VĂN HÓA

Bộ sách Nếp cũ - Lưu giữ hồn cốt dân tộc qua từng trang viết

Ly Mai • 04-08-2023 • Lượt xem: 4638
Bộ sách Nếp cũ - Lưu giữ hồn cốt dân tộc qua từng trang viết

Bộ sách Nếp cũ gồm 4 cuốn gần gũi nhất với cuộc sống hàng ngày, gồm: Con người Việt Nam; Tín ngưỡng Việt Nam; Làng xóm Việt Nam; Hội hè đình đám của tác giả Toan Ánh, đã cung cấp cho người đọc những hiểu biết cần thiết về cội nguồn của dân tộc, về những phong  tục, tập quán, lễ nghĩa phong hóa xưa nay của ông cha ta.

Biết những điều tốt đẹp, nhận chân giá trị đích thực những gì thuộc về văn hóa cổ truyền, những cái hay, cái lạ của ông cha từ thời mở nước và giữ nước đặng gìn giữ những vốn quý hay, lạ, hợp lẽ đời, để đối nhân xử thế đầy nhân hậu, yêu thương và đồng cảm giữa người với người trên quê hương Việt Nam.

Với công phu sưu tầm, cách viết nhuần nhị, trôi chảy tự nhiên, tác giả đã trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ về các phong tục, tập quán, lễ nghi, hội hè, đình đám của con người Việt Nam thuở trước, qua đó ta có dịp ôn nhớ lai lịch và sự tiến hóa của tổ tiên, ông bà ta trên con đường dựng nước và giữ nước, khởi nguồn từ cá nhân từng con người riêng biệt từ lúc sinh đến khi vào mộ, từ cuộc sống mỗi gia đình đến tộc họ, mới mở rộng đến làng xóm, và xa hơn là huyện, tỉnh, rồi cả nước, quốc gia.

Theo ông Phùng Tất Đắc: “Chúng tôi cho rằng người ta sinh ra không phải chỉ là một “con vật người” sống ở đâu cũng chỉ có những khát vọng như nhau, muốn hành động gì đều cứ tự nơi mình, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Trái lại, nếu chúng ta không còn ở thời kỳ xuất mẫu  hoài tiện thị hữu quân thân (lọt lòng ra là đã có bổn phận đối với cha mẹ vua chúa) thời kỳ mà chúng ta sống đây có khác xưa rồi thật: vua chúa không còn nữa và bổn phận đối với cha mẹ cũng đã dần dần lỏng lẻo, nhưng ta đâu đã thoát ly hẳn được ảnh hưởng của hoàn cảnh, của sự chung sống trong một xã hội vẫn còn nông nghiệp làm căn nguyên, lấy gia đình là nền tảng.

Từ lúc tập tễnh biết đi, bập bẹ nghe chuyện cổ tích bên bếp lửa ấm cúng, biết suy tư học thầy bạn nơi học đường, biết ngâm nga những vần thơ phú có dư âm dội vào tâm khảm, biết tưởng nhớ đến những người thân đã khuất, biết não lòng trước cảnh đau thương của đất nước, biết phẫn nộ trước nỗi bất công giày vò bao nhiêu thế hệ, và trong những lúc nhàn hạ, biết thưởng thức hương vị mộc mạc của quê hương,... bấy nhiêu cái biết đã tạo thành một con người riêng biệt, quy tụ cá tính dân tộc riêng biệt, không giống hẳn dân tộc nào khác. Những cái biết ấy không thể chỉ nghe phong thanh mà lĩnh hội được, phải đã từng sống qua mới nhận thức được trọn vẹn mà thôi.

Nếu con người Việt Nam ngày nay là kết tinh của con người Việt Nam ngày qua (hoặc ít hoặc nhiều, chối sao được) thì muốn tìm hiểu những gì còn chi phối đời sống hiện tại của chúng ta, trong khi ta đương co chân chạy theo đà tiến triển vũ bão của văn minh cơ khí, thiết tưởng có ngoảnh lại nheo một đuôi mắt vào cuộc sống qua, chưa ắt đã là hoàn toàn... vong bản!

Vì thế, chúng tôi coi cuốn sách của bạn Toan Ánh là công trình cần phải có, để ghi lại những gì đã mất cùng những cái gì sắp mất, cho ta có thể nhận chân và vớt vát lại một vài giá trị cũ, những giá trị tuy không đứng vững nữa trên hiện tại, nhưng cũng giúp ta hiểu được đôi phần gốc rễ của cái hiện tại ấy, ngõ hầu chỉ cho ta hướng đi để xây dựng một tương lai phù hợp với bản chất của dân tộc:Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn ngách sông”.

Lời của tác giả Toan Ánh: “Người ngoại quốc, mỗi khi muốn nghiên cứu sự sinh hoạt tiến triển xã hội của một nước nào, thường căn cứ vào những phong tục tập quán của dân nước ấy, bao giờ phong tục tập quán cũng là phản ánh trung thực tinh thần của dân tộc một nước. Nước Việt Nam từ xưa tới nay vẫn có những phong tục lễ nghi riêng của dân tộc, phong tục lễ nghi này đã tạo nên con người Việt có những đặc tính riêng đáng quý khiến cho ta có thể tự hào với thế giới!

Từ trước tới nay đã có nhiều người Việt Nam cũng như ngoại quốc nghiên cứu về phong tục ta và đã viết thành sách, nhưng rất tiếc có sách thì viết bằng ngoại ngữ khiến người mình không tìm hiểu được, hoặc cũng có sách viết bằng Việt ngữ lại quá sơ sài hay chỉ chuyên về một khía cạnh nào, chưa nói được hết mọi điều hay dở cần thiết.

Giờ đây, những sách đó vì lâu ngày không được tái bản, có ai muốn tìm hiểu kỹ càng về phong tục ta thực rất mất công, mà cũng không được thỏa mãn.

Hôm nay, theo bước những người trước, tôi cố viết tập Phong tục Việt Nam mà tôi hằng mong ước từ mấy chục năm nay, ngay từ khi mới bước chân vào làng văn nước nhà với những tập sách nói sơ qua về ít nhiều tục hay thú đẹp của non sông.

Mang cái hoài bão muốn biểu dương tất cả những cái hay lạ của phong tục, tôi không quản làm có được hay không, cố gắng lưu trên giấy trắng mực đen những điều đã có, đang có hoặc không còn có nữa mà tôi có thể biết được.

Viết về phong tục nước nhà, tôi cố ghi cả những sự thay đổi của mỗi phong tục. Lẽ tất nhiên có nhiều thiếu sót và đôi khi có thể có cả những sự sai lầm, những điều thiếu sót cũng như những sự sai lầm này, tôi chờ mong sự chỉ giáo ở các bạn để bổ khuyết sau”.

Nhà văn Toan Ánh (1915 – 2009), sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh, tên thật là Nguyễn Văn Toán, là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Ông sinh ra tại Thị Cầu, Bắc Ninh, một vùng quan họ nổi tiếng với những lễ hội, đình đám. Mẹ ông làm nghề hàng xáo, ngày bà đi bán, tối về vừa xay gạo vừa dạy chữ Hán cho ông. Sau, ông theo học với thầy Chu Kinh Phượng, là thầy đồ nổi tiếng vùng Kinh Bắc.  

Khi trưởng thành, nhờ ông làm nhiều công việc khác nhau như thuế vụ, thanh tra, dạy học… và hay thay đổi nơi ở, nên ông biết được nhiều vùng của đất nước. Đến đâu ông cũng chú tâm tìm hiểu tập quán, hội hè, ca dao… và ghi chép một cách cẩn thận.

Toan Ánh bắt đầu viết văn từ năm 1934. Năm 1935, truyện ngắn đầu tay của ông là Chiếc nhẫn quý được đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bảy. 

Kể từ đó, ông gắn bó mật thiết với đề tài văn hóa truyền thống của Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam, và để lại cho đời khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật.