ĐỜI SỐNG

Bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết tăng cao: Người dân không tự ý truyền dịch tại nhà

DDVN • 27-08-2022 • Lượt xem: 241
Bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết tăng cao: Người dân không tự ý truyền dịch tại nhà

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue đang có dấu hiệu tăng cao đột biến và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Các ca nhiễm sốt xuất huyết trở nặng

Từ đầu năm 2022 tới nay, Hà Nội ghi nhận gần 1 nghìn ca bệnh sốt xuất huyết (tăng gấp 2 lần so với năm 2021). Số lượng bệnh nhân tăng cao trong 1-2 tuần gần đây, thậm chí có những ca bệnh nặng. Nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố như bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương... đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng 6 đến nay Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra. Các bác sĩ dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới, khi tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 và tháng 9.

Tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hiện nay đang có 4 ca sốt xuất huyết trở nặng, trong đó có 2 ca đang rất nguy kịch phải thở máy vì bệnh nhân có bệnh lý nền là đái tháo đường. Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau đầu, đau mỏi người, tự đi khám và điều trị tại nhà 2 ngày, nhưng cảm thấy mệt hơn, nên người nhà đưa vào Bệnh viện Đan Phượng và được chuyển tới Bệnh viện Đống Đa với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 6. Sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu nặng lên, nên tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương để theo dõi.

Các bác sĩ đang điều trị bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết bị trở nặng

Cũng như các bệnh viện khác, Bệnh viện Hữu Nghị từ đầu mùa đến nay cũng tiếp nhận khoảng hơn 20 ca bệnh nhiễm sốt xuất huyết. Các ca bệnh này nhập viện khi đã trở bệnh khá nặng, hạ tiểu cầu sâu và có các biểu hiện xuất huyết ngoài.

Khi mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cho biết, hiện nay Hà Nội đang đối mặt với dịch COVID-19 lẫn dịch sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết thường trở nặng từ ngày thứ 4, lúc này bệnh nhân bị thoát huyết tương, tăng thấm thành mạch. Nếu có dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, bồn chồn, vật vã... cần nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị.

Trong những ngày qua, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 29 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Chỉ riêng 2 tuần nay, tại Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 8 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trong đó có 1 bệnh nhân đã tử vong. Có 3 trường hợp sức khỏe tiến triển và được chuyển về tuyến dưới để theo dõi thêm.

"Người dân tuyệt đối không được tự điều trị và truyền nước ở nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế vì điều này rất nguy hiểm. Khi truyền dịch tại nhà bệnh nhân có khả năng bị sốc phản vệ với dịch truyền, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Và không phải bệnh nhân nào cũng phải truyền dịch và đủ điều kiện truyền dịch như trang thiết bị sát khuẩn, bông, cồn... không đảm bảo. Đặc biệt, sốt xuất huyết có những giai đoạn có thể và không thể truyền dịch. Trong ngày đầu tiên có thể truyền dịch được, còn những giai đoạn bệnh nhân đang trong tình trạng thoát dịch hoặc tăng tính thấm thành mạch, việc truyền dịch không được kiểm soát rất dễ dẫn tới tình trạng tràn dịch màng phổi, màng tim... gây suy hô hấp, suy tuần hoàn, vô hình trung khiến bệnh trở nặng thêm" - bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Hiện miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nhất là thời tiết mưa nhiều, muỗi truyền bệnh phát triển, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh, mỗi người dân cần cảnh giác phòng bệnh; nhất là khi bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt bọ gậy, tránh để nước đọng, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, mặc áo dài tay, dùng kem bôi tránh muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày và ban đêm...

Theo Dạ Thảo/1thegioi.vn