VĂN HÓA

Bóc mẽ trò lừa 'Tôi không đồng ý cho Facebook chia sẻ ảnh hoặc tin’

Văn Sáu • 09-08-2020 • Lượt xem: 4816
Bóc mẽ trò lừa 'Tôi không đồng ý cho Facebook chia sẻ ảnh hoặc tin’

"VTV1 đã nói rồi nên mọi người cứ làm nha. Đừng quên ngày mai bắt đầu điều lệ mới của Facebook, nơi họ có thể sử dụng ảnh của bạn. Đừng quên hạn chót ngày hôm nay..." Đó là một trò lừa rất cũ lặp đi lặp lại nhưng đến nay nhiều người mạng xã hội Facebook vẫn tin răm rắp và chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

"Tôi không cho Facebook hoặc bất kỳ thực thể nào liên quan đến Facebook được phép sử dụng hình ảnh, thông tin, tin nhắn hoặc bài đăng của tôi, cả quá khứ và tương lai. Với tuyên bố này, tôi nghiêm cấm Facebook tiết lộ, sao chép, phân phối, hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào khác chống lại tôi dựa trên trang cá nhân này và / hoặc nội dung của nó. Nội dung của trang cá nhân này là thông tin riêng tư và bí mật. Việc vi phạm quyền riêng tư có thể bị luật pháp trừng phạt (UCC 1-308-1 1 308-103 và quy định Rome..."

Đó là nội dung xuất hiện dày đặc trên Facebook trong những ngày gần đây. Rất nhiều người dùng Việt Nam tin rằng, khi đăng status như trên, Facebook sẽ không dám sử dụng các dữ liệu cá nhân của mình. 

Tuy nhiên đây chỉ là một trò lừa rất cũ được diễn đi diễn lại nhiều lần.

Một "tuyên bố" của người sử dụng FB - Ảnh: Chụp màn hình

Theo các chuyên gia công nghệ, trò lừa này xuất hiện từ năm 2012 ở nước ngoài, đến năm 2015 trò lừa bắt đầu du nhập vào cộng động Facebook Việt Nam. Đầu năm 2019 phong trào “tuyên bố cấm Facebook sử dụng dữ liệu cá nhân” lại xuất hiện trên mạng xã hội.

Đến những ngày đầu của tháng 8.2020, một lần nữa nội dung nói trên bắt đầu lây nhiễm tràn lan trên Facebook khiến cho nhiều người hoang mang không biết đâu là thật đâu là giả.

Mục đích của trò lừa nhằm gây hoang mang cho người dùng và “khủng bố” news feed bằng những thông tin có cùng một nội dung xuất hiện mọi lúc mọi nơi gây nhàm chán và ức chế cho người đọc.

Để tăng tính nghiêm trọng cho thông tin, kẻ lừa đảo đã nhắc đến “Việc vi phạm quyền riêng tư có thể bị luật pháp trừng phạt (UCC 1-308-1 1 308-103 và quy định Rome”.

Tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ chúng ta sẽ thấy “UCC 1-103 1-308” là một bộ luật về thương mại Mỹ, trong khi đó “Quy định Rome” là một hiệp ước được thiết lập bởi Tòa án Hình sự Quốc tế để chống lại tội phạm chiến tranh, tội phạm diệt chủng và các tội ác chống lại loài người. Cả hai nội dung trên không liên quan gì đến mạng truyền thông xã hội.

Như chúng ta đã biết, bất cứ mạng xã hội nào nhà cung cấp cũng xây dựng một điều khoản sử dụng hợp lý để bảo dữ liệu của người dùng. Về nguyên tắc, Facebook không cho phép mọi người theo dõi ai đang xem profile của họ. Các ứng dụng của bên thứ 3 cũng không thể cung cấp chức năng này.

Trong điều khoản dịch vụ cập nhật đầu năm 2020, Facebook cam kết: “Chúng tôi không bán dữ liệu cá nhân của bạn cho các nhà quảng cáo và cũng không chia sẻ thông tin trực tiếp nhận dạng bạn (chẳng hạn như tên, địa chỉ email hoặc thông tin liên hệ khác) với những đơn vị này trừ khi được bạn cho phép cụ thể…”

Chính sách dữ liệu của FB cũng nêu rõ cách mà họ thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng là để "quyết định hiển thị cho bạn quảng cáo nào cũng như để cung cấp tất cả các dịch vụ khác”.

Với điều khoản như trên chúng ta có thể hiểu rằng khi đăng ký sử dụng Facbook nghĩa là chúng ta đã đồng ý với các điều khoản và điều kiện rõ ràng của nhà cung cấp.

Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, người dùng có thể vào phần cài đặt lựa chọn cho phép hoặc không cho Facebook sử dụng thông tin nào đó.

Việc người dùng tự viết status rồi “tuyên bố” gì đó trên trang cá nhân sẽ không thể thay đổi các quy định trong chính sách chung của FB đã cam kết với người dùng.

Trong trường hợp người dùng muốn bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình một cách tuyệt đối thì tốt nhất là nên… rời Facbook.