ĐỜI SỐNG

Ba nghề độc lạ ở Việt Nam

Cẩm Chi • 26-06-2023 • Lượt xem: 1309
Ba nghề độc lạ ở Việt Nam

Đào đất chế biến món ăn, săn gián và nuôi gián, hay thu gom thức ăn thừa là những nghề không chỉ khác biệt bởi rất ít người chọn mà còn bởi sự vất vả, tỉ mỉ trong quá trình làm nghề.

Người không chọn nghề mà là nghề chọn người. Câu nói đó càng đúng với ba nghề nghiệp độc lạ bậc nhất Việt Nam bên dưới.

Nghề đào đất chế biến làm món ăn vặt 

Đây là nghề từng một thời cực kỳ nhộn nhịp ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Với người dân nơi đây, món quà vặt thường ngày không phải là kẹo bánh như bao địa phương khác mà là một món ăn cực kỳ đặc biệt làm từ đất.

Đồ ăn vặt được khai thác, chế biến khá cầu kỳ từ một loại đất đặc biệt.

Không phải loại đất nào cũng ăn được. Theo những người làm nghề này cho biết, phải chọn đúng loại đất ngói màu xám trắng (đất cao lanh trắng). Để khai thác, họ phải đào các hố sâu hơn 3 mét mới tìm được. Đất ngói thường ở dạng tảng, cứng như đá, nhưng giòn. Người đào nếu gặp phải tảng quá to có thể đục nhỏ để tiện thu hoạch. Tuy nhiên cũng hạn chế chẻ quá nhỏ khi khai thác. Vì như vậy sẽ bị hao hụt lúc chế biến.

Đất ngói đem về không được rửa mà phải dùng dao để làm sạch lớp vỏ ngoài. Sau đó chẻ thành từng miếng nhỏ như viên kẹo. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bán thành phẩm. Để có thể chinh phục vị giác khách hàng, người bán còn phải làm thêm một công đoạn nữa. Đó là đem các miếng đất ngói (đã được chẻ nhỏ) nướng trên bếp lửa phía dưới vùi rơm và lá sim tươi.

Khói bốc lên sẽ “nhuộm màu” và “ám mùi” cho miếng đất, khiến nó trở nên thơm ngon và bắt mắt hơn.

Đất ngói thành phẩm sau đó sẽ được bày bán ở chợ địa phương. Bên ngoài có màu hơi ngả vàng, thơm mùi khói,  ăn vào thì bùi bùi và mằn mặn. Tuy nhiên, nghề này hiện nay gần như đã thất truyền. Bởi lớp người già có thói quen ăn đất thì gần đất xa trời. Còn lớp trẻ ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn nên đã không còn ăn đất nữa.

Nghề săn gián và nuôi gián

Với hầu hết mọi người thì gián là con vật hôi hám đáng ghét, nhưng với một số ít người thì con gián đem lại nguồn thu nhập rất ổn cho họ. Vì công việc chính của họ là săn bắt gián hoặc nuôi gián. Dù bị mọi người xem là kinh tởm, thế nhưng con gián có nhu cầu thị trường tốt vì là thức ăn của nhiều loại thú cưng. Ngoài ra chúng còn là một loại mồi câu cá bén.

Với nghề nuôi gián thì thường người nuôi sẽ chọn gián Dubia – một loại gián đất có xuất xứ từ châu Mỹ. Đây là loại gián ít mùi hôi, dễ nuôi, sức sống cao, và đẻ nhiều.

Với người làm nghề săn gián, con mồi chủ yếu của họ sẽ là gián đỏ. Chúng có màu đỏ và... thường sống trong nhà mọi người. Mồi bắt gián là một cây gỗ dài có một đầu được quấn vải và trét đường lên. Người bắt thọt nó vào miệng cống, lũ gián ngửi thấy sẽ lao tới ăn đường. Và khi đó chỉ việc rút ra thu hoạch.

Nghề săn gián tuy vất vả nhưng đem lại thu nhập không tệ cho nhiều người.

Đây quả là việc nhẹ, thu nhập ổn và không cần vốn. Mặc dù không được vệ sinh và phải thức khuya, thế nhưng so với ưu điểm thì nghề bắt gián quả là một công việc mơ ước của nhiều người.

Nghề thu gom thức ăn thừa

Với nhiều hàng quán ăn uống, người làm nghề thu gom thức ăn thừa là những vị cứu tinh. Bởi họ giúp cho các cửa tiệm xử lý đống cơm thừa canh cặn còn sót lại của thực khách. Người làm nghề này thường sẽ đi xe máy (ngày xưa là xe đạp), phía sau chở theo ít nhất hai cái thùng lớn.

Họ rong ruổi khắp các quán ăn (nhất là vào giờ xế trưa và tối) để xin thức ăn thừa.

Những thùng cơm thừa canh cặn này sẽ được bán lại cho các hộ nuôi heo (làm thức ăn cho heo). Nghề này tuy vất vả vì phải chạy xe rong ruối suốt ngày, thế nhưng gần như không cần vốn đầu tư. Thức ăn thừa thì ngày nào cũng có (và miễn phí). Vậy nên nó cũng nuôi sống được nhiều gia đình.

Tuy nhiên, ngày nay số hộ nuôi heo (nhỏ lẻ) ngày càng ít đi. Các trại heo quy mô thì chuẩn hóa thức ăn. Vì vậy, số người bám trụ với nghề này không nhiều và thu nhập cũng giảm đi so với lúc trước.