VĂN HÓA

Bến hồng nhan - Vẻ đẹp sâu đằm của người phụ nữ

Hoàng Ngọc Điệp • 02-04-2023 • Lượt xem: 5978
Bến hồng nhan - Vẻ đẹp sâu đằm của người phụ nữ

Đào Sỹ Quang là lính của sư đoàn 304, từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Đi qua chiến tranh, anh lính trẻ quê Thái Nguyên may mắn trở về, ngoài vết thương do đạn pháo, anh còn trải qua hai lần mổ và thay van tim. Hiện tại, người cựu chiến binh dáng mong manh như cây sậy, ngỡ gió thổi là… bay, đang sống và viết văn, viết báo ở thành phố công nghiệp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Bất chấp sức khỏe phập phù, nhịp tim yếu ớt khi nhanh khi chậm, Đào Sỹ Quang vẫn không ngừng viết và là tác giả của nhiều tập truyện ngắn, bút ký trong đó có những tập đạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Giải thưởng Trịnh Hoài Đức - giải thưởng VHNT lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, được tổ chức 5 năm/ lần.

“Bến hồng nhan” là tập truyện ngắn mới nhất của Đào Sỹ Quang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023 (tên tập sách cũng là tên một truyện ngắn của ông đã được giới thiệu trên Tạp chí Văn Nghệ của Liên hiệp các Hội VHNT Thành phố Hồ Chí Minh). Với 12 truyện khá kiệm chữ, tập sách đánh dấu bước tiến mới của Đào Sỹ Quang trên hành trình văn chương, đây cũng là cuốn sách in đậm dấu ấn sáng tạo của ông về hình tượng người phụ nữ.

“Bến hồng nhan” có cốt truyện không mới, vẫn là chuyện của người phụ nữ ở làng quê trong chiến tranh. Chị Tính có một tình yêu đẹp với người trai làng tên Phú, ghi dấu bằng việc chị tặng anh chiếc khăn mùi soa do chị tự tay thêu dòng chữ mãi mãi yêu anh và nụ hôn vội vàng bên bờ sông Suông ngày anh Phú nhập ngũ. Ký ức về lần tự tình duy nhất đã trở thành điểm tựa tinh thần giúp chị đằng đẵng chờ người yêu đến hết cả xuân xanh. Tính vừa quần quật với việc đồng áng vừa phải đối phó với đám đàn ông trong làng vợ con đùm đề còn tranh thủ “thừa nước đục thả câu”. Chị từng bị nghi là “ái nam ái nữ” khi nhiều năm để “cánh đồng mình khô hạn”, từng suýt “tát vào mặt” anh chàng Toe vì một câu đùa nhả, từng đuổi thẳng cổ ông Nhạc bí thư chi bộ thôn vì thói cơ hội, mượn cớ trú mưa để “thả dê”. Bất an là thế, Tính vẫn âm thầm chịu đựng vì như chị nói với vợ bí thư Nhạc “nói ra để gia đình chị tan nát à?”. Thế rồi anh Khương, bạn chiến đấu của Phú tìm về tận làng quê Tính với ý nguyện thăm vợ người bạn đã hy sinh. Tình cảm giữa chị Tính và anh Khương chưa kịp nảy nở thì vết thương cũ của Khương tái phát, chị lại chăm anh như vợ chăm chồng, cho đến khi anh qua đời. Trớ trêu là ai cũng tưởng Tính đã có chồng, trong khi người phụ nữ này thực ra vẫn “chưa một lần được làm vợ”, chưa một ngày được sống cuộc sống lứa đôi đúng nghĩa.

“Bến hồng nhan” trải ra tự nhiên, chân thật, như thể tác giả chỉ “sao chụp” lại cuộc sống vốn có, không cần phải dụng công hư cấu, sắp đặt. Một trận mưa lớn bất ngờ trút xuống, hé lộ bao điều thú vị: ông Bí thư chi bộ Nhạc “ham của nếp” nhưng nhát gan, gã Toe láu cá “ máu liều nhiều hơn máu não” mà vô cùng thực dụng, chị Tính gan góc và can trường đến mức thản nhiên… tất cả đều sinh động, lôi cuốn bạn đọc. Không nhiều lời, rất ngắn gọn, súc tích nhưng “Bến hồng nhan” cho thấy tác giả dẫn truyện, khắc họa tính cách nhân vật qua ngôn ngữ, hành động… rất nhuần nhuyễn, uyển chuyển và đậm dấu ấn cá nhân. Chị Tính không được tác giả mô tả ngoại hình, cuộc đời của chị cũng không nhiều biến cố, nhiều sự kiện, nhưng người phụ nữ “thủy chung với cả người đã chết” vẫn khiến ta xúc động bởi vẻ đẹp tâm hồn phụ nữ Việt Nam đằm thắm, vị tha, dũng cảm, đáng để người đời ngưỡng mộ.

Không chỉ có chị Tính trong “Bến hồng nhan”, nhân vật mẹ Nghiệp trong truyện ngắn cùng tên cũng là một hình tượng đẹp của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Người mẹ Quảng Bình có chồng, con hy sinh, nỗi đau mất mát để lại trên cơ thể mẹ “những đường gân xanh, những nếp nhăn khắc trên gương mặt”. Người mẹ ấy vượt lên nỗi riêng bằng nghĩa cử cao quý: ngày nào cũng nấu cháo cá ớt cho bộ đội, thương binh ăn cho mau phục hồi sức khỏe. Nhờ món cháo cá ớt trứ danh của mẹ mà nhiều người lính, kể cả những người vì thương tật đau đớn mà trở nên bẳn tính, khó chiều đã hồi sinh, tiếp tục ra mặt trận. Hỏi mẹ đã nấu bao nhiêu nồi cháo cá ớt, mẹ trả lời giản dị: “Trên trời có bao nhiêu ngôi sao thì tau nấu bấy nhiêu nồi cháo”. Người mẹ vô danh, bình dị như hạt lúa, củ khoai ấy khiến người ta phải rưng rưng, cúi đầu tri ân sự hy sinh vô bờ bến của mẹ cho Tổ quốc, cho hòa bình, độc lập dân tộc.

Những hình tượng phụ nữ như chị Tính, mẹ Nghiệp thể hiện cái nhìn ưu ái, trân trọng của Đào Sỹ Quang với người phụ nữ, đó cũng là dấu son nổi bật trong hoạt động sáng tạo của tác giả.

Ngoài “Bến hồng nhan”, tập sách còn 11 truyện ngắn khác khá đa dạng, không gian trải dài từ Bắc vào Nam, cho thấy tác giả dày dạn trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực, có thể đưa vào trang sách đủ chuyện xưa và nay, có năng lực xây dựng tính cách nhiều loại nhân vật. Bạn đọc bắt gặp một Mít Tơ Thọi chuyên nghề san lấp mặt bằng, vẻ ngoài bặm trợn nhưng bên trong“ rất thương những ai bị bắt nạt, nhất là phụ nữ” ( Mít Tơ Thọi), một tiến sĩ Còm suốt nhiền năm “Tây học” vẫn day dứt chuyện hồi bé quá ham học, đã lấy trộm 3 đồng của nhà hàng xóm để mua sách (Quan tòa cuối cùng), một cán bộ Côi bị tiếng keo kiệt, “phong độ mà đi gom từng mảnh giấy, sắn vụn” thực chất là người âm thầm làm việc thiện (Người phố tôi), một chàng lính trẻ Đỗ Thành Thật ham chơi, sau N lần bị đơn vị xử phạt đã quyết tâm“ trở thành một chiến sĩ giỏi trong huấn luyện” (Một cú nhảy)…

Có thể nói, cái duyên truyện ngắn của Đào Sỹ Quang kết hợp khả năng sử dụng chi tiết, ngôn ngữ đầy biểu cảm, cách đặt tên nhân vật “không đụng hàng” với Toe, Chằng, Thọi, Quành, Coong, lối hành văn tưng tửng… Đào Sỹ Quang viết nhiều đề tài nhưng thành công nhất của ông là viết về phụ nữ, về làng quê Việt với những con người hồn hậu, chân chất như chị Tính, mẹ Nghiệp, anh Tình… Thế giới nhân vật của ông trong đó nổi bật là phụ nữ luôn tràn đầy sức sống, cá biệt, không trộn lẫn, góp phần tạo nên nét độc đáo trong nghệ thuật viết truyện ngắn của tác giả.

“Bến hồng nhan”- một cuốn sách đáng có mặt trong giá sách của bạn.