ĐỜI SỐNG

"Bạ đâu ngủ đó" có phải là biểu hiện của sức khỏe tốt?

Uyên Nguyễn • 25-08-2024 • Lượt xem: 564
"Bạ đâu ngủ đó" có phải là biểu hiện của sức khỏe tốt?

Khi nghĩ về chứng ngủ rũ, góc nhìn của hầu hết mọi người sẽ bị ảnh hưởng một chút bởi phim Hollywood: Một người ngủ thiếp đi giữa chừng khi đang ăn tối hoặc khi đang thuyết trình tại nơi làm việc chẳng hạn. Mặc dù chứng ngủ rũ nghe có vẻ giống vậy, nhưng đó không phải là tất cả. Hãy giữ suy nghĩ đó trong đầu và cùng khám phá một số điều mà bạn có thể không biết về chứng rối loạn này.

1. Việc ngủ gật giữa chừng không thực sự thường xuyên xảy ra.

Triệu chứng này là một tình trạng cực đoan của bệnh. W. Christopher Winter, Tiến sĩ Y khoa, Viện trưởng viện Charlottesville Neurology and Sleep Medicine và đồng thời là tác giả của cuốn sách “Bạn muốn có giấc ngủ ngon?” cho biết: "Nó không phải là kiểu bạn đang đi bộ trên phố và ngủ thiếp đi, mà là bạn có thể đang ngồi trong một nhà hàng, rồi bỗng nhiên cơn buồn ngủ dữ dội ập tới, đến mức bạn phải rời đi ngay lập tức và vào xe để ngủ".

Người mắc chứng ngủ rũ có thể trở nên vô cùng suy nhược (Ảnh: Internet)

Một cách khác, những người không mắc chứng ngủ rũ có thời gian thức rất ổn định cả ngày, trong khi đó, những người mắc chứng bệnh này thì không. "Họ cảm thấy buồn ngủ hơn những gì bạn có thể tưởng tượng được", Tiến sĩ Winter nói, "Và điều đó có thể khiến họ trở nên vô cùng suy nhược".

2. Chứng ngủ rũ được chia ra làm hai loại khác nhau.

Sự khác biệt hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn có mắc chứng cataplexy (mất trương lực cơ đột ngột) hay không. Tiến sĩ Winter cho biết: "Chứng cataplexy xảy ra khi bạn trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, dù là buồn bã hay vui vẻ, lúc ấy bạn sẽ bị mất trương lực cơ và cảm thấy hơi tê liệt". "Chứng ngủ rũ loại 1 có chứng cataplexy còn loại 2 thì không". Chứng cataplexy có thể bị chẩn đoán nhầm là co giật hoặc ngất xỉu, nhưng điểm khác biệt là bạn vẫn nhận thức được mọi thứ chứ không mất đi ý thức. Chứng này cũng chỉ có thể ảnh hưởng đến một số cơ, như ở tay hoặc mí mắt, chứ không phải toàn bộ cơ thể.

Chứng cataplexy chỉ có thể ảnh hưởng đến một số cơ, như ở tay hoặc mí mắt (Ảnh: Internet)

Một điểm khác biệt nữa là những người mắc chứng ngủ rũ loại 1 có nồng độ nội tiết tố hypocretin trong não thấp, trong khi những người mắc loại 2 thì không. Việc thiếu hụt hypocretin được coi là một trong những nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ loại 1 (và cũng là lý do gây ra chứng cataplexy). Các nghiên cứu gần đây có xu hướng tập trung vào thành phần hóa học trong não của bệnh nhân mắc chứng ngủ rũ, chúng khiến nhiều chuyên gia coi đây là một căn bệnh tự miễn dịch hơn là một chứng rối loạn giấc ngủ.

3. Nhiều người có triệu chứng của bệnh nhưng không hề hay biết.

"Khoảng 50% số người mắc chứng bệnh này không được chẩn đoán", Tiến sĩ Winter chia sẻ. Đây là lý do tại sao: Nhiều người dễ dàng coi những triệu chứng đó là biểu hiện của một thứ gì đó khác, như một chứng rối loạn giấc ngủ khác chẳng hạn, hoặc cho rằng ai cũng đều cảm thấy kiệt sức như họ thôi. Theo Tiến sĩ Winter, việc sở hữu một nguồn năng lượng thấp có thể khiến người mắc chứng ngủ rũ cảm thấy khá tệ về bản thân. Họ tự hỏi tại sao mình không thể làm được nhiều việc như những người khác hoặc cuối cùng cảm thấy bản thân lười biếng hàng ngày.

Chứng ngủ rũ có thể dẫn đến trầm cảm (Ảnh: Internet)

"Điều đó thực sự cô lập họ vì họ luôn muốn ngủ, đó là lý do tại sao chứng bệnh này có thể dẫn đến trầm cảm", Tiến sĩ Winter nói thêm.

4. Các dấu hiệu có thể rất mờ nhạt.

Điều quan trọng là bạn phải nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nghĩ mình mắc chứng ngủ rũ, nhưng bạn có thể nhận biết những dấu hiệu đó như thế nào? "Ngủ nhiều vào ban ngày là một trong những dấu hiệu lớn", Tiến sĩ Winter nói. "Bạn có nhu cầu ngủ nhiều trong những tình huống bất thường không?" Một dấu hiệu khác là khi bạn thức dậy nhưng không thể cử động, tình trạng này gọi là chứng tê liệt khi ngủ. Gặp ảo giác khi bạn ngủ thiếp đi hoặc thức dậy cũng là một triệu chứng.

5. Bệnh không có cách chữa trị.

May mắn thay, có những loại thuốc có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. "Hầu hết bệnh nhân mắc chứng ngủ rũ đều dùng thuốc để cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm cũng như để cảm thấy tỉnh táo hơn vào ban ngày", Tiến sĩ Winter cho hay. "Bác sĩ của bạn có thể đề xuất những phương pháp kết hợp phù hợp cho kế hoạch điều trị của bạn".