VĂN HÓA

Bí mật về những chiếc mũ của quan lại triều Nguyễn 'độc và lạ' tại Việt Nam

Vũ Kim Lộc • 02-11-2021 • Lượt xem: 562
Bí mật về những chiếc mũ của quan lại triều Nguyễn 'độc và lạ' tại Việt Nam

Hiện có 9 chiếc mũ của quan lại Triều Nguyễn còn lưu giữ (trong đó 4 chiếc thuộc tài sản nhà nước đang ở các bảo tàng, 5 mũ thuộc tài sản tư nhân), cho thấy sự phong phú về kiểu dáng, loại hình trang sức, trang trí của hiện vật.

Qua phiên đấu giá cổ vật của Việt Nam tại Tây Ban Nha vào ngày 28.10.2021, kết quả thật bất ngờ với 600.000 euro được gõ búa cho chiếc mũ quan lại triều Nguyễn, 140.000 euro cho chiếc áo mệnh phụ, 35.000 euro cho chiếc áo mãng bào (các giá này mới chỉ là giá gõ búa, chưa có 30% thuế và phí). Hiện tượng này chưa từng xảy ra trong các phiên đấu giá cổ vật của Việt Nam từ trước đến nay.

Chiếc mũ Xuân Thu có niên đại được xác định vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương  SƯU TẬP CỦA VŨ KIM LỘC

Chiếc mũ Phốc Vuông của Đô Thống chế Lê Văn Phong đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Chiếc mũ Đầu Hổ của Thống chế Thoại Ngọc Hầu  VŨ KIM LỘC

Cần quảng bá rộng rãi về nghệ thuật mũ quan triều Nguyễn

Hiện tượng đáng mừng, phản ánh được phần nào tư duy của các nhà sưu tập đã không còn đi theo lối mòn, họ đã quan tâm đến những gì độc và lạ gắn liền với đẳng cấp trong xã hội. Như chiếc mũ đấu giá nêu trên, với phẩm hàm Chánh Nhất phẩm trở lên, còn độc đáo ở chỗ là ngoài nghệ thuật kim hoàn ra, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa. Riêng khoản này đã cho thấy mức độ "đọc và lạ" của các mũ quan lại triều Nguyễn so với những hiện vật của thế giới rồi, đó là chưa kể đến sự tỉ mỉ khéo tay trong đan kết, bởi kết một chiếc mũ nghệ nhân giỏi trong cung đình cũng phải mất vài tháng.

Chính vì những vấn đề nêu trên, nên nhân đây cũng muốn quảng bá rộng rãi về nghệ thuật mũ quan triều Nguyễn. Bởi hiện nay trên các trang mạng xã hội, không riêng gì các nhà sản xuất phim cổ trang, mà còn có rất rất nhiều bạn trẻ ở mọi miền đất nước kể cả ở nước ngoài, họ đều yêu thích trang phục cổ nói chung, và có xu hướng phục dựng lại các nét đẹp trong trang phục truyền thống ở Việt Nam. Thế nhưng họ đều vấp phải vấn đề vô cùng nan giải đó là mũ, bởi trong đó với kỹ thuật đan kết chất liệu bằng lông đuôi ngựa đã thất truyền, tiếp đến là ghi chép sơ sài trong tài liệu lịch sử.

Như về mũ miện của triều Nguyễn, mặc dầu đã được ghi trong điển chế, nhưng khi đọc để hiểu thì cũng không phải là dễ nếu như loại mũ đó chỉ còn tồn tại trong tranh ảnh và khi đã đầy đủ về tư liệu, thì cũng chưa hẳn là tường tận nếu không có hiện vật cụ thể. Đó là chưa kể đến kiểu dáng của mũ cùng với hoa văn và quy luật trang trí đã gây rất nhiều khó khăn cho người thực hiện.

