VĂN HÓA

Áo dài Việt Nam vẫn thấp thoáng từ phố tới làng, từ làng ra phố

Lan Phương • 24-02-2020 • Lượt xem: 1114
Áo dài Việt Nam vẫn thấp thoáng từ phố tới làng, từ làng ra phố

Bảo tàng áo dài của NTK Sỹ Hoàng tại TPHCM

Có rất nhiều nghệ nhân vẫn cần mẫn may áo dài. Họ không mở tiệm trên phố mà lặng lẽ sống ở quê, may áo dài giữa làng quê để gìn giữ hồn cốt Việt Nam. Trong đó có một nghệ nhân vẫn miệt mài may áo dài cho nam giới.

Mới đây, những bức ảnh chụp áo dài nam của nhóm Đình làng Việt được nhiều người quan tâm. Nghệ nhân Đỗ Minh Tám - làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, cho biết: “Tôi chỉ nhận may tại nhà, không gia công cho ai. Mấy năm nay, tôi tập trung may áo dài nam. Trong làng cũng còn nhiều người nhận may áo dài như tôi”.

Áo dài ở phủ Thành Chương - Hình ảnh: Báo Thanh Niên

“Làng Trạch Xá có nghề may áo dài. Người làng này cũng có rất nhiều cửa hàng trên phố Lương Văn Can”. Bà Phạm Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT Hà Nội), cho biết.

Hiện nay ở Hà Nội vẫn có nhiều cửa tiệm may áo dài. Trong đó cửa tiệm Lương Văn Can may áo dài xưa là tiêu biểu, với áo dài ngũ thân như một nét riêng khó có nơi nào sánh kịp.

Riêng ở Huế, áo dài lại đi từ làng lên phố. Nhiều tên tuổi các nghệ nhân lại gắn với các cửa tiệm. Nét riêng của áo dài Huế, là có các họa tiết từ thêu, do các nghệ nhân thêu hỗ trợ.

Áo dài Huế - nét riêng của xứ kinh kỳ trong sắc tím mộng mơ

Nhưng có lẽ tinh hoa áo dài, cũng luôn có mặt ở TPHCM, với sự hội tụ của nhiều nhà thiết kế, nhiều cửa tiệm, nhiều  thương hiệu nổi tiếng. Sỹ Hoàng, NTK áo dài cho biết: 

“Ở TP.HCM có phố tập trung áo dài là đường Pasteur - đoạn qua Võ Thị Sáu và Trần Quốc Toản. Thậm chí ở góc phố còn có cái biển nho nhỏ là Đường áo dài. Nhưng tiềm năng lớn nhất của áo dài của TP.HCM là các nhà thiết kế áo dài. Rất nhiều nhà thiết kế tập trung ở đây”.