VĂN HÓA

Bí ẩn nhân vật trong những tranh chân dung nổi tiếng

Cẩm Chi • 08-05-2023 • Lượt xem: 3215
Bí ẩn nhân vật trong những tranh chân dung nổi tiếng

Dù được các họa sĩ lấy cảm hứng từ người thân, bạn bè hay có khi là nhân vật tưởng tượng, không có thật, những bức tranh chân dung nổi tiếng vẫn mang giá trị sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao trong nhiều thế kỷ.

Mona Lisa

‘Mona Lisa’ của Leonardo da Vinci chính là kiệt tác nổi tiếng nhất mọi thời đại được vẽ vào năm 1506. Đây là bức chân dung miêu tả hình ảnh một người phụ nữ ngồi trong loggia trước khung cảnh thiên nhiên mờ ảo, nổi bật là ánh mắt nhìn vào người xem và nụ cười nhẹ nhàng đầy bí ẩn.  

Thực chất Mona Lisa là ai là một ẩn số suốt nhiều thế kỷ. Vào năm 2005, các học giả người Đức đã tìm thấy một đoạn phê bình tác phẩm thuộc bản thảo Heidelberg khẳng định nhân vật xuất hiện trong tranh chính là Lisa del Giocondo (née Gherardini). Theo tư liệu, bà là một thành viên của gia đình Gherardini tại Florence và vợ của một thương nhân tơ lụa giàu có, Francesco del Giocondo. Bức tranh được đặt hàng cho ngôi nhà mới của họ đồng thời để kỷ niệm ngày sinh của đứa con trai thứ hai, Andrea. Tuy nhiên, bức tranh không bao giờ được giao cho người đặt tranh của nó mà được ông giữ bên mình đến cuối đời.

Bức Mona Lisa hiện tại được trưng bày tại bảo tàng Louvre – Paris, nhưng nó không phải là bức duy nhất. Trong nhiều thế kỷ có rất nhiều họa sĩ đã vẽ lại bức tranh này. Kỉ lục Guinness Thế giới ghi nhận “Mona Lisa” có giá trị bảo hiểm cao nhất cho một bức tranh trong lịch sử.

Girl with a Pearl Earring (Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai)

‘Girl with a Pearl Earring’ vẽ năm 1665, là tác phẩm xuất sắc nhất sự nghiệp của họa sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer. Tranh tái hiện dung mạo của một cô gái châu Âu vô danh mặc chiếc váy và đầu đội khăn xếp kì lạ trong sắc xanh pha lê mang hơi hướng phương Đông, nổi bật trên nền vải màu vàng rơi xuống phía sau bờ vai, và đeo một chiếc bông tai ngọc trai lớn. Vẻ đẹp khuôn mặt và đôi mắt của cô bừng sáng giữa khoảng đen huyền ảo. Một giả thuyết phổ biến nhất cho rằng nhân vật đó là Maria Vermeer, người con gái đầu của Vermeer. Tuy nhiên, đây vẫn là một câu trả lời gây tranh cãi.

Bức tranh của danh họa thực tế là một bức tranh tronie - trong tiếng Hà Lan ám chỉ những người vô danh, nhân vật giả tưởng với những nét vẽ phóng khoáng. Trường phái này đã phổ biến trong thời kỳ hoàng kim của hội họa Hà Lan, khi các nghệ sĩ sử dụng những đối tượng vô danh cho các tác phẩm “chân dung”. Girl With a Pearl Earring đã "lưu diễn" ở Mỹ, Ý và Nhật Bản, thu hút rất đông người xem, củng cố thêm vị thế là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới.

American Gothic (người Mỹ Gothic)

Là một trong những bức tranh được công chúng đón nhận nhất trong nghệ thuật Mỹ thế kỷ 20, American Gothic được họa sĩ Grant Wood hoàn thành vào năm 1930. Rất nhiều người xem tranh đều nghĩ rằng đây là một cặp đôi vợ chồng miền nông thôn, nhưng thực tế bức tranh lại khắc họa chân dung của một bộ đôi kỳ lạ: em gái của họa sĩ – Nan Wood Graham và người nha sĩ của gia đình – Dr. Byron McKeeby.

Cảm hứng sáng tạo nên bức tranh có được khi họa sĩ nhìn thấy ngôi nhà của Dibble (chủ sở hữu đầu tiên của căn nhà), một ngôi nhà đầy tính hội họa theo kiểu Tân Gothic tại vùng nông thôn Eldon, Iowa. Thay vì thuê người làm mẫu cho bức tranh, ông đã nhờ đến Graham và McKeeby. Không giống với nhiều họa sĩ khác thường tìm những cô gái khêu gợi để làm mẫu hoặc gia tăng cảm xúc sáng tạo, Grant rất yêu quý em gái và thường vẽ cô. Ông cũng vẽ nhiều bức tranh nổi tiếng về em gái.

Bức tranh được gửi tới triển lãm thường niên năm 1930 tại Viện Nghệ thuật Chicago, tại nơi đây bức tranh đã giành được huy chương đồng và nó đã được mua lại bởi bảo tàng địa phương. “Người Mỹ Gothic”, đã được ứng dụng lại rất nhiều trong văn hóa đại chúng.

"The Kiss" (Nụ hôn) và quý bà Adele Bloch-Bauer

"The Kiss" của danh họa Gustav Klimt ra đời năm 1907 - thời kỳ hoàng kim của Klimt, mô tả khoảnh khắc đôi trai gái đang ôm và trao nhau nụ hôn trên bãi cỏ đầy hoa dại. Giới chuyên môn cho rằng nhân vật trong tranh là Klimt và nhà thiết kế thời trang Emilie Flöge - bạn gái họa sĩ khi đó. Số khác cho rằng nhân vật nữ là người mẫu Red Hilda - từng xuất hiện trong các bức Woman with Feather Boa, Goldfish, Danaë của ông.

Lấy cảm hứng từ những bức tranh khảm, Klimt đã dát vàng lên tác phẩm, tạo sự lấp lánh, tao nhã. Tranh kết hợp nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau. Lá vàng gợi nhớ đến các tác phẩm nghệ thuật Byzantine trong nhà thờ San Vitale. Bố cục tranh ảnh hưởng của các bản in Nhật Bản. Hoa văn tương phản trên áo choàng của hai nhân vật là đặc trưng của phong trào nghệ thuật và thủ công thời bấy giờ.

Cũng là tranh sơn dầu gắn những lá vàng ròng, danh họa còn nổi tiếng bởi bức Adele Bloch-Bauer - một quý bà giàu có, hào phóng, chuyên bảo trợ cho những tài năng hội họa ở thành Vienna, Áo. Gustav Klimt là một trong những tài năng hội họa được bà Adele bảo trợ. Khi đó quý bà Adele mới 22 tuổi, bà viết thư cho danh họa Klimt để bàn về việc thực hiện một bức chân dung mà chồng bà dự định đem tặng trong lễ kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ vợ. Để đáp lại tấm thịnh tình của quý bà, Gustav Klimt đã từng thực hiện hai bức chân dung về bà đầy chiều sâu và quyền quý.

Trong tranh, quý bà Adele mặc chiếc váy để lộ vai trần, ngồi trên một ngai vàng được cách điệu hóa, ánh mắt của bà nhìn về phía người xem chứa đựng cả sự yếu đuối và niềm tự hào. Người họa sĩ đã thực sự khiến vị ân nhân của mình trở thành một biểu tượng với nhan sắc được muôn đời nhớ đến. Những bức tranh khắc họa chân dung Adele từng được xem là biểu tượng văn hóa, được ví như “nàng Mona Lisa của nước Áo”, biểu tượng kinh điển trong giới mỹ thuật và đạt mức giá thuộc vào hàng “khủng” nhất thế giới.

Chân dung Arnolfini

Jan van Eyck là một họa sĩ người Hà Lan – Bỉ, một trong những họa sĩ quan trọng nhất thời kỳ Phục hưng đầu tiên. “Chân dung Arnolfini” (hay còn gọi là “Đám cưới của Arnolfini”), tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, là một bức chân dung toàn thân đôi, vẽ thương gia người Ý, Jac di Nicolao Arnolfini và vợ.

Người phụ nữ trong bức tranh không phải là người vợ đầu tiên của ông Costanza Trenta khi bà qua đời năm 1433. Sau đó, người ta cho rằng người phụ nữ được miêu tả trong tranh là Giovanna Cenami nhưng họ lại tìm thấy vào năm 1994 rằng đám cưới của Giovanni Arnolfini và Giovanna Cenami xảy ra vào năm 1447, sáu năm sau cái chết của Van Eyck. Do đó danh tính của bà vẫn còn là một ẩn số.

Chân dung Arnolfini được coi là một trong những bức tranh nguyên bản và phức tạp nhất trong nghệ thuật phương Tây. Nó đặc biệt được công chúng chú ý vì vẻ đẹp, biểu tượng phức tạp và việc áp dụng chính xác kĩ thuật vẽ trong gương cầu lồi.

Giấc mơ (Le Rêve)

Picasso được đánh giá là họa sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại và bức tranh này có lẽ là bức chân dung nổi tiếng nhất của ông. Bức tranh vẽ tình nhân người Pháp của ông Marie-Thérèse Walter.

Không giống như người tình sau này của mình, Dora Maar, người mà Picasso thường miêu tả lại rằng ông thường bị “tra tấn” hoặc “đe dọa”, Marie-Therese thường xuất hiện dưới hình ảnh cô gái tóc vàng, tỏa sáng rực rỡ trong tranh.

Vào tháng 3 năm 2013, “Giấc mơ” đã được bán trong một thương vụ cá nhân với giá 155 triệu đô la, khiến nó trở thành bức tranh đắt thứ năm từng được bán tại thời điểm đó. Tính đến tháng 8 năm 2017, mức giá này là mức cao thứ hai từng được giao dịch cho việc mua một bức tranh của Picasso sau bức “Những người phụ nữ ở Algerie (Women of Algiers), được bán với giá 179,4 triệu đô la vào tháng 5 năm 2015.