ĐỜI SỐNG

Những việc cần lưu tâm trước khi mang điện thoại đi bảo hành

Minh Trung • 12-11-2022 • Lượt xem: 265
Những việc cần lưu tâm trước khi mang điện thoại đi bảo hành

Gần đây, rất nhiều tranh luận xung quanh việc bảo hành điện thoại. Một số than phiền từ người dùng như bị đánh cắp thông tin, bị tráo linh kiện hay bị từ chối bảo hành. Ở phía cửa hàng cũng có những quan điểm và lí lẽ thuyết phục. Vậy làm sao để người dùng có thể hạn chế thấp nhất các tranh cãi như trên?

Những nguy cơ có thể xảy ra khi mang điện thoại đi bảo hành 

Hiện nay, với nhiều người, điện thoại hay máy tính được coi là một tài sản còn quý hơn cả tiền bạc vì các thiết bị này lưu trữ rất nhiều dữ liệu quan trọng (như tài liệu công việc, hình ảnh cá nhân). Do đó, việc rò rỉ các thông tin từ phía người dùng là một nguy cơ khi mang các thiết bị điện tử đến trung tâm bảo hành. Gần đây nhất, một cửa hàng F (tên đã được viết tắt) đã làm lộ một số hình ảnh của người dùng và nhận về không ít sự phẫn nộ từ cộng đồng mạng. 

Thứ hai, khái niệm về “luộc đồ” hay đánh tráo linh kiện đã không còn xa lạ trong giới sửa chữa thiết bị điện tử. Việc đánh tráo linh kiện thường xảy ra ở một số cửa hàng không uy tín, nhỏ lẻ, tự phát. Có rất nhiều cách để một người thợ có thể hoán đổi một linh kiện không tốt vào máy của người dùng và lấy linh kiện tốt từ máy khách hàng để làm lợi cho tiệm. 

Cuối cùng, một số khách hàng than phiền về việc cửa hàng hoặc trung tâm không chịu bảo hành mà chỉ nhận sửa chữa. thường lỗi này phần lớn đến từ người dùng vì không đọc kĩ chính sách của cửa hàng hoặc hãng sản xuất trước khi mang máy đến bảo hành dẫn đến một số hành động ngoài tầm kiểm soát. Gần đây nhất là một vụ thay pin Iphone tại Hà Nội khi cả nhân viên kĩ thuật và người đến bảo hành đã có những hành động không đẹp với nhau. Vậy làm gì để có thể hạn chế thấp nhất các vấn đề trên?

Những mẹo hay trước khi đem điện thoại/máy tính đi bảo hành 

Tư duy bảo mật là thứ mà ai trong chúng ta cũng cần được trang bị để giữ an toàn cho thông tin của mình. Thông thường, bạn sẽ phải cung cấp mật khẩu của máy và một số nền tảng hỗ trợ của hãng sản xuất (như iCloud, Samsung account,…) để nhân viên thuận tiện trong việc hỗ trợ bảo hành và sữa chữa. Theo khảo sát từ CNN vào cuối 2017, người dùng thường đặt một mật khẩu cho tất cả các tài khoản. Do đó, đây là kẽ hở để những người có ý định xấu khai thác thông tin, chỉ cần có một mật khẩu là có thể chiếm quyền kiểm soát tất cả thông tin của người dùng, gây thiệt hại về tài sản và tinh thần. Lí do của việc dùng chung mật khẩu được đưa ra từ người dùng là để dễ nhớ. Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt mật khẩu theo quy tắc chỉ có bản thân biết để ghi nhớ và quản lí chúng một cách dễ dàng. 

Sau khi đã chắc chắn mật khẩu của máy đã được thay đổi theo quy tắc một cách thích hợp, bạn nên đăng xuất tất cả các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội để những dữ liệu không bị đánh cắp. Bạn cũng nên xác thực hai yếu tố bằng mã otp qua sms hoặc otp trực tiếp trên ứng dụng. Cuối cùng, hãy tháo sim để nếu otp có gửi thì nhân viên kĩ thuật cũng không nhận được nhé. Trường hợp yêu cầu cung cấp otp, bạn nên đọc kĩ nội dung tin nhắn và kiểm tra đầu số trên Google để chắc chắn đây là một đầu số uy tín từ ngân hàng hay tổ chức nào đó để không bị mất mát về tài sản. Bạn có thể đăng xuất thủ công trực tiếp trên thiết bị của mình hoặc đăng xuất từ xa bằng một thiết bị khác. 

Cuối cùng, sao lưu các dữ liệu quan trọng (như ảnh, video, tài liệu công việc) qua một thiết bị khác hoặc các dịch vụ lưu trữ đám mây  để dữ liệu của bạn luôn an toàn nhé. Việc sao lưu này nên diễn ra một cách định kì để tránh những trường hợp đáng tiếc (như thiết bị bị hỏng hoặc mất, cần dùng gấp trong trường hợp đặc biệt mà không có thiết bị cá nhân của mình). Sau đó, hãy xóa các dữ liệu trong máy đang đem đi sửa chữa. 

Làm gì trong và sau khi bảo hành? 

Trong khi sửa chữa các lỗi nhẹ, bạn có thể trực tiếp ngồi tại chỗ để chủ động theo dõi tiến trình sửa máy. Điều này sẽ hạn chế việc bị “luộc đồ” và đánh cắp thông tin. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hạn chế, vì có rất nhiều cách để thực hiện các hành vy trên. 

Sau khi nhận máy, bạn có thể kiểm tra tình trạng của máy trước khi mang về nhà sử dụng. Với những máy chạy hệ điều hành Android, bạn có thể cài đặt Test Your Android trực tiếp trên Google Play để kiểm tra tình trạng phần cứng (như Wi-Fi, màn hình cảm ứng, độ rung, camera, âm thanh) và hiệu suất bên trong (tình trạng sức khỏe pin, CPU, bộ nhớ, SIM card) của máy . Với hệ điều hành IOS, bạn có thể download trên App Store ứng dụng Phone Doctor Plus để kiểm tra các thông số phần cứng lẫn phần mềm. Với laptop, việc kiểm tra sẽ mất công hơn vì phải cài đặt nhiều phần mềm cho từng chức năng, nhưng bạn vẫn có thể kiểm tra tại chỗ trong phần thông tin của máy (information system). 

Những lưu ý để quá trình bảo hành/sửa chữa thuận lợi hơn 

Đầu tiên, cách tốt nhất là người dùng nên đọc trước hướng dẫn hoặc những quy định từ nhà sản xuất (nếu là hàng chính hãng) hoặc quy định bảo hành từ cửa hàng (nếu là hàng cũ hoặc hàng xách tay) để tránh xảy ra tranh cãi khi bảo hành. Một vụ việc vẫn còn được bàn tán từ Samsung trong chuyện bảo hành điện thoại vào nước là một ví dụ cho thấy việc không đọc trước quy định bảo hành có tác hại thế nào. Theo đó, vị khách hàng này thấy chiếc điện thoại mình mua có chức năng chống nước nên đã vô tình để điện thoại vào nước, nhưng theo quy định thì hãng không bảo hành lỗi vào nước của máy. Thế là đã diễn ra tranh cãi không đáng có. 

Bên cạnh đó, nếu gặp lỗi liên quan đến phần mềm, khi không gấp, người dùng có thể khôi phục cài đặt gốc để xem lỗi có được khắc phục hay không. Nếu không, việc khôi phục cài đặt gốc trên máy sẽ là quá trình nhanh nhất để đăng xuất các loại tài khoản, đồng thời sẽ giúp nhân viên thuận tiện trong việc kiểm tra máy (như tiết kiệm thời gian, loại trừ một số khả năng lỗi phần mềm). 

Nhìn chung, trục trặc các thiết bị điện tử là không ai mong muốn. Hi vọng những mẹo vặt trong bài viết sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho việc mang máy đi bảo hành/sửa chữa, nhằm hạn chế thấp nhất các sự việc không đáng có.