Hiện nay, được biết có 9 mũ của quan lại nhà Nguyễn hiện tồn, trong đó 4 mũ thuộc tài sản của nhà nước hiện đang được lưu giữ tại các Bảo tàng, 5 mũ thuộc tài sản của tư nhân. Những chiếc mũ này được sắp xếp theo thứ tự niên đại như sau:

* Chiếc mũ Xuân Thu có niên đại được xác định vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương (1738 - 1765), thuộc sưu tập của nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc tại TP.HCM.

Mũ Giải Trãi của “Thiên vương Thống chế”, niên đại được xác định vào cuối đời vua Minh Mạng

Chiếc mũ Đầu Hổ được xác định vào đời vua Thiệu Trị

Hai mũ Phốc Tròn và mũ Văn Công của quan Nhất phẩm Cao Hữu Dực (1800 - 1859)  T.L VŨ KIM LỘC

* Chiếc mũ Phốc Vuông của Đô Thống chế Lê Văn Phong (năm sinh không rõ, năm mất 1824). Ông được phong chức Đô Thống chế Tả dinh quân Thần sách ngay sau khi triều Nguyễn Thành lập (1802). Mũ có niên đại đầu đời vua Gia Long (1802 - 1819), hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

* Chiếc mũ Đầu Hổ của Thống chế Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829). Chức vụ cao nhất của ông vào năm Minh Mạng thứ hai (1821) là “Thống chế, Bảo hộ Cao Miên, kiêm quản việc quân Hà Tiên và Châu Đốc”Mũ có niên đại vào đầu đời vua Minh Mạng (1820 - 1840), hiện được lưu giữ tại Nhà trưng bày Thoại Ngọc Hầu, An Giang.

* Chiếc mũ Giải Trãi của Thiên vương Thống chế, không rõ chủ nhân. Niên đại được xác định vào cuối đời vua Minh Mạng (1820 - 1840), hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP. HCM.

* Chiếc mũ Đầu Hổ được xác định vào đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847), thuộc sưu tập của ông Terry Bennett, hiện ở nước Pháp.

* Chiếc mũ Phốc Tròn và mũ Văn Công của quan Nhất phẩm Cao Hữu Dực (1800 - 1859) có niên đại đầu đời vua Tự Đức (1848 - 1883), thuộc tài sản của gia đình ông Cao Hữu Nam (Thừa Thiên - Huế).

* Chiếc mũ Phốc Tròn, không rõ chủ nhân, có niên đại đầu thế kỷ 20. Hiện mũ này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP. HCM.

* Chiếc mũ Phốc Tròn, không rõ chủ nhân, có hàm Chánh Nhất phẩm trở lên, được đấu giá ở Tây Ban Nha vừa qua có niên đại đầu thế kỷ 20.

Chiếc mũ Phốc Tròn, không rõ chủ nhân, có niên đại đầu thế kỷ 20  T.L VŨ KIM LỘC

Chiếc mũ Phốc Tròn có hàm Chánh Nhất phẩm trở lên vừa được đấu giá ở Tây Ban Nha vừa qua  BALCLIS

Với các mũ nêu trên đã cho thấy sự phong phú về kiểu dáng, loại hình trang sức, trang trí. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là quy luật trang trí, đó là gồm có trục trung tâm và đối xứng ở hai bên, ngoại trừ 2 mũ của Tổng đốc Cao Hữu Dực đã bị mất hết trang sức.

Còn về nghệ thuật tạo hình hoa cúc, điều vô cùng thú vị là hoa không thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng của motif mặt trời. Như ở chiếc mũ Xuân Thu thời chúa Nguyễn cho thấy hoa cúc có nền dây lá vươn ngang, tương ứng với mặt trời có các tia nằm ngang ở thời kỳ này. Tiếp đến hoa cúc trên mũ của các quan lại triều Nguyễn có nền dây lá gần tròn, thì mặt trời ở thời kỳ này là tròn. Sự quan hệ mật thiết này cũng chính là bằng chứng về sự tiếp nối, đồng thời cũng là nét riêng ở hai thời kỳ.

 

Tag: