VĂN HÓA

Bảo tàng gốm Bát Tràng, nơi gìn giữ và phát triển văn hóa làng nghề

Nguyễn Hậu • 16-05-2023 • Lượt xem: 1449
Bảo tàng gốm Bát Tràng, nơi gìn giữ và phát triển văn hóa làng nghề

Bảo tàng gốm Bát Tràng mới mở cửa ngày 30-4 vừa qua đã thu hút được hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đến đây bạn không chỉ được khám phá vô vàn điều thú vị về gốm mà còn được trải nghiệm làm nghệ nhân gốm.

Bảo tàng gốm Bát Tràng tọa lạc tại số 28, thôn 5, làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, một làng nghề truyền thống nổi tiếng với lịch sử hình thành và phát triển hơn 600 năm. Bảo tàng là một công trình rộng lớn có diện tích 3.700 m2. Đây là nơi bảo tồn, trưng bày, triển lãm, tham quan, trải nghiệm làm gốm, mua sắm, đấu giá, quảng bá sản phẩm, kết nối nhà đầu tư với các cơ sở sản xuất...

Kiến trúc độc đáo ấn tượng của bảo tàng gốm Bát Tràng

Bảo tàng gốm Bát Tràng còn có tên gọi khác là Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, là một công trình kiến trúc có thiết kế độc lạ và vô cùng đẹp mắt, lấy ý tưởng từ những khối bàn xoay vuốt gốm truyền thống quen thuộc hàng trăm năm của người dân làng gốm.

Toàn cảnh khu bảo tàng diện tích 3.700 m2

Bà Hà Thị Vinh, chủ tịch HĐQT Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt cho biết: Bà muốn xây dựng lên một trung tâm để kể câu chuyện truyền thống của quê hương Bát Tràng. Bà muốn sử dụng kiến trúc để thể hiện nghề gốm vì vậy khi mọi người nhìn từ phía ngoài đã thấy ngay 7 cái trụ xoay chính là 7 cái bàn xoay để vuốt sản phẩm, đấy chính là biểu tượng ngôn ngữ của nghề.

Bà Hà Thị Vinh chủ tịch HĐQT Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt

Công trình có 7 trụ xoay với những đường cong uốn lượn mềm mại và tự do liên kết với nhau tạo thành lốc xoáy khổng lồ, mỗi trụ xoay lại mang vẻ đẹp khác nhau. Những đường cong uốn lượn giống như những con sóng của sông Hồng và có công năng sử dụng hữu ích như làm giá để trưng bày gốm và làm cầu thang để di chuyển lên tầng trên. Phía trong của 7 cái xoáy này diễn đạt lòng của lò bầu cổ nung gốm cách điệu của tổ tiên làng gốm.

Thiết kế đường cong độc đáo của bảo tàng

Công trình có màu chủ đạo là màu nâu đất, chính là màu của đất sét, nguyên liệu chính để sản xuất ra các sản phẩm gốm và màu nâu cũng là màu của phù sa sông Hồng. Với thiết kế độc đáo này phần khung phải sử dụng bê tông cốt thép chịu lực hiệu quả để tạo độ cong mềm mại cho tổng thể. Các sản phẩm đặc trưng của làng gốm Bát Tràng cũng được sử dụng hiệu quả để tạo nên nét đẹp rất riêng. Quảng trường, lối đi, bức tường trong bảo tàng được lát bằng gạch Bát Tràng, một loại gạch chỉ dùng để xây dựng lăng tẩm vua chúa, cung đình nguy nga ở Huế và Thăng Long Hà Nội.

Các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng gốm Bát Tràng

Bảo tàng được khởi công xây dựng từ năm 2018 với kinh phí 150 tỷ đồng và được mở cửa ngày 30-4 vừa qua đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan trải nghiệm.

Tầng 1 phía ngoài được giải phóng tối đa không gian được gọi là quảng trường bàn xoay có thiết kế như bậc thang ngược tạo thành một khu vực sảnh không gian mở vô cùng thoáng đãng kết hợp với 2 giếng trời lớn nhằm cung cấp ánh sáng tự nhiên. Vị trí trung tâm của tầng 1 là nơi trưng bày những tuyệt phẩm giá trị của các nghệ nhân làng nghề. Ngoài ra tầng 1 cũng được dùng để tổ chức các hoạt động như: festival, hội chợ, biểu diễn văn hóa văn nghệ truyền thống.

Tầng 1 của bảo tàng

Tầng 2 là nơi trưng bày những tác phẩm gắn liền với quá trình hình thành và phát triển qua các thời kỳ lịch sử, không gian được thiết kế giống như làng gốm bát tràng xưa và nay. Khi đến đây du khách sẽ có cái nhìn rõ nét nhất về sự thay đổi của sản phẩm gốm thông qua hình dáng, màu sắc, họa tiết trang trí.

Tầng 2 của bảo tàng

Tầng 3 là phòng trưng bày và bán các tác phẩm gốm đương đại, hiện đại, đây là không gian để du khách có thể mua hoặc đấu giá những sản phẩm nghệ thuật giá trị tại đây.

Tầng 3 của bảo tàng

Tầng trên cùng của bảo tàng được thiết kế khá đặc biệt là một quán cafe ngoài trời yên tĩnh với tầm nhìn ra sông xung quanh được đặt nhiều chậu cây cảnh xanh tươi tạo cảm giác thoải mái, thư giãn. Đây sẽ là không gian ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách sau khi đã thăm quan những tầng bên dưới.

Tầng thượng của bảo tàng

Tại trung tâm tinh hoa làng nghề Việt còn có một không gian trải nghiệm nghề gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng. Tại đây các du khách trong và ngoài nước có thể hóa thân thành một nghệ nhân làm gốm tài hoa tự sáng tạo ra sản phẩm gốm của riêng mình. Không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng rất thích thú với hoạt động này.

Khu trải nghiệm làm nghệ nhân gốm