí não và học các kỹ năng mới thậm chí có thể giúp cải thiện khả năng tư duy. Người cao tuổi nên cố gắng giữ cho đầu óc được minh mẫn bằng các trò chơi trí não và các hoạt động khác: trò chơi ô chữ, đọc, viết, và thử các sở thích mới… chúng có thể kích thích trí não của người cao tuổi và giúp họ tương tác với môi trường xung quanh để ngăn ngừa suy giảm nhận thức.
6. Lên lịch kiểm tra thị lực thường xuyên
Hầu hết mọi người đều nhận thấy sự thay đổi về thị lực của mình khi bước sang tuổi 40-50. Người cao tuổi đã bắt đầu đeo kính lão nên kiểm tra mắt hàng năm để xem có thay đổi gì không, đồng thời có thể sớm phát hiện các vấn đề như bệnh tăng nhãn áp, một nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới. Đeo kính đúng độ cũng có thể làm giảm nguy cơ té ngã của người cao tuổi.
7. Tăng cường giao lưu
Sự cô lập và thiếu giao lưu ở người cao tuổi dẫn đến lòng tự trọng giảm thấp, khó ứng phó, hormone căng thẳng tăng cao… và có thể gây ra các vấn đề khác. Viêm là tình trạng phổ biến ở các bệnh liên quan đến căng thẳng và có thể được kích hoạt bởi việc giải phóng hormone căng thẳng. Viêm dai dẳng theo thời gian có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, bao gồm:
Bệnh tim mạch
Rối loạn chuyển hóa
Rối loạn thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer và Parkinson
Ảnh: internet
Có nhiều cách để người cao tuổi duy trì kết nối và giao lưu với những người xung quanh, từ việc tham gia các trung tâm dành người cao tuổi ở địa phương, đến làm tình nguyện viên trong cộng đồng xung quanh. Dành thời gian cho gia đình và con cháu luôn có thể giúp người cao tuổi bớt cảm giác cô đơn, đặc biệt là nếu họ có vấn đề về khả năng vận động khiến họ không thể đi lại nhiều. Những chuyến viếng thăm gia đình như vậy giúp người cao tuổi cảm thấy tích cực hơn rất nhiều, và đó là liều thuốc tốt nhất.
8. Duy trì hoạt động thể chất
Tập thể dục quan trọng đối với mọi lứa tuổi, và đặc biệt là đối với người cao tuổi. Duy trì hoạt động thể chất sẽ giúp người cao tuổi giữ được cân nặng khỏe mạnh và tránh các vấn đề sức khỏe mãn tính. Tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp người cao tuổi dễ dàng hoạt động trong cuộc sống hàng ngày hơn.
Ảnh: internet
Ngoài tác dụng làm giảm trầm cảm, hoạt động thể chất còn có thể cải thiện mức năng lượng, trí nhớ và giấc ngủ của người cao tuổi. Nhưng bài tập nào là tốt nhất cho người cao tuổi? Người cao tuổi nên tập trung vào các bài tập tác động ít gây ảnh hưởng như thể dục nhịp điệu, bài tập thăng bằng và rèn luyện sức mạnh. Tốt nhất hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe để tìm hiểu các bài tập luyện nào phù hợp nhất với nhu cầu của người cao tuổi.
Khi sức khỏe được kiểm soát tốt, người cao tuổi có thể duy trì hoạt động và làm được nhiều việc hơn, điều này giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và cũng giúp người chăm sóc bớt được nhiều mối lo ngại.
9. Đi khám nha sĩ 6 tháng một lần
Nguy cơ sâu răng tỉ lệ thuận với tuổi tác, và nhiều bệnh nhiễm trùng miệng có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Sức khỏe răng miệng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe tổng thể, vì vậy ngoài việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày, người cao tuổi nên thường xuyên đi khám nha sĩ để duy trì sức khỏe răng và nướu.