Không phải ai cũng thích dọn dẹp. Dọn dẹp đối với nhiều người là một nghĩa vụ khó khăn hơn là niềm vui.
Tuy nhiên nếu coi trọng không gian sống sạch sẽ và không đủ khả năng thuê người dọn dẹp, bạn buộc phải tự làm lấy. Theo nhà tâm lý học Jeannine Jannot, dọn dẹp giống như tập thể dục ở chỗ ta cần tìm thấy động lực, hành động rồi xây dựng thành thói quen bền vững. Vậy làm thế nào vượt qua tâm lý trì hoãn?
Dọn dẹp thường xuyên là thói quen khó hình thành - Ảnh: Getty Creative
Bắt đầu từ nỗ lực nhỏ
Một mẹo nhỏ cho mọi người là dành ra một khoảng thời gian ngắn cụ thể tiến hành dọn dẹp. Ta có thể đặt hẹn giờ chỉ 5 - 10 phút mỗi ngày để dọn một khu vực cụ thể. Thời gian sau bữa ăn tối khá lý tưởng. Chỉ cần kiên trì, nỗ lực nhỏ này sẽ tạo ra tác động lớn mà không khiến bạn cảm thấy quá sức.
Phân loại
Đôi lúc việc dọn dẹp trở nên quá sức vì khắp nơi đều có đồ đạc. Hãy thử đi khắp nhà với một thùng nhựa, mọi thứ không đúng chỗ đều bị cho vào thùng. Sau đó đi từ phòng này đến phòng khác và đặt mọi thứ lại đúng chỗ. Phương pháp này ngăn ngừa nguy cơ bạn mất tập trung khi di chuyển qua lại nhiều khu vực.
Đây là nhiệm vụ đơn giản, do đó có thể huy động thêm người cùng làm. Để trẻ nhỏ nhặt món đồ đặt lung tung bỏ vào thùng và bạn đem chúng về chỗ cũ.
Khắp nơi đều có đồ đạc gây khó cho việc dọn dẹp - Ảnh: I-connect
Thay đổi suy nghĩ
Mặc dù không dễ thực hiện nhưng thay đổi suy nghĩ có thể giúp việc dọn dẹp trở nên bớt khó khăn hơn. Tâm lý chán ghét chỉ khiến ta thêm nản lòng mà thôi, thay vào đó tại sao không nghĩ hãy cố gắng làm cho xong trong vài phút. Suy nghĩ thay đổi sẽ góp phần hình thành thói quen mới.
Xem dọn dẹp như trò chơi
Việc dọn dẹp có thể giống như một trò chơi vậy. Đặt hẹn giờ 10 - 15 phút và dọn dẹp nhiều nhất có thể. Khi hết giờ hãy tự thưởng cho mình thứ gì đó khiến bạn phấn khích, chẳng hạn món ăn hoặc món đồ đã muốn mua từ lâu.
Tại sao mẹo này hiệu quả? Thời gian tập trung ngắn cộng thêm phần thưởng rất hữu ích để duy trì động lực.
Ghép cặp với thói quen khác
Hãy tiến hành dọn dẹp với một thói quen mà bạn đã có. Bạn sẽ nhận ra mình làm được nhiều việc nhà hơn do bị cuốn vào chương trình podcast hay bộ phim yêu thích và tìm thấy nhịp điệu dọn dẹp.
Sống tối giản
Càng ít đồ đạc càng đỡ phải vứt bỏ và dọn dẹp. Hơn nữa lối sống tối giản cũng giảm bớt cảm giác lộn xộn về mặt thị giác, giúp não bình tĩnh và giảm mệt mỏi khi phải đưa ra quyết định
Có thể thử hai cách lọc đồ đạc. Đầu tiên là chọn vứt bỏ món quá bẩn không quan trọng. Thứ hai là vứt bỏ một món cũ khi mua một món mớ. Điều này ngăn chặn tình trạng đồ đạc lộn xộn chất đống cũng như đảm bảo mọi thứ dễ quản lý hơn.