ĐỜI SỐNG

Bài học AI của Google và Microsoft: Tiêu tiền để kiếm tiền

DDVN • 26-07-2023 • Lượt xem: 923
Bài học AI của Google và Microsoft: Tiêu tiền để kiếm tiền

Trí tuệ nhân tạo (AI) dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft và Alphabet (công ty mẹ Google) vào một ngày nào đó. Thế nhưng, các công ty này cho biết cần đầu tư nhiều hơn trước nữa trước khi thu về lợi nhuận nhỏ giọt.

Microsoft cho biết chi phí tăng mạnh khi họ xây dựng các trung tâm dữ liệu mới để hỗ trợ AI. Chi phí vốn sẽ tiếp tục tăng vì mua chip từ Nvidia (hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới) để cung cấp sức mạnh cho các trung tâm dữ liệu đó.

Theo các nhà phân tích, Microsoft đang chịu chi phí AI theo hai cách:

1. Cung cấp sức mạnh cho các sản phẩm của chính họ, chẳng hạn trợ lý AI Copilot sắp ra mắt với giá 30 USD/tháng.

2. Phục vụ các công ty muốn sử dụng dịch vụ điện toán đám mây Azure của mình để tạo ra các sản phẩm AI.

Các lãnh đạo Microsoft cho biết Azure sẽ bắt đầu tạo ra phần lớn doanh thu trong nửa sau năm tài chính 2024 kết thúc vào ngày 30.6.

"Microsoft đang mua hàng loạt H100", Ben Bajarin, Giám đốc điều hành và nhà phân tích chính của hãng Creative Strategies, đề cập đến các chip AI hàng đầu của Nvidia.

“Bạn có thể sẽ thấy điều tương tự với Amazon, nếu không phải quý này thì quý sau, vì cả hai đều sở hữu dịch vụ đám mây mà đại đa số thị trường đang sử dụng để đào tạo hệ thống AI vào lúc này", Ben Bajarin nói thêm.

Tuy nhiên, Alphabet đang giảm chi phí dù có thể không lâu. Giám đốc tài chính Alphabet - Ruth Porat cho biết sự chậm trễ trong việc xây dựng trung tâm dữ liệu là lý do khiến các khoản chi tiêu vốn trong quý 2/2023 thấp hơn dự kiến.

Scott Kessler, lãnh đạo mảng công nghệ truyền thông và viễn thông toàn cầu tại công ty Third Bridge, nhận định: "Trong thập kỷ qua, Google có thể đã chi khoảng 200 tỉ USD vào đầu tư AI, nhưng phần lớn trong số đó không được đánh giá cao bởi người dùng và nhà đầu tư”.

Theo nhận định từ các nhà phân tích, một ưu điểm của Google là sở hữu chip tùy chỉnh riêng có tên Tensor Processor Unit (TPU) để xử lý công việc AI, giúp giảm chi phí.

Nhà phân tích James Cordwell của hãng Atlantic Equities nói Microsoft có thể đang "mua hàng loạt chip Nvidia do không có chip riêng để thay thế".

Thế nhưng, Google thừa nhận sẽ mua chip từ các công ty khác cũng như sử dụng chip của riêng mình. Ruth Porat nói rằng việc tiêu tiền có thể giảm lợi nhuận và tăng trưởng.

Gene Munster, thành viên quản lý tại hãng Deepwater Asset Management, bình luận: "Microsoft và Google đều gửi đi thông điệp tương tự về sự khởi đầu mới trong lĩnh vực AI. Thế nhưng, điểm khác biệt là các nhà đầu tư của Microsoft muốn thấy nhiều hơn".

Google và Microsoft cho biết cần đầu tư nhiều hơn trước nữa vào AI trước khi thu về lợi nhuận nhỏ giọt - Ảnh: Internet 

Hôm 18.7, Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) cho biết công ty đang hợp tác với Microsoft để giới thiệu phiên bản tiếp theo của mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở (Llama 2), đồng thời đưa công nghệ này sử dụng miễn phí cho mục đích nghiên cứu và thương mại.

Cùng ngày, Microsoft tiết lộ quan hệ đối tác AI mới với Meta Platforms tại sự kiện thường niên của công ty dành cho khách hàng doanh nghiệp. Microsoft thông báo rằng: “Hai công ty chia sẻ cam kết phổ cập AI cùng các lợi ích của nó và chúng tôi rất vui khi Meta đang thực hiện một cách tiếp cận cởi mở”. Meta Platforms đang là khách hàng của nền tảng điện toán đám mây Microsoft Azure.

Microsoft cũng sử dụng sự kiện trực tuyến có tên là Inspire để tiết lộ rằng sẽ tính phí doanh nghiệp hàng tháng là 30 USD cho mỗi người dùng 365 Copilot, công cụ generative AI hàng đầu của mình.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Đến nay Microsoft đã tập trung vào việc đưa công nghệ từ OpenAI vào Azure. Khi được hỏi tại sao Microsoft lại hỗ trợ một sản phẩm có thể làm giảm giá trị của OpenAI, người phát ngôn gã khổng lồ phần mềm nói rằng việc cung cấp sự lựa chọn cho các nhà phát triển trong việc sử dụng các mô hình khác nhau sẽ giúp mở rộng vị thế của họ như nền tảng đám mây hàng đầu cho công việc AI.

Hồi tháng 1, Microsoft thông báo đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho “cha đẻ” ChatGPT.

Từ ngày 23.5, Microsoft đã bắt đầu cung cấp cho người dùng hàng loạt các bản nâng cấp AI, bao gồm ChatGPT, Bing cũng như dịch vụ đám mây. Đây là động thái nhằm thu hẹp khoảng cách với Google.

Một trong những thay đổi quan trọng là việc triển khai các kết quả tìm kiếm trực tiếp từ Bing vào ChatGPT, chatbot nổi tiếng của đối tác OpenAI. Những câu trả lời của ChatGPT hiện chỉ giới hạn thông tin cho đến tháng 9.2021, thời điểm OpenAI kết thúc việc huấn luyện chatbot AI này.

Giờ đây, ChatGPT có thể lấy từ kết quả web Bing cho những người đăng ký trả phí và sẽ sớm thực hiện điều đó với người dùng miễn phí.

Microsoft đang mở rộng plug-in cho Bing, sử dụng tiêu chuẩn được OpenAI chấp nhận và cho phép các doanh nghiệp giao dịch dễ dàng hơn với người tiêu dùng trong công cụ tìm kiếm của mình.

Ví dụ, một plug-in như vậy có thể giúp người dùng tìm kiếm ý tưởng bữa tối bằng cách đề xuất công thức nấu ăn và các nguyên liệu có thể được đặt hàng từ Instacart (công ty điều hành dịch vụ giao hàng và nhận hàng tạp hóa tại Mỹ, Canada) chỉ bằng một cú nhấp chuột, theo Yusuf Mehdi, Giám đốc tiếp thị người tiêu dùng của Microsoft.

"Đây là một sự thay đổi sâu sắc với cách con người sẽ sử dụng web", Yusuf Mehdi nói trong cuộc phỏng vấn.

Khi được hỏi liệu Microsoft có thể bán các vị trí đặt quảng cáo liên quan đến các plug-in hay không, Yusuf Mehdi cho biết công ty vẫn chưa đi đến điểm đó nhưng "mô hình về cách thu hút khách hàng đang thay đổi".

Các bản cập nhật cho Bing là một phần trong nỗ lực của Microsoft nhằm chiếm lĩnh thêm phần nào trong thị trường quảng cáo tìm kiếm ước tính trị giá 286 tỉ USD toàn cầu.

Giống như Microsoft, Google gần đây đã giới thiệu các bản nâng cấp generative AI cho công cụ tìm kiếm của mình, học hỏi từ dữ liệu trong quá khứ về cách trả lời các truy vấn mở không có câu trả lời rõ ràng trên web.

Việc người dùng ưa thích bản cập nhật công cụ tìm kiếm nào hơn vẫn chưa rõ ràng, vì Google chưa triển khai rộng rãi các thay đổi của mình. Tuy nhiên, Bard, đối thủ cạnh tranh với ChatGPT, đã bao gồm cả các câu trả lời được cung cấp bởi kết quả tìm kiếm của Google.

Khi được hỏi liệu ChatGPT có thay thế Bing ngay bây giờ hay không khi chatbot này bao gồm cả thông tin gần đây từ web, Yusuf Mehdi cho biết các chương trình mang lại những trải nghiệm khác nhau nhưng Microsoft cũng sẽ hưởng lợi, với các trích dẫn trong ChatGPT thúc đẩy lưu lượng truy cập đến Bing.

Các tính năng mới của dịch vụ đám mây cho phép doanh nghiệp xây dựng các plug-in kết nối với 365 Copilot.

Theo Microsoft, một plug-in có thể cho phép nhân viên sử dụng ngôn ngữ đơn giản để yêu cầu trợ lý AI đặt vé du lịch hoặc giải thích các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng với nhà cung cấp. Microsoft đặt mục tiêu cho phép các công ty cấu hình trợ lý AI của riêng họ một cách rộng rãi hơn.

Công ty đã cung cấp trợ lý AI dưới dạng bản xem trước cho một số người dùng hệ điều hành Windows từ tháng 6.

Ngoài ra, Microsoft còn thông báo về cách giúp người tiêu dùng xác định xem ảnh hoặc video có được tạo ra bởi AI của công ty hay không, tương tự như Google.

Theo Sơn Vân/1thegioi.vn