VĂN HÓA

Bạn muốn chọn chất lượng hơn số lượng khi mua sắm?

Quyên Hà • 26-10-2020 • Lượt xem: 1221
Bạn muốn chọn chất lượng hơn số lượng khi mua sắm?

Sở hữu ít hơn nhưng là những món đồ chất lượng hơn là mục tiêu mà những ai theo đuổi lối sống tối giản thường nhắm tới. Nhiều người nghĩ rằng các món đồ chất lượng cao thường bền hơn, và nhận xét này nhìn chung là đúng.

Khi đặt mục tiêu mua sắm chất lượng hơn số lượng, chúng ta sẽ ưu tiên những món đồ cao cấp hơn là mua hàng tá những món rẻ tiền. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ sở hữu ít hơn.

Nguyên tắc này có thể áp dụng với cả những vật hữu hình hay vô hình. Ví dụ, những người có xu hướng theo đuổi chất lượng hơn số lượng thường cũng là những người có phương pháp tiếp cận mọi thứ khác trong cuộc sống với nỗ lực tối đa thay vì bỏ bê hững hờ.

Nói chung, khi đối tượng khách hàng càng hạn chế bao nhiêu, thì chất lượng sản phẩm càng được nâng cao bấy nhiêu. Trong khi đó, ngày càng nhiều người theo đuổi việc sở hữu những sản phẩm chất lượng cao.

Trong quá khứ không xa, chất lượng thường bị đánh đồng với mức giá.

Ngày nay, điều đó không phải lúc nào cũng đúng, mức giá của một sản phẩm không còn được quy định bởi nguyên vật liệu làm ra nó nữa. Và điều này đòi hỏi khách hàng chúng ta phải nâng cao hiểu biết của mình về sản phẩm

Thực tế đó cũng đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ chất lượng hiện nay được định nghĩa như thế nào.

“Quá trình lựa chọn một sản phẩm chất lượng cũng giống như hành trình tự khám phá bản thân vậy. Bạn bắt đầu cân nhắc những gì quan trọng với mình và bắt đầu nhận ra những giá trị bạn trân trọng”, Jodie, Simple Minded.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ những thước đo chất lượng và thảo luận những khác biệt chính giữa chất lượng và số lượng cũng như gợi ý những hướng dẫn và mẹo đơn giản để nhận biết chất lượng sản phẩm cũng như trở thành người tiêu dùng thông thái hơn.

Chất lượng được đo lường như thế nào?

Những món đồ chất lượng ra đời từ niềm đam mê và quan tâm đến từ mong muốn tạo ra thứ gì đó có giá trị. Nghĩa là, mỗi bước của quá trình đều được chú ý nhằm đảm bảo tay nghề cao nhất.

Nếu bạn tra trong từ điển, tay nghề thường mang nghĩa là “vẻ đẹp của chất lượng ấn tượng trong thứ gì đó mà việc làm ra nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng”.

Do đó, chất lượng có thể được đánh gia bởi cấp độ và trình độ tay nghề cũng như những kỹ năng cần có để làm ra sản phẩm đó.

Sản phẩm chất lượng đòi hỏi trình độ cao trong toàn bộ quá trình tạo ra nó, từ thiết kế với những ý tưởng sơ khai, lên kế hoạch, nguồn nguyên liệu, sản xuất, hoàn thiện và phân phối.

Trong khi đó, cấp độ chỉ sự chú ý đến từng chi tiết của mỗi bước trong quá trình trên.

Những món đồ được sản xuất với tay nghề cao phải được tạo ra với sự chú ý đến từng chi tiết và trình độ khéo léo trong mọi bước tạo ra sản phẩm.

Tựu chung lại, chất lượng được đong đếm dựa trên cấp độ và trình độ của tay nghề, và kỹ năng làm ra sản phẩm.

Khi nhìn sâu hơn, chúng ta thấy rằng mỗi cấp độ của quá trình xây dựng và đánh giá chất lượng không chỉ thể hiện trong thiết kế, mà còn trong chức năng, chất liệu và độ bền..

Chi tiết là một trong những yếu tố chính quyết định chất lượng sản phẩm. Điều đó đơn giản có nghĩa là các vấn đề về chất lượng kém và những vấn đề nảy sinh xung quanh một sản phẩm thường là kết quả của hành động bỏ qua các chi tiết.

Chú ý đến chi tiết tạo ra sự khác biệt.

Sự khác biệt giữa chất lượng và số lượng là gì?

Sau khi thảo luận chất lượng được đong đếm ra sao, có lẽ bạn cũng nhận ra lý do để lựa chọn chất lượng khi có thể. Tuy nhiên, liệu số lượng có ích lợi gì không?

Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất khi chúng ta đưa ra lựa chọn về số lượng là “chúng là lựa chọn kinh tế, tiết kiệm hơn”.

Có phải bạn nghĩ rằng khi bạn mua nhiều đồ rẻ hơn là bạn đang chiến thắng?

Điều này có thể đúng nếu bạn chỉ nhìn vào giá, nhưng lúc này, chất lượng bị lãng quên sẽ dẫn tới cái giá phải trả đắt hơn trong tương lai.

Hoặc là bạn sẽ phải trả giá thêm bằng cách thay thế thứ bạn vừa mua sớm hơn, hoặc bạn sẽ trả giá bằng chính sức khỏe và năng lượng mà bạn tiêu tốn vào việc xử lý những rắc rối mà sản phẩm kém chất lượng gây nên.

Thật dễ để mắc vào cái bẫy suy nghĩ rằng mua nhiều đồ rẻ đồng nghĩa với tính kinh tế. Ai cũng nghĩ rằng thật hiển nhiên khi mua nhiều đồ rẻ, đơn giản vì chúng không đắt, được giảm giá hoặc có sẵn ở đó.

Khách hàng chúng ta thì liên tục là mục tiêu của các loại quảng cáo lặp đi lặp lại hàng ngày từ các nhãn hàng bán lẻ trên ti vi, truyền thông và cả từ hộp thư điện tử cũng như mạng xã hội.

Thật quá dễ dàng để rơi vào vòng lặp của thói quen mua sắm này, và một khi bị cuốn vào, không dễ để thoát ra.

Quá khó để từ chối khi nhìn thấy bảng giá sale 30%, 50% thậm chí là 70%. Các nhà bán lẻ biết cách đánh vào tâm lý khách hàng. Và để từ bỏ thói quen này, bạn sẽ cần thay đổi hệ suy nghĩ của mình, như đã nói ở trên, thoát khỏi vòng lặp.

Đương nhiên vẫn sẽ có những người chọn số lượng, đơn giản vì họ thích có thật nhiều lựa chọn đa dạng, họ sợ mình sẽ nhanh chán khi chỉ có những lựa chọn hạn chế.

Ngoài ra, còn có những người chọn số lượng vì họ thực sự không biết mình đang tìm kiếm điều gì. Họ chỉ liên tục mua sắm nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó mà họ thực sự cũng không biết. Họ nghiện mua sắm.

Liên tục mua sắm đồ đạc xuất phát từ đam mê có nhiều lựa chọn hơn cuối cùng sẽ dẫn chúng ta tới sự mệt mỏi khi phải đưa ra quyết định. Khi điều này xảy ra, khả năng nhận biết chất lượng hay những giá trị chúng ta đang thực sự tìm kiếm bị che lấp, và khả năng đưa ra quyết định sáng suốt của chúng ta cũng sẽ bị chặn đứng.

Những điều trên nghe có quen thuộc với bạn không?

Bạn đã bao giờ trở thành nạn nhân của cái bẫy ấy? Có lẽ bạn đã từng hoặc thường xuyên liên tục đi hết cửa hàng này đến cửa hàng khác tìm kiếm sự thỏa mãn bằng cách mua hết những gì mới nhất, thịnh hành nhất?

Nếu như vậy, hãy xem xét những lợi ích của việc tập trung vào chất lượng dưới đây.

Lựa chọn những món đồ chất lượng giống như hành trình khám phá bản thân. Bạn sẽ bắt đầu đánh giá lại điều gì là quan trọng với mình, và từ đó suy ra những chất lượng mà bạn đánh giá cao.

Quá trình này có thể bắt đầu với những lựa chọn đơn gian như mua quần áo chất lượng cao hơn hay món đồ nội thất chất lượng cao đầu tiên.

Tuy nhiên, một khi đã bắt đầu, tư duy này sẽ lan tỏa đến mọi phương diện cuộc sống của bạn, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những giá trị khác mà bản thân mình cho là quan trọng.

Chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra những năng lượng tinh thần và thể chất mà mình tiết kiệm được khi ngừng mua sắm liên tục.

Chúng ta cũng sẽ bắt đầu thấy rõ những lợi ích khi tiết kiệm thời gian và tiền bạc từ những cuộc mua sắm chạy theo số lượng.

Khi mua sắm những món đồ chất lượng hơn, với những giá trị mà chúng ta thực sự trân trọng, chúng ta thường chăm sóc tốt hơn cho chúng. Qua thời gian, sự gắn bó với món đồ ta có thể sử dụng lâu dài này cùng với chất lượng của nó sẽ mang đến chiều sâu và nhiều ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.

Theo Simple Minded