VĂN HÓA

Ấn tượng tranh Đông Hồ, áo yếm được giới trẻ đưa vào thời trang Việt

PV • 19-01-2022 • Lượt xem: 635
Ấn tượng tranh Đông Hồ, áo yếm được giới trẻ đưa vào thời trang Việt

Với thế hệ những nhà thiết kế trẻ, mong muốn làm sống lại những giá trị truyền thống trong thời trang đã được cụ thể hóa trên nhiều tác phẩm.

Tại cuộc trò chuyện với chủ đề "Bản sắc Việt trong thời trang đương đại", từ góc nhìn của những nhà sáng tạo, các chuyên gia, nhà thiết kế thời trang cùng chia sẻ với giới trẻ về câu chuyện bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa trang phục trong thời đại mới. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia như TS. NTK Nguyễn Thị Kim Hương; NTK Linh Trần; NTK Quang Huy.

Thực tế cho thấy, giới trẻ hiện nay không còn quan tâm nhiều tới trang phục truyền thống. Thay vào đó, các bạn trẻ có xu hướng theo đuổi và ưa chuộng những trào lưu ăn mặc mới, được du nhập từ nhiều văn hóa khác nhau. Việc gìn giữ văn hoá truyền thống được nhắc đến từ rất lâu, tuy nhiên đặt trong bối cảnh thời đại của hội nhập, sự nhanh chóng, tiện lợi luôn được đề cao thì cách để bảo tồn và phát huy bản sắc Việt phải có nhiều thay đổi.

Làm mới trang phục truyền thống chính là bước khởi đầu giúp công chúng trẻ tiếp cận lại và trở nên quen thuộc, quan tâm hơn với văn hóa dân tộc. Nhưng làm sao đưa được nhịp điệu đương đại vào trong truyền thống, không chỉ ở form dáng mà cả ở họa tiết, trang trí, chất liệu… Làm sao "đánh thức" những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc trong hơi thở thời trang hiện đại? Những câu hỏi đã được đưa ra trong thời gian qua.

TS. Nguyễn Thị Kim Hương cho biết trong quá trình học tập, sinh viên ngành thiết kế thời trang đều có những bài học liên quan tới nghiên cứu văn hóa mặc, phát triển ý tưởng thiết kế từ trang phục truyền thống hay trang phục lịch sử. Đây chính là nguồn sáng tạo, là một trong số những xu hướng thời trang đương đại.

Bên cạnh đó, Cultural appropriation - thuật ngữ chiếm dụng văn hóa đang cực kỳ hot trên mạng - cũng là chủ đề được các khách mời chia sẻ sôi nổi trong cuộc trò chuyện. Thuật ngữ chỉ việc sử dụng những yếu tố phong tục của một nền văn hoá mà thiếu sự tìm hiểu về nền văn hoá đó. Những người phản đối cho rằng "cultural appropriation" là thiếu tôn trọng. Ngược lại, bên ủng hộ lại cho rằng, nó cần thiết để giới thiệu những nét đẹp của một nền văn hoá cho nhiều người hơn. NTK Linh Trần đưa quan điểm, "Cultural appropriation" xuất phát từ tìm nguồn cảm hứng, cần xem xét mục đích, kết quả mang lại như thế nào mới có thể đánh giá là nên ủng hộ hay phản đối.

Cũng tại cuộc trò chuyện, công chúng còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm do các nhà thiết kế trẻ tạo ra. Điểm đặc biệt của những tác phẩm này là có sự pha trộn giữa yếu tố hiện đại và truyền thông, thổi làn gió mới vào những giá trị văn hóa xưa.

Điển hình BST Lân của Hoàng Thị Thu Trang - sinh viên ngành Thiết kế Thời trang, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Tinh thần của Kỳ Lân được thể hiện qua các chi tiết hình in, tua rua, đắp vải, thêu, đính kết kỳ công cùng tay thiết kế tay bồng mạnh mẽ đầy quyền uy. Xuyên suốt BST được lấy ý tưởng từ không khí vui nhộn của động tác múa Lân, ngoài ra còn có họa tiết tranh Đông Hồ và những nhịp điệu của trang phục biểu diễn.

Hay BST Giao duyên của Hoàng Phương Thảo, lấy cảm hứng từ hình ảnh trầu têm cánh phượng, nét văn hóa tốt đẹp và lâu đời của dân tộc. Nhà thiết kế trẻ muốn mang tới công chúng cái nhìn về vẻ đẹp kết hợp giữa dân gian và hiện đại. Giao duyên muốn khai thác hình ảnh những cô gái hiện đại nhưng mang phong cách dân gian. Đây là sự kết hợp đầy mới mẻ, một chút thương nhớ những vẻ đẹp trong quá khứ nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại. Những chiếc áo yếm được tạo phom dáng cầu kỳ, táo bạo hơn kết hợp cùng dáng váy dài thướt tha, váy xẻ đùi cao sẽ tạo nên những cô gái ở thế kỷ 21 duyên dáng và đầy sức hút.

 

Tag: