VĂN HÓA

Bhutan - Đất nước chấp nhận 'lạc hậu' để giữ rừng xanh

Cẩm Chi • 16-06-2023 • Lượt xem: 1446
Bhutan - Đất nước chấp nhận 'lạc hậu' để giữ rừng xanh

Khi thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên, thì Bhutan lại là quốc gia hiếm hoi trên thế giới có nồng độ khí thải ở mức âm. Đối với họ, bạt ngàn của rừng, thảm thực vật thuần tự nhiên quý giá hơn bất kỳ sự giàu có, tiền bạc và sự phát triển nào. 

Tình yêu vĩ đại với màu xanh của rừng

Không chỉ thải ra lượng khí CO2 rất thấp mà Bhutan còn hút được số CO2 cao gấp 3-4 lần so với lượng thải ra, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nơi đây được đánh giá là xanh nhất hành tinh, với diện tích rừng xanh bao phủ khoảng 72% lãnh thổ, trong đó hơn một phần ba nằm trong mạng lưới các khu bảo tồn. Các khu rừng có tác dụng như một “bồn rửa các-bon tự nhiên”, hấp thụ hầu hết khí CO2 tại Bhutan.

Đặc biệt, Bhutan luôn giữ vững những nguyên tắc để bảo vệ môi trường duy nhất và là quốc gia duy nhất quy định nhiệm vụ trong Hiến pháp là phải duy trì ít nhất 60% diện tích có rừng che phủ. Từ những năm 1970, vua đã đưa ra chính sách bảo vệ sinh thái trong đó cấm mọi hoạt động phá rừng vì mục đích thương mại; lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn vào năm 1999; người dân tự ý chặt cây mà không được cho phép sẽ luôn bị phạt nặng thậm chí có thể vào tù; sắc lệnh của nhà vua quy định nếu ai đốn 1 cây xanh vì bất kỳ mục đích nào phải trồng bù 3 cây mới… Thậm chí trong ngày Vua và Hoàng hậu sinh hạ quý tử, người Bhutan đã trồng 108.000 cây xanh để chào mừng. Sự kiện này đã tạo nên một kỷ lục thế giới về tình yêu màu diệp lục của người Bhutan. 

 

Mảng xanh ngút ngàn bao phủ hầu hết đất nước Bhutan.

Kể từ đó đến nay, các quy định mới và tiến bộ công nghệ đã giúp quốc gia này giảm thiểu carbon. Máy bay không người lái và hình ảnh vệ tinh hiện có thể kiểm soát mọi hành vi phá rừng bất hợp pháp. Tỉ lệ rừng bao phủ cao góp phần duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên của đất nước này. Năm 1999, Hoàng gia Bhutan đã xây dựng một hành lang sinh học để kết nối những khu vực được bảo vệ với nhau, tạo thành một vùng tự do cho sinh vật tự nhiên, động vật hoang dã có cơ hội sinh tồn và phát triển cao hơn.

Một trong những cách mà Bhutan áp dụng bảo vệ rừng là hạn chế phát triển du lịch, du khách và bất cứ ai tới với đất nước này đều phải chung tay góp phần vào việc trồng rừng. Hầu như không có những du khách độc lập mà hoạt động du lịch tại Bhutan phải thông qua một công ty dẫn tour đã được chính phủ phê duyệt. Từ tháng 9/2022, số tiền thuế "phát triển bền vững" áp dụng cho bất kỳ khách du lịch muốn thăm Bhutan đã tăng gấp 3 lần. Từ 65 USD, giờ thuế này đã tăng lên đến 200 USD/đêm, một cách để khiến khách du lịch phải đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường.

Người dân Bhutan có ý thức trồng cây, dọn dẹp rác thải, bảo vệ môi trường rất cao

Để bảo vệ đất và rừng, chống xói mòn, Bhutan tạo ra điện bằng cách sử dụng thủy điện chứ không xây đập. Điện sinh hoạt được tạo ra thông qua các turbin đặc biệt được đặt trực tiếp trên sông. Với những ngôi làng xa xôi không có đường điện, chính phủ cung cấp tấm pin mặt trời.

Nói không với nhựa, nylon, hóa chất

Suốt nhiều năm, Chính phủ Bhutan đo lường sự tiến bộ của xã không phải bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng bằng “Tổng hạnh phúc quốc dân” (Gross National Happines – GNH), và môi trường thiên nhiên nguyên sơ, đa dạng chính là sự giàu có của đất nước. Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết: "Ở Bhutan, chúng tôi tin rằng phá rừng, phá biển không phải là cách để thịnh vượng dài lâu. Chỉ có cách bảo vệ thiên nhiên, môi trường, chăm sóc cho chất lượng cuộc sống người dân, thì quốc gia đó mới được coi là phát triển”. Nhiều người dân Bhutan đều cho rằng: Con người sống chung với thiên nhiên, đối xử với môi trường như thế nào thì sẽ nhận lại như vậy.

Người dân Bhtan tự hào về thực phẩm cây trái an toàn, không thuốc gây hại sức khỏe.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi chỉ với hơn 800.000 dân, Bhutan thực sự là 'quốc gia mẫu mực' về bảo vệ hiện trạng thuần khiết của thiên nhiên, cùng với đó là hành động giết mổ động vật là cấm kỵ. Chính nhờ điều này giúp Bhutan ngăn được nạn săn bắn, khai hoang và làm ô nhiễm rừng và trở thành một trong số ít nơi trên thế giới có đa dạng sinh học rất lớn của hành tinh.

Trong hàng thập kỷ qua, chính phủ Bhutan đưa ra nhiều sáng kiến nhằm đưa nền nông nghiệp của đất nước 100% hữu cơ vào năm 2020 và không có chất thải vào năm 2030. Điều ngạc nhiên là người nông dân nơi đây không hề sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản để trồng rau củ quả. Túi nilon cũng bị cấm sử dụng, thay vào đó người Bhutan sử dụng túi cotton để đựng hàng hóa. Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản là những thứ xa lạ. Vì thế, bất cứ ai đều rất yên tâm bởi rau quả ở đây hầu hết là rau quả hữu cơ sạch 100%.

Ẩm thực thuần chay giúp người dân Bhutan khỏe mạnh và ít bệnh tật.

Ý thức cao về sự gắn kết với thiên nhiên, sống giản dị, và điều thực sự đặc biệt là người Bhutan luôn tồn tại một ý niệm thống nhất về lòng biết ơn, hạnh phúc cộng đồng và bản sắc dân tộc. Nhiều người tin rằng tổ tiên của loài người đi ra từ rừng. Cho nên, khát vọng gắn bó với thiên nhiên có tự tiền kiếp. Được hòa nhập với thiên nhiên là cốt yếu của khái niệm hạnh phúc. Nếu đúng vậy, thì Bhutan sẽ cho mỗi người một thứ hạnh phúc thật nhiệm màu.