Các quy tắc về tái chế và phân loại rác sẽ khác nhau tùy vào nơi bạn sống. Ở một số nơi, người dân được phép bỏ tất cả rác thải tái chế vào cùng một thùng. Vài nơi khác, giấy và bìa cứng phải tách riêng ra khỏi lon, chai lọ.
Tại Việt Nam, rác tái chế được để chung trong một túi/thùng và 3 loại rác đã phân loại thường được đánh dấu bằng màu sắc:
Nếu không dùng túi, thùng đựng nhiều màu, bạn có thể ghi chú hoặc dán nhãn để lưu ý cho người thu gom.
Hãy biết tái chế rác
Hãy cố gắng đổ sạch thức ăn thừa ra khỏi vỏ đựng có thể tái chế trước khi vứt vào thùng. Cẩn thận hơn, bạn có thể tráng hoặc lau sơ các loại lon, hộp… trước khi phân loại rác.
Thực phẩm hoặc nước đổ ra sẽ làm hỏng hoàn toàn số giấy có khả năng tái chế. Vì vậy, tráng rửa là việc đặc biệt cần thiết khi tất cả giấy, hộp đựng và lon của bạn được chứa chung trong cùng một thùng. Thói quen này còn giúp tránh mùi hôi và giữ các loại gián, chuột, chó, mèo… tránh xa thùng rác nhà bạn đấy.
Đừng vò nát giấy
Hình minh họa
Nếu bạn có thói quen vo tròn hoặc làm nát giấy trước khi vứt vào thùng, hãy dừng lại ngay! Lý do rất dễ hiểu: Giấy càng nguyên vẹn thì giá trị tái chế càng cao, vì những sợi cellulose trong giấy còn nguyên sẽ có kết cấu mạnh hơn, có thể được tái chế nhiều lần hơn. Thay vì vò giấy nhàu nát cho… sướng tay, hoặc để tiết kiệm chỗ để, bạn có thể xé nhỏ giấy.
Mặt khác, cũng có nhiều loại giấy không thể tái chế được: giấy thấm dầu, giấy in hóa đơn từ máy ATM hoặc siêu thị, giấy có dính keo, giấy vệ sinh và khăn giấy bẩn, giấy than, hộp carton dính dầu mỡ (như hộp đựng pizza)…Chúng sẽ được phân loại vào thùng các chất thải còn lại.
Giảm thiểu - tái sử dụng
Nghe có vẻ không liên quan, nhưng việc giảm thiểu và tái sử dụng chất thải thay vì ném chúng vào thùng rác lại là điều quan trọng nhất trong quá trình tái chế và nỗ lực bảo vệ môi trường. Giảm thiểu rác thải sinh hoạt không chỉ giảm gánh nặng cho môi trường, cho cơ quan xử lý mà còn khiến chính cuộc sống chúng ta nhẹ nhàng hơn.
Thay thế đồ nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm khác cũng là một giải pháp, song thực tế có những sản phẩm thay thế không hề bền vững. Tái chế được, phân hủy được, nhưng có khi quá trình sản xuất chúng vẫn gây hại cho môi trường theo những cách riêng.
Trước hết, ta hãy tập làm người tiêu dùng tỉnh táo. Thay đổi ngay lập tức khó thật đấy, nhưng nếu chúng ta có ý thức điều chỉnh thói quen và phân loại rác hàng ngày, dần dần từng bước một, mỗi thay đổi nhỏ trong cuộc sống của hàng triệu con người đủ sức chuyển thành năng lượng lớn.