VĂN HÓA

‘Bộ trưởng Cô đơn’ Nhật Bản lo ngại tình trạng tự tử gia tăng

Đan Thuỳ • 26-02-2021 • Lượt xem: 795
‘Bộ trưởng Cô đơn’ Nhật Bản lo ngại tình trạng tự tử gia tăng

Đại dịch COVID-19 đã làm số ca tự tử tại Nhật Bản tăng trở lại trong năm 2020, với 20.919 ca (tăng 3,7% so với năm trước đó).

Sự gia tăng các ca tự tử tại Nhật Bản đáng lo ngại tới mức đích thân Nhật hoàng Naruhito hôm 23.2 kêu gọi dốc toàn lực hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Trước đó, Thủ tướng Suga Yoshihide đã tạo ra vị trí nội các mới để đảm trách các vấn đề sức khỏe tinh thần và đưa ra các biện pháp chống tự tử.

Được giao trọng trách “Bộ trưởng Cô đơn” từ ngày 12.2, ông Tetsushi Sakamoto, 70 tuổi, nhận định: “Trước Nhật Bản, Anh cũng có bộ trưởng giải quyết tình trạng cô đơn vào năm 2018. Có vẻ ở Anh, cô đơn là vấn đề của người cao tuổi. Nhưng ở Nhật Bản, vấn đề này xảy ra ở nhiều nhóm tuổi, từ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ đến người già và tình hình thêm nghiêm trọng vì COVID-19”.


Tỷ lệ gia tăng những ca tự tử ở Nhật Bản đang ở mức lo ngại - Ảnh: Internet

Đại dịch đã đẩy nhiều người vào tình trạng khó khăn, cùng cực và càng áp lực hơn với phụ nữ. Năm 2020, tại Nhật Bản, 6.976 phụ nữ tự vẫn, nhiều hơn gần 15% so với năm 2019. Trong khi đó, dù nam giới tự tử nhiều hơn phụ nữ, nhưng vẫn ít so với năm 2019. Ở thanh thiếu niên, số nữ sinh trung học tự sát tăng gấp đôi.

Mỗi vụ đều là kết quả của bi kịch cá nhân, khởi nguồn từ một loạt lý do phức tạp. Tuy nhiên, con số phụ nữ tự chấm dứt đời mình tăng suốt 7 tháng liên tiếp vào năm ngoái khiến quan chức chính phủ và chuyên gia sức khỏe tâm thần lo ngại.

Phụ nữ Nhật Bản là người chăm sóc sức khỏe chính trong gia đình. Đôi khi họ sợ hãi vì bị dư luận sỉ nhục nếu mình hoặc người thân không đeo khẩu trang, không vệ sinh đúng cách. Áp lực lớn hơn nếu chẳng may gia đình có người nhiễm virus.


Phụ nữ Nhật Bản phải chịu nhiều áp lực - Ảnh: Internet

“Thật không may, xu hướng hiện nay là đổ lỗi cho nạn nhân”, Michiko Ueda, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waseda ở Tokyo, người đã nghiên cứu về vấn đề tự tử, cho biết. Tiến sĩ Ueda phát hiện trong các cuộc khảo sát năm ngoái rằng 40% người được hỏi lo lắng về áp lực xã hội nếu nhiễm virus.

Tại Tokyo, khoảng 1/5 phụ nữ sống một mình. Khuyến cáo ở nhà và tránh gặp người thân khiến cảm giác cô lập thêm trầm trọng. Một số phụ nữ vật lộn để vừa chăm con, vừa làm việc tại nhà hoặc chịu đựng bạo lực và tấn công tình dục gia tăng.

Tháng trước, một phụ nữ trên 30 tuổi tự tử vì bị ám ảnh rằng mình đã lây COVID-19 cho chồng, con. Cô là một trong số 1.646 người tìm tới cái chết ở Nhật Bản tháng trước, khi tình trạng khẩn cấp toàn quốc được kích hoạt để chống làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba.

Theo GS Michiko Ueda của Trường ĐH Waseda, phụ nữ và thanh thiếu niên có nguy cơ tự tử nhiều hơn. Bà Ueda lưu ý phụ nữ Nhật Bản thường làm việc theo hợp đồng thời vụ và trong mảng dịch vụ nên bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19. Trong khi đó, thanh thiếu niên cảm thấy bị cô lập vì không thể đến trường.

Các chuyên gia cũng lo ngại việc các ngôi sao điện ảnh và truyền hình Nhật Bản liên tiếp tự sát vào năm ngoái có thể đã thúc đẩy một chuỗi người bắt chước theo. Sau khi Yuko Takeuchi, một nữ diễn viên nổi tiếng tự tử vào cuối tháng 9, số phụ nữ tự tử trong tháng tiếp theo đã tăng gần 90% so với năm trước.

Theo 1thegioi.vn