ĐỜI SỐNG

Bánh chim Gâu Cao Lan, hương vị gắn kết tình mẫu tử

An Nhiên • 04-06-2022 • Lượt xem: 500
Bánh chim Gâu Cao Lan, hương vị gắn kết tình mẫu tử

Mỗi dân tộc đều sẽ có một món ăn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của mình. Người Cao Lan cũng vậy, ai đã đến đây mà không được một lần thử qua món bánh chim Gâu - món bánh đậm tình mẫu tử thì quả một điều đáng tiếc vô cùng.

Dân tộc Cao Lan hay còn được gọi với cái tên Sán Chay, thường sống nhiều ở Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang… Bánh chim Gâu được xem là một đặc sản nổi tiếng tại đây, không chỉ mang ý nghĩa về tình cảm mẫu tử, gắn kết các thành viên trong gia đình mà nó còn trở thành một món ăn không thể vắng mặt vào những dịp lễ, tết.

Câu chuyện về bánh chim gâu

Bánh Chim Gâu hay còn được gọi là bánh hình con chim cu gáy. Bắt nguồn từ một truyền thuyết nổi tiếng của người Cao Lan về nàng Lưu Tam. Chuyện kể rằng nàng Lưu Tam là một cô gái xinh đẹp, nết na lại giỏi ca hát, khiến những chàng trai trong bản si mê không chịu làm việc, đến nỗi dân làng đã sinh lòng ghen ghét nàng. Thấy em gái không được lòng mọi người, nên anh trai của Lưu Tam đã ép gả nàng đi và bắt nàng không được nói bất kì điều gì khi về nhà chồng.

Nghe theo lời anh, về nhà chồng nàng đã không nói chuyện với bất kỳ ai. Điều đó vô hình đã làm cho nhà chồng ghét bỏ và sai người đem nàng trả về nhà. Trên đường về, nàng nhìn thấy có con chim gâu chết ở bên đường với cái diều căng cứng. Cách đó không xa, nàng lại nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của những con chim non ở gần đó. Khi ấy nàng mới biết được con chim kia chết không phải vì ăn quá nhiều mà là để tha về tổ nuôi chim con. Cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng đó nàng đã lấy thức ăn trong diều của chim mẹ mớm cho chim non ăn, sau đó cắt lá dứa rừng đan làm giỏ đưa chúng về nhà nuôi.

Cách làm bánh chim gâu

Bánh chim gâu tuy có nguyên liệu đơn giản nhưng cách chế biến lại vô cùng cầu kỳ. Để làm được chiếc bánh này người thợ phải lên rừng tìm những chiếc lá dứa,  đây là loại lá mà người dân tộc nơi đây rất ưa thích. Chỉ có gói bánh chim gâu bằng lá dứa rừng thì mới tạo được hương thơm đặc trưng cho bánh. 

Để làm được chiếc bánh độc đáo, gạo nếp là nguyên liệu chính không thể thiếu, gạo nếp được chọn phải là loại gạo nếp ngon, được vo sạch, để ráo nước rồi trộn thêm ít muối tạo vị đậm đà. Ngoài ra, bánh còn có thể thêm một vài nguyên liệu khác như đậu xanh, nước tro, thịt lợn… Cầu kỳ hơn, người ta còn nhuộm gạo nếp bằng màu của loại lá cây, rau củ, để làm tăng nét hấp dẫn thơm ngon của bánh.

Phần lá dứa khi hái về sẽ đem đi rửa sạch, lau khô, tước bỏ phần gai, chẻ thân cứng để lá mềm dễ gói. Để có được một chiếc bánh vừa ngon vừa đẹp, thì người thợ làm bánh phải thật sự khéo léo đan lá dứa rừng lại thành hình con chim gâu. Sau đó nhồi gạo nếp vào trong lá, thêm phần nhân đậu xanh, hay thịt vào giữa, gói lại và mang đi luộc. Trong quá trình luộc, bánh phải được ngập hoàn toàn trong nước, sau một tiếng thì bánh sẽ chín. Người làm bánh sẽ vớt chúng ra để nguội, cuối cùng thì cắt đôi để thưởng thức.

Ý nghĩa sâu xa của bánh chim gâu

Từ câu chuyện truyền thuyết, người Cao Lan đã đan những chiếc lá dứa làm bánh chim gâu với hình dáng tựa như cái diều của chim mẹ, để thể hiện tình yêu thương và nhắc nhở sự quan tâm chăm sóc của những người trong gia đình là rất quan trọng.

Tuy là món ăn dân dã, nhưng bánh chim gâu đã ẩn chứa trong đó một tình mẫu tử thiêng liêng, sự gắn kết của người thân trong gia đình đối với nhau.