VĂN HÓA

'Bầy cô đơn' – Lương Lưu Biên vẽ về sự dằn vặt

Văn Sáu • 15-07-2020 • Lượt xem: 1127
'Bầy cô đơn' –  Lương Lưu Biên vẽ về sự dằn vặt

Triển lãm “Bầy cô đơn” của Lương Lưu Biên khai mạc lúc 18 giờ ngày 17.7.2020 tại Craig Thomas Gallery (27i Trần Nhật Duật, Q.1, TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 6.8.2020.

Lương Lưu Biên là họa sĩ trường quy, với tay nghề thuộc dạng “thích vẽ gì cũng vẽ được”, nếu xét về kỹ thuật.

Thế nhưng anh lại chọn và xác lập lối vẽ như hiện tại, nơi pha trộn kỹ thuật hình họa trực tiếp với tinh thần biểu hiện gián tiếp. Kiểu vẽ “tận xương tủy” này hoàn toàn không chiều mắt, nên sẽ không thuộc về số đông, nhưng ai thích sẽ rất thích.

Tác phẩm "Bầy cô đơn" (chất liệu tổng hợp trên vải, khổ 200cm x 200cm)

Xem tranh của Lưu Lương Biên dù vẽ một người hoặc nhóm người đều là vẽ sự cô đơn và dằn vặt, kiểu như con người là một sinh vật dằn vặt - sinh ra chỉ để dằn vặt chính mình và dằn vặt người khác. “Tôi dằn vặt, vậy tôi tồn tại”.

Có lẽ, vì ngoài trí óc và trái tim, thì con người còn có nội tâm. Chính sự dằn vặt làm nên bản sắc của nội tâm, làm con người khác nhau, riêng rẽ và đa diện đến phức tạp. Tự mỗi người cũng là một thực thể phức tạp, dù thoạt nhìn, khá giống nhau.

Và vì vẽ về ý niệm này mà những gân guốc từ phô diễn kỹ thuật hình họa đến lạnh lùng mang lại cho người xem cảm giác về sự chơ vơ, “riêng đối diện tôi” của nhân vật. Và dường như có một sự căng thẳng giữa hi vọng và tuyệt vọng trong các tranh của bộ sưu tập lần này, nói sâu hơn về các tình trạng của con người.

Tác phẩm "Đợi" (chất liệu tổng hợp trên vải, khổ 150cm 150cm)

“Từ những không gian trầm mặc riêng tư, từ những cơ thể độc lập gào thét trong cô đơn, tôi tiến tới những bố cục đông người hơn, có tính bầy đàn, cộng đồng con người, xã hội. Tuy vậy, đây chỉ là cách nhìn thoát khỏi cái tôi độc lập và mô tả chúng trong trong một bối cảnh cùng tồn tại với nhau. Mỗi người vẫn là một thế giới và nó càng đơn độc hơn khi xếp cạnh nhau", họa sĩ Lương Lưu Biên viết. 

Điều không thay đổi trong phong cách độc đáo của họa sĩ chính là việc vận dụng kỹ thuật làm tranh sơn mài anh đã học để tạo ra những tác phẩm có hiệu ứng của điêu khắc trên bề mặt tranh. Là hoạ sĩ thông thạo về các tranh giải phẩu học hình thể, Biên hầu như chỉ vẽ các nhân vật trong tình trạng lõa thể, đặt trong một thế giới không có bối cảnh cụ thể, ngoại trừ màu sắc và tâm trạng. Biên cho biết: “Tính nhạc điệu không chỉ thể hiện ở bố cục tổng thể, nó ở trong những hình dáng cơ thể diễn đạt nhiều cảm xúc như những vũ công. Đây không chỉ là tổng hợp về chất liệu, nó tổng hợp cả về phương thức làm việc. Cách sắp xếp bố cục tạo hình hay đi nét gần với sơn mài, đồ hoạ in khắc, cách phủ màu mỏng nhiều lớp giống như sơn mài hay lụa”.

Một điểm khởi đầu đáng chú ý trong bộ sưu tập mới nhất lần này khi nhìn lại các tác phẩm trước đây của Biên là sự lựa chọn sáng tác trên những tấm toan khổ lớn nếu so với các bộ sưu tập trước đây. Bố cục tranh cũng lớn hơn. Ví dụ tranh gồm hai tấm ghép Bầy Cô Đơn, có phong cách mà hoạ sĩ bảo là nhắc nhớ đến những bức tranh thời kỳ Phục Hưng đông đúc người và những sân khấu múa hoành tráng.

Biên viết: “Những bố cục lớn cũng là những nghi hoặc về ý nghĩa sống, ý nghĩa của tự do và chung sống. Những vận động, dịch chuyển, tranh chấp để đạt được những mục đích sống thực dụng nào đó hay những lạc lối, hoang mang trên con đường tìm kiếm những niềm tin tôn giáo, dẫn đến những nơi chốn vĩnh cửu, thường hằng và chân thật”. 

Với bộ sưu tập mới nhất Bầy Cô Đơn, Lương Lưu Biên một lần nữa giới thiệu loạt tranh giàu cảm xúc biểu hiện về sự mong manh và cô lập của con người, và những cảm xúc đó cũng là khung cửa sổ hé mở thế giới tinh thần, tâm hồn của hoạ sĩ. Khi xem lại cả bộ sưu tập, có thể thấy sự tiếp tục tiến hoá trong phong cách của Biên, một trong các hoạ sĩ thị giác rất thú vị của Việt Nam, đồng thời thể hiện hoạ sĩ đang ở đỉnh cao trong kỹ thuật hội hoạ của anh.