VĂN HÓA

Bản sắc truyền thống trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cẩm Chi • 19-04-2023 • Lượt xem: 12677
Bản sắc truyền thống trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Tinh hoa của 54 dân tộc qua các trò chơi dân gian, trang phục, lễ hội, điệu múa, sinh hoạt văn hóa truyền thống được tái hiện sống động và hấp dẫn trong "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023" diễn ra từ ngày 14 đến 19/4 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội).

Bản sắc dân tộc hội tụ

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2023, có sự tham gia của khoảng 200 người thuộc 17 cộng đồng dân tộc của 15 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền và khoảng 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại làng. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023 sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc như diễn đàn "Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước "; "Triển lãm giới thiệu bộ sưu tập hiện vật về văn hóa các tộc người"; "Tái hiện những lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc và các hoạt động thể thao quần chúng"… thu hút sự quan tâm của công chúng và du khách.

Triển lãm trưng bày gần 150 hiện vật gắn với đời sống văn hoá tộc người tại địa phương

Một trong những hoạt động để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng du khách thập phương phải kể đến không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đây là bức tranh thu nhỏ tái hiện chân thực đời sống văn hóa của từng dân tộc, để du khách trải nghiệm và hiểu thêm về cộng đồng 54 dân tộc đa sắc màu qua các trò chơi dân gian, trang phục, các trích đoạn lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Nổi bật như trình diễn giai điệu Tây Nguyên “Giấc mơ đại ngàn” của làng dân tộc Ê-đê; Giao lưu “Ngày hội vùng miền các dân tộc phía Bắc” tại làng dân tộc Thái; Tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer; nghi lễ nông nghiệp truyền thống “Mang lúa về kho” của dân tộc Mạ - Lâm Đồng; Lễ cúng ché của dân tộc Ê Đê - Đắk Lắk; Lễ Chá mùn của dân tộc Thái -  Thanh Hóa; chương trình giao lưu hàng ngày tại làng của các dân tộc Nùng, Tày, Dao, Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer. Ngoài ra, những khu vực tri thức dân gian; ẩm thực; trình diễn nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm đặc trưng, nhạc cụ dân tộc cũng thu hút khách tham dự.

Lễ cúng mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai

 

 Nghi lễ cúng tế thần linh trong lễ Chá Mùn của người Thái tỉnh Thanh Hoá

Bên cạnh đó, một số nghệ thuật trình diễn được UNESCO ghi danh và một số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; Nghệ thuật sân khấu Rô băm của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; Trích đoạn nghi thức truyền thống của dân tộc Mạ tỉnh Lâm Đồng, dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa …

Đồng bào người Mạ ở Lâm Đồng thổi tù để báo cáo thần linh về việc tổ chức lễ hội 

Các điệu múa của người Mạ mô phỏng những hoạt động trong cuộc sống thường nhật

Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam còn gây ấn tượng với người xem bởi không gian “Sen trong đời sống văn hóa Việt” thông qua 100 bức ảnh về sen. Những nghệ nhân tiêu biểu, Người có uy tín tại các địa phương có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ và tuyên dương tại “Ngôi nhà chung”.

Nhiều địa phương hưởng ứng

Tại Bắc Kạn, hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay, hàng trăm diễn viên quần chúng cùng cán bộ trung tâm văn hóa các huyện, thành phố đã tham gia phần thi biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian, trích đoạn các nghi lễ then cùng phong tục truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Hội thi trang phục dân tộc ở Bắc Kạn

Ở phần thi trình diễn trang phục truyền thống, các huyện đã giới thiệu những trang phục dân tộc đặc trưng trong lễ cưới, lễ hội ở địa phương mình như Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chỉ, Tày... Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trưng bày Triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Kạn” thu hút đông đảo các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

Tại Gia Lai, ngày hội diễn ra trong 2 ngày 14 - 15/4, với sự tham gia của gần 800 nghệ nhân các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Tày. Ngày hội đã thu hút trên 50 ngàn lượt người dân, du khách, các đoàn học sinh đến vui chơi, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa không gian sinh hoạt cộng đồng, trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đan lát, tạc tượng, dệt vải, tham gia các trò chơi dân gian ném còn, chọi cù, nhảy sạp, đi cà kheo…, 15 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng nông, lâm thổ sản, ẩm thực của địa phương.

Nghệ nhân khéo léo dệt thổ cẩm truyền thống với những hoa văn, màu sắc tinh tế

Tại một số địa phương như TP.HCM, Trà Vinh tổ chức tuyên dương gương thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu và tạo ra các không gian trải nghiệm "Một ngày hòa mình vào văn hóa các dân tộc Việt Nam